Quản lý vũ khí tại làng nghề rèn Đa Sỹ

Làng nghề rèn truyền thống Đa Sỹ, thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội nổi tiếng và lâu đời tại đồng bằng Bắc Bộ. Lực lượng Công an và người dân đã thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống sản xuất, buôn bán vũ khí thô sơ để cho làng rèn phát triển bền vững, lành mạnh.

Thống kê từ Bộ Công an cho thấy, 5 năm qua, toàn quốc phát hiện 28.715 vụ, bắt giữ 48.987 đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại dao và phương tiện tương tự dao. Trong đó, số vụ sử dụng dao và phương tiện tương tự dao chiếm tới 58,6%, vũ khí thô sơ chiếm 29,7%, súng tự chế chiếm 6,2%.

Tình hình tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ ngày càng phức tạp. Từ thực tế này, cơ quan chức năng đã tăng cường công tác quản lý vũ khí thô sơ tại các làng nghề rèn. 

anh-co-so-san-xuat-dao-keo-tai-lang-ren-da-sy-nguon-anh-tu-cong-ttdt-phuong-kien-hung-1705649250.jpg
Cơ sở sản xuất dao, kéo tại làng rèn Đa Sỹ (Ảnh: Cổng TTĐT phường Kiến Hưng)

Nép mình bên dòng sông Nhuệ hiền hòa, làng rèn Đa Sỹ, thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội là một trong những làng nghề rèn nổi tiếng và lâu đời. Tại đây, từ người già đến trẻ, cả nam lẫn nữ đều có thể thực hiện các công đoạn của nghề rèn - một nghề lao động nặng nhọc. 

Gia đình bà Trịnh Hồng Ánh đã duy trì nghề rèn từ bao đời nay. Bản thân bà được tiếp xúc với nghề rèn từ nhỏ nên rất am hiểu về kỹ thuật làm nghề và các quy định khi làm nghề. Cơ sở của bà Ánh có thể sản xuất dao, kéo và rất nhiều vật dụng khác nhưng vũ khí hoặc những loại dao cải biến có tinh sát thương cao cơ sở sẽ không sản xuất.

Bà Trịnh Hồng Ánh  khẳng định: "Các thứ đó nhất quyết không làm, chỉ làm các hàng gia dụng để cho dân sử dụng thôi, ví dụ như dao thái, dao chặt thịt gà, thịt vịt thế thôi. Còn những thứ khác như kiếm thì không bao giờ sản xuất". 

anh-dao-duoc-san-xuat-tai-lang-da-sy-1705649250.jpg
Dao được sản xuất tại làng Đa Sỹ

Mới đây, Bộ Công an đề xuất quy định dao có tính sát thương cao vào danh mục các loại vũ khí thô sơ. "Dao có tính sát thương cao" được định nghĩa là dao sắc, nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20 cm trở lên hoặc dao có chiều dài lưỡi dao dưới 20 cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao. 

Bà Trịnh Hồng Ánh đã nắm được đề xuất này và khẳng định nếu đề xuất được thông qua sẽ chấp hành nghiêm chỉnh: “Mình là hộ sản xuất lớn cho nên sẽ kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật thì mới phát triển bền vững được. Nếu trong thời gian tới bên Công an điều chỉnh các quy định của pháp luật thì gia đình chúng tôi cũng sẽ chấp hành nghiêm chỉnh quy định đó”.

Thực hiện chỉ đạo của Công an TP Hà Nội, thời gian qua, Công an quận Hà Đông đã tham mưu cho UBND quận triển khai nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các ban ngành, đoàn thể, UBND các phường, tổ dân phố (TDP) phát huy sức mạnh của toàn thể hệ thống chính trị và ủng hộ của quần chúng trong công tác tuyên tuyền, vận động nhân dân thực hiện mô hình “Vận động toàn dân không sản xuất, mua bán, tàng trữ các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ”, đẩy mạnh công tác hòa giải cơ sở, phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm. 

Công an quận Hà Đông đã phối hợp với các địa phương treo gần 200 băng rôn, khẩu hiệu và tổ chức viết tin bài tuyên truyền trên hệ thống Cổng thông tin điện tử, đài truyền thanh 3 lượt/tuần và phát thông tin tại các phường 2 lần/ngày. Lực lượng công an đã trực tiếp tổ chức ký cam kết với 92.000 hộ dân, hơn 520 tổ chức, đơn vị trên địa bàn quận Hà Đông. Từ đó nâng cao nhận thức cho nhân dân nắm bắt được nội dung quy định về việc không sản xuất, mua bán, tàng trữ các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ. 

Cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Văn Mộc nằm ngay mặt đường Hà Trì, làng Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội. Mấy chục năm làm nghề, ông Mộc đã gặp rất nhiều khách hàng, trong đó có cả thanh niên đến ngỏ lời nhờ làm vũ khí thô sơ nhưng ông đều từ chối thực hiện. 

anh-ong-nguyen-van-moc-chia-se-ve-chuyen-nghe-1705568866.jpg
Ông Nguyễn Văn Mộc chia sẻ về chuyện nghề

Gia đình ông Nguyễn Văn Mộc và tất cả hộ gia đình duy trì nghề rèn truyền thống ở làng Đa Sỹ đã ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cam kết không sản xuất, chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ. Tuổi đã cao, sức khỏe yếu nên ông Mộc đang nỗ lực truyền nghề rèn cho con cháu. Ông không chỉ dạy kỹ thuật làm nghề mà quan trọng hơn là đạo đức làm nghề. 

“Con cháu ở thế hệ sau nối tiếp nghề rèn. Đã là nghề rèn thì rèn cái gì chẳng được nhưng mình không ham tiền, ham tiền mà làm ăn không lương thiện khi xảy ra cái gì thì phức tạp. Công an viên đã đưa giấy cam kết vào tận nhà thì phải chấp hành.” - ông Mộc chia sẻ. 

Làng rèn Đa Sỹ đã được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận là một trong những làng nghề tiêu biểu của đất nước. Thế hệ trẻ vẫn hàng ngày hăng say với nghề truyền thống của ông cha truyền lại. Người dân duy trì nghề theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện nghiêm định hướng, chỉ đạo của lực lượng Công an, chính quyền địa phường. Điều này giúp làng nghề rèn Đa Sỹ phát triển lành mạnh, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn./.

Mạnh Sáu