Hãng tin Financial Times hôm 16/3 đưa tin, Ukraine và Nga đã đạt được tiến triển đáng kể trong việc xây dựng thỏa thuận hòa bình dự kiến gồm 15 điểm.
Financial Times dẫn nguồn tin từ 5 người tham gia các cuộc đàm phán cho biết, thỏa thuận bao gồm một lệnh ngừng bắn và quyết định rút quân của Nga, nếu Ukraine tuyên bố trung lập và chấp nhận các giới hạn đặt ra đối với lực lượng vũ trang nước này.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Psekov cho biết hiện vẫn còn quá sớm để tiết lộ bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào giữa Moscow và Kiev. Tuy vậy, một tín hiệu khả quan là hai nước vẫn để ngỏ cơ hội đối thoại, dù không đạt được kết quả đột phá sau 4 cuộc đàm phán.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định các cuộc đàm phán với Nga đang trở nên "thực tế hơn" và có những triển vọng tích cực, trong khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng các đề xuất đang được thảo luận hiện "gần đi đến một thỏa thuận".
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow đã sẵn sàng thảo luận về quy chế trung lập đối với Ukraine, nhưng vẫn sẽ đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự mà theo ông mô tả là đang diễn ra "theo đúng kế hoạch". Ông Putin cũng cảnh báo phương Tây đang kích động xung đột dân sự ở Nga và kêu gọi người Nga tố giác những "kẻ phản bội".
Vào ngày thứ 21 của chiến dịch quân sự, các lực lượng Nga vẫn tiếp tục không kích các thành phố bị bao vây ở Ukraine. Trong khi đó, quân đội Nga hiện vẫn "án binh bất động" ở các cửa ngõ của thủ đô Kiev.
Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky hôm 16/3 cho biết "Ukraine đang đề xuất mô hình quốc gia phi quân sự trung lập, tương tự Áo hoặc Thụy Điển, nhưng vẫn sở hữu lực lượng lục quân và hải quân". Nga nhiều lần tuyên bố muốn Ukraine trở thành quốc gia trung lập và không gia nhập khối NATO, do vậy Điện Kremlin coi ý tưởng này là tín hiệu của sự "thỏa hiệp".
Giới chức Ukraine trước đó cho biết, nước này sẵn sàng thảo luận với Nga về việc duy trì trạng thái trung lập. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky đề nghị Kiev phải nhận được "sự đảm bảo an ninh" từ Nga và phương Tây.
"Tình trạng trung lập đang được thảo luận nghiêm túc cùng với các đảm bảo về an ninh", Ngoại trưởng Nga nêu rõ.
Trong một động thái có thể khiến căng thẳng hạ nhiệt, Tổng thống Zelensky ngày 15/3 tuyên bố Ukraine sẽ không gia nhập NATO và đây là một thực tế mà người dân Ukraine phải chấp nhận. Tuần trước, nhà lãnh đạo Ukraine thừa nhận ông không còn hứng thú với việc đưa nước này gia nhập NATO sau khi nhận thấy NATO "chưa sẵn sàng kết nạp Ukraine".
Việc ngăn Ukraine gia nhập NATO, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, là một trong những yêu cầu chính của Nga trước khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giềng.
Trưởng đoàn đàm phán của Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, cho biết Kiev đang tìm kiếm cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Zelensky và Tổng thống Putin. Moscow cho biết hai nhà lãnh đạo có thể gặp nhau, nhưng chỉ để hoàn tất một thỏa thuận đã được chuẩn bị trước đó.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 13/3 một lần nữa khẳng định, Nga chưa bao giờ bác bỏ khả năng diễn ra cuộc hội đàm trực tiếp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky nhằm tháo ngòi căng thẳng. Tổng thống Putin tuần trước nói rằng, ông nhận thấy có những "chuyển biến tích cực" trong các cuộc đàm phán với Ukraine. Tổng thống Zelensky đã hoan nghênh tuyên bố này của nhà lãnh đạo Nga.