Thế giới ghi nhận tuần nắng nóng nhất trong lịch sử

Ngày 10/7, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố dữ liệu cho thấy tuần đầu tháng 7 này được ghi nhận là tuần nóng nhất trên toàn cầu, sau những ngày nắng nóng gay gắt đầu tuần với các mức nhiệt phá kỷ lục. Tháng 6 vừa qua cũng được ghi nhận là tháng 6 nóng nhất trong lịch sử.
nang-nong-tren-the-gioi-1172023-1689060218.jpg
Nhiệt kế ngoài trời chỉ mức nhiệt 99 độ F (37,2 độ C) vào buổi chiều muộn tại Houston, Texas, Mỹ, ngày 21/6/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Các nhà khoa học cho biết, nhiệt độ bề mặt toàn cầu đã tăng khoảng 1,1 độ C kể từ năm 1880, khiến nhiệt độ cực cao xảy ra thường xuyên hơn, trong khi trái đất nóng lên làm tăng nguy cơ mưa lớn do bầu khí quyển ấm có thể chứa nhiều nước hơn.

Theo WMO, nguyên nhân của sự nóng lên này là do biến đổi khí hậu và El Nino - hiện tượng nóng lên bất thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương. WMO cũng cho biết nhiệt độ đang phá kỷ lục cả trên đất liền và đại dương, với "tác động tàn phá tiềm ẩn đối với hệ sinh thái và môi trường".

Giám đốc dịch vụ khí hậu của WMO, ông Christopher Hewitt cảnh báo nhiều kỷ lục thế giới về thời tiết cực đoan có thể bị phá vỡ trong thời gian tới, với hiện tượng El Nino có thể kéo dài và gây tác động cho đến năm 2024.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định "tình hình mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay là bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang vượt ngoài tầm kiểm soát".

Nửa năm qua, thế giới liên tục hứng chịu những hệ lụy từ biến đổi khí hậu, trong đó có tình trạng hạn hán kéo dài ở Tây Ban Nha và những đợt nắng nóng gay gắt ở Trung Quốc cũng như Mỹ.

Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) mới đây cảnh báo hơn 50 triệu người Mỹ sẽ phải hứng chịu nhiệt độ cao nguy hiểm trong tuần này, khi một đợt nắng nóng hoành hành khắp miền Nam nước Mỹ, trong đó có các bang California, Texas và Florida.

Theo NWS, một khối không khí nóng đang bao phủ các bang sa mạc phía Tây Nam cùng với các vùng thuộc bang Arizona, Nevada và New Mexico, nhiệt độ có thể lên tới 38 độ C. Tại các khu vực phía Nam và trung tâm California, nhiệt độ dự kiến có thể lên tới 44,4 độ C sau ngày 11/7. Bang Texas, nơi đang trải qua một “vòm nhiệt” kéo dài và khí nóng bị giữ lại trong bầu khí quyển như một lò đối lưu, đã trải qua 24 ngày liên tiếp ghi nhận mức nhiệt trên 38 độ C. Đây tiếp tục là một kỷ lục mới, phá kỷ lục 23 ngày liên tiếp được ghi nhận vào năm 1994.

Ngoài nhiệt độ cao, giới chức trách cũng đang cảnh báo về tình trạng lũ quét khi nhiệt độ tăng cao làm tan lớp băng tuyết dày từ dãy núi Sierra Nevada. Vùng Đông Bắc nước Mỹ cũng phải đối mặt với lũ lụt trong ngày 10/7, sau khi mưa lớn ở một số bang cuốn trôi nhiều cầu, đường và khiến ít nhất 1 người thiệt mạng ở bang New York.

Tại châu Âu, Tây Ban Nha được dự báo sẽ đón đợt nắng nóng trong vài tuần tới. Thủ đô Rome và các thành phố khác trên khắp Italy cũng chuẩn bị đối mặt với một đợt nắng nóng dữ dội và có khả năng phá kỷ lục trước đây, với mức nhiệt lên tới 40 độ C kéo dài đến hết tuần này.

Bộ Y tế Italy đã kích hoạt báo động đỏ hôm 10/7 tại 9 trên 27 thành phố chính của đất nước, trong đó có thủ đô Rome, thành phố Florence ở miền Trung và thành phố Bologna ở miền Bắc. Một số thành phố khác được đặt ở mức cảnh báo màu cam, trong khi chỉ có 4 thành phố ở trạng thái xanh với nhiệt độ bình thường.

Cùng với mùa màng khô héo, sông băng tan chảy và tăng nguy cơ cháy rừng, nhiệt độ cao hơn bình thường cũng gây ra các vấn đề sức khỏe của người dân như sốc nhiệt, mất nước , các vấn đề về tim mạch.

Một nghiên cứu mới được công bố cho biết hơn 61.000 người đã tử vong vì nắng nóng trong mùa Hè năm 2022 tại châu Âu, phần lớn là người trên 80 tuổi. Theo nghiên cứu, nếu không có hành động can thiệp, đến năm 2030, châu Âu sẽ đối mặt với tình trạng trung bình mỗi mùa Hè có hơn 68.000 ca tử vong liên quan đến nắng nóng. 

Các nhà khoa học đánh giá đây là một con số cảnh báo cho những mùa Hè, đồng thời kêu gọi cần phải có những biện pháp hiệu quả để bảo vệ người dân khỏi những đợt nắng nóng nguy hiểm hơn trong những năm tới.