Theo phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GD-ĐT công bố mới đây, thí sinh dự thi sẽ thi 4 môn, gồm 2 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn lựa chọn (trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Bộ GD-ĐT cho biết, nguyên tắc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không cho phép thí sinh thi hơn 2 môn lựa chọn. Theo tính toán của đại diện Bộ GD-ĐT, phương án thi với 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn có thể tạo ra 36 tổ hợp môn.
Liên quan nội dung này, các trường đại học cũng đã có những tính toán, kế hoạch điều chỉnh nhất định trong công tác tuyển sinh từ năm 2025.
Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, cho biết: “Với phương án thi đó, số tổ hợp và cơ hội xét tuyển của từng thí sinh sẽ bị hạn chế hơn. Tuy nhiên, điều này cũng không quá lo ngại khi theo Chương trình phổ thông mới, các học sinh bước vào cấp THPT đã có sự lựa chọn nhóm môn để định hướng nghề nghiệp.
Tuy nhiên, với những môn học mới ở Chương trình phổ thông mới, các trường có thể sẽ phải xây dựng thêm một số tổ hợp xét tuyển mới nếu vẫn muốn tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT”, ông Chương nói.
Theo ông Chương, khi nguồn tổ hợp “có sẵn” từ điểm thi tốt nghiệp THPT giảm xuống, trường sẽ giảm bớt tỷ trọng chỉ tiêu xét bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT; đồng thời, tăng số chỉ tiêu xét bằng các phương thức khác (như kết quả các kỳ thi Đánh giá năng lực, Đánh giá tư duy...) lên”.
Điều ông Chương băn khoăn nhất là chưa hình dung được nếu cho thí sinh có 2 môn tự chọn, Bộ GD-ĐT có tổ chức được việc chọn được hết cho tất cả các môn, tức liệu có thể tổ chức thi tất cả các môn.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo của Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho hay, với cách thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 Bộ GD-ĐT công bố, chắc chắn sẽ có những tác động đến các trường trong công tác tuyển sinh và sẽ có những điều chỉnh nhất định.
Như Trường ĐH Kinh tế quốc dân những năm gần đây đã chuyển mạnh sang xét tuyển kết hợp, xét tuyển bằng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực.
“Nhà trường vẫn sẽ theo định hướng đó. Về tổ hợp, nhà trường sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với kỳ thi. Song việc điều chỉnh cũng theo hướng là giữ lại các tổ hợp truyền thống, căn bản”, ông Triệu nói.
Theo ông Triệu, việc thi tốt nghiệp THPT “2+2” càng thuận lợi hơn cho trường lựa chọn tổ hợp đưa ra để tuyển sinh, bớt lan man, có trọng tâm và định hướng nghề nghiệp, không phải ôm đồm mở ra nhiều tổ hợp để “quét” thí sinh.
“Với cách thi như thế này, tôi nghĩ các trường sẽ giảm số các tổ hợp đi và bỏ những tổ hợp mà dư luận trước nay không ủng hộ. Như Trường ĐH Kinh tế quốc dân, hiện tại xét tuyển bằng 9 tổ hợp, chắc chắn sẽ giảm đi, đặc biệt là những tổ hợp ít được chọn. Song giảm cụ thể như thế nào, sẽ phải họp hội đồng.
Cũng có thể bổ sung những tổ hợp mới, ví dụ có tổ hợp có môn Tin học. Điều chỉnh theo hướng các tổ hợp mà thí sinh có khả năng cao lựa chọn và hữu ích trong quá trình các em tiếp tục học ở bậc đại học và sau nữa”.
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng Phòng Truyền thông và Tuyển sinh của Trường ĐH Thương mại cho hay, với cách thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, sẽ hạn chế việc hình thành các tổ hợp xét tuyển của thí sinh.
Theo ông Trung, dù số tổ hợp giảm, song những tổ hợp chính vẫn sẽ được đảm bảo tồn tại, nên việc ảnh hưởng cũng sẽ không quá lớn.
“Những trường đại học top đầu vẫn tuyển sinh theo cách hiện nay, chỉ có điều khi số tổ hợp của phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT ít đi, các trường sẽ phải đưa ra các phương thức tuyển sinh đa dạng lên.
Tôi nghĩ với các trường đại học top trên, tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm dần. Thay vào đó, các trường sẽ sử dụng các phương thức khác nhiều hơn”, ông Trung nói.
Theo ông Trung, như Trường ĐH Thương mại, với phương thức thi có 2 môn bắt buộc là Văn và Toán, trong khi các tổ hợp của trường đều có Toán hoặc Văn và tuyển sinh bằng khối D là chủ yếu; vì vậy, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc xét tuyển của trường như hiện nay.
Ông Trung cho hay, cơ bản đến năm 2025, nhà trường sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển qua điểm thi tốt nghiệp THPT. “Tuy nhiên mức giảm sẽ đảm bảo vừa phải, chứ không phải giảm nhanh. Bởi phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn được toàn xã hội coi là thang đo chung để so sánh giữa các trường. Đồng thời, tăng số chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức khác như đánh giá tư duy, đánh giá năng lực...”, ông Trung nói.
Theo ông Trung, chắc chắn từ năm 2025, nhà trường sẽ có những điều chỉnh trong tuyển sinh. “Song sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể thời điểm đó. Ví dụ căn cứ lúc đó, số học sinh dự thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy tăng ra sao, rồi số có chứng chỉ quốc tế... nhà trường sẽ điều chỉnh theo từng năm”, ông Trung nói.
Ông Trần Bá Trình, Trưởng Phòng Đào tạo của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, trường dự kiến giữ ổn định phương thức tuyển sinh.
“Thi tốt nghiệp THPT chỉ là một trong số những phương thức xét tuyển. Riêng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có lộ trình để không phụ thuộc vào việc thi tốt nghiệp quá nhiều. Bởi nhà trường cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Bên cạnh đó, vẫn duy trì việc xét học bạ với một số ngành, tức hoàn toàn chủ động về phương thức để tuyển sinh.
Vì vậy, khi một nguồn tuyển có biến động, ví dụ xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, có thể chỉ cần giảm bớt chỉ tiêu xét bằng phương thức này. Chứ trường không xác định cần thay đổi, điều chỉnh tổ hợp theo kỳ thi tốt nghiệp THPT để “đón” được nhiều thí sinh”, ông Trình nói.
Theo ông Trình, việc giảm số chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cũng là nội dung nằm trong đề án tổ chức thi đánh giá năng lực của trường. “Tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của trường tổ chức sẽ tăng dần qua các năm và giảm dần tỷ lệ sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT”, ông Trình nói.
TS Thân Thanh Sơn, Trưởng Phòng Đào tạo của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho hay, hiện nay, các phương thức tuyển sinh của trường cũng đã khá đa dạng và phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ là 1 trong 6. Theo ông Sơn, phương thức sử dụng kết quả học tập ở bậc THPT (học bạ) tương đối phù hợp với xu hướng chương trình phổ thông mới và kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
“Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có 2 nhóm ngành là khối công nghệ, kỹ thuật và khối kinh tế, xã hội và nhân văn. Với khối kinh tế, xã hội và nhân văn, chủ yếu dùng tổ hợp A00 và D01 để xét. Với nhóm này, phương án thi của Bộ công bố mới đây gần như không ảnh hưởng gì. Nhưng với khối công nghệ, kỹ thuật, có dùng tổ hợp A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), có thể chúng tôi phải nghiên cứu thêm.
Qua tư vấn tuyển sinh, chúng tôi sẽ khảo sát xem, với cách thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, số lượng học sinh đăng ký theo tổ hợp A01 có đủ lớn hay không (bởi Vật lý và Tiếng Anh khi thành các môn tự chọn có thể số lượng đăng ký thi đồng thời cả 2 môn này không cao).
Nếu số lượng đăng ký không nhiều, có thể chúng tôi sẽ bổ sung bằng việc kết hợp điểm thi với kết quả học tập ở bậc THPT để giữ được tổ hợp này. Bởi tổ hợp này qua đánh giá phù hợp với đòi hỏi các ngành nghề của trường và đảm bảo chất lượng trong quá trình đào tạo của trường sau này”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, theo ông Sơn cho hay, dù điều chỉnh thế nào, nhà trường cũng sẽ phải tiếp tục nghiên cứu và công bố sớm cho người học biết được và có thể ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 để các thí sinh thi năm 2025 có thể định hướng tốt nhất ngay từ đầu lớp 12.
TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho hay, với phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là 2+2, nhà trường không gặp khó khăn, bởi tất cả các ngành tuyển sinh của trường đều có tuyển sinh khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ), trong khi 2 môn thi bắt buộc đã nằm trong tổ hợp 3 môn thi khối D.
Chính vì vậy, Trường ĐH Hà Nội dự kiến tiếp tục ổn định các phương thức tuyển sinh hiện tại, theo đó tất cả các ngành tuyển sinh của trường đều có tuyển sinh khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ).