góc nhìn pháp luật
Bàn về khái niệm "Văn hóa giao tiếp trong công vụ" từ giác độ tiếp cận pháp luật
Trên phương diện nghiên cứu, các khái niệm “Văn hóa công sở” và “Văn hóa công vụ” được sử dụng khá phổ biến, tuy vậy nội hàm của hai khai niệm này chưa được nhận thức thống nhất, rõ ràng. Trên phương diện pháp luật, cụ thể là Luật Cán bộ, công chức (Luật CBCC) sử dụng khái niệm “Văn hóa giao tiếp” với hai nội dung: giao tiếp ở công sở và giao tiếp với Nhân dân. Cùng với các quy định của Luật CBCC, trong thời gian qua các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương, địa phương đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Vậy “Văn hóa giao tiếp trong công vụ” có gì tương đồng, khác biệt với “Văn hóa công sở”, “Văn hóa công vụ”, “Ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức”? Nhằm góp phần bổ sung về lý luận và cụ thể hóa các quy định trong thực hiện Luật CBCC, bài viết bàn về khái niệm “Văn hóa giao tiếp trong công vụ” với ý nghĩa là quan hệ pháp luật.