Bên cạnh đó, trong tháng 5/2023, chỉ số IIP tại một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn đã ghi nhận tăng so với tháng trước. Cụ thể, Thái Nguyên tăng 3,3%; Hải Dương tăng 3,1%; Bình Dương tăng 2,6%; Bắc Giang tăng 2,1%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,5%; Long An tăng 1,2%; Quảng Ninh tăng 1%...
Xét theo lĩnh vực sản xuất, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo giảm 0,5%; ngành khai khoáng giảm 2,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê nhận định, do tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,9%), làm giảm 1,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 3,5%, làm giảm 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Xét theo địa phương, báo cáo cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương; trong đó, với mức tăng IIP 5 tháng 2023 đạt 15,4% so với cùng kỳ năm trước, Bắc Giang đã vươn lên dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển sản xuất ngành công nghiệp. Trước đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Giang trong 4 tháng đầu năm chỉ tăng 13,3% so với cùng kỳ, xếp sau Hải Phòng.
Cũng trong 5 tháng đầu năm 2023, địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao thứ hai cả nước là Phú Thọ, với chỉ số IIP 5 tháng đầu năm 2023 tăng 15,2% so với cùng kỳ. Theo sau là các địa phương như Hậu Giang (13,9%), Thái Bình (13,2%), Nam Định (13,2%)...
Tổng cục Thống kê lý giải, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Theo đó, địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 5 tháng đầu năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm: Gia Lai tăng 21,7%; Tuyên Quang tăng 18,6%; Bắc Giang tăng 15,9%; Phú Thọ tăng 15,3%; Hải Phòng tăng 13,4%; Nam Định tăng 13,3%...
Đối với ngành sản xuất và phân phối điện, những địa phương có chỉ số sản xuất trong lĩnh vực này tăng cao gồm: Hậu Giang tăng 270,9%; Thái Bình tăng 63,3%; Nam Định tăng 12%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước giảm ở 14 tỉnh, thành phố. Cụ thể, Quảng Nam ghi nhận tốc độ giảm IIP lớn nhất trong 5 tháng đầu năm, giảm khoảng 33,2% so với cùng kỳ năm 2022. Theo sau là Lai Châu với tốc độ giảm 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Hà Giang; Bắc Ninh; Vĩnh Long; Sóc Trăng... với tốc độ giảm lần lượt là 21,4%; 19%; 15,3% và 14,8%.
Nguyên nhân khiến chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm ở một số địa phương là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm. Cụ thể, những địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 5 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước: Quảng Nam giảm 36,7%; Bắc Ninh giảm 19,1%; Vĩnh Long giảm 16,6%; Sóc Trăng giảm 16,5%; Đà Nẵng giảm 4,8%; Hòa Bình giảm 4,6%.
Không chỉ vậy, các địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện 5 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước: Hà Giang giảm 33,4%; Lai Châu giảm 28,5%; Sơn La giảm 11,9%; Hòa Bình giảm 6,2%; Đà Nẵng giảm 2,7%...
Để đẩy mạnh sản xuất, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các Sở Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại địa phương để kịp thời tích hợp trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia.
Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỉnh, thành phố làm cơ sở quan trọng cho việc triển khai các dự án lớn, nhỏ trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung rà soát, tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc đối với từng doanh nghiệp, dự án, nhất là doanh nghiệp, dự án lớn trên địa bàn. Từ đó, nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách địa phương và đề xuất Trung ương ban hành cơ chế, chính sách quốc gia để gỡ khó cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư – nhất là vốn dân doanh.
Cùng với đó, các địa phương tăng cường chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bất động sản, đầu tư công trên địa bàn, tạo động lực, dư địa để các ngành, lĩnh vực liên quan phát triển; đồng thời, quán triệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đã nêu trong đề án xuất khẩu chính ngạch để triển khai mở, tận dụng thị trường cho hàng hóa địa phương...