Quá tải xin cấp giấy xác nhận F0, người bệnh bức xúc vì không mua được thuốc kháng virus

Lương Đàm
Tình trạng quá tải trong khâu cấp giấy xác nhận là F0, xác nhận F0 khỏi bệnh đang xảy ra tại nhiều phường ở Hà Nội kéo theo nhiều hệ lụy như F0 không được cấp thuốc, không mua được thuốc kháng virus, không được trợ cấp bảo hiểm...
tram-y-te-phuong-hoang-liet-qua-tai-luong-nguoi-den-xin-xac-nhan-la-f0-khoi-f0-1646037399.jpg
Trạm Y tế phường Hoàng Liệt quá tải lượng người đến xin xác nhận là F0, khỏi F0

Theo quy định của Bộ Y tế hiện nay, Trạm y tế là nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận các F0 cũng như xác nhận F0 khỏi bệnh. Để được xác nhận là F0, người bệnh có thể tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên nhưng dưới sự giám sát (trực tiếp hoặc online) của nhân viên y, hoặc được nhân viên y tế xét nghiệm trực tiếp.

Cũng vì thế, tình trạng quá tải trong khâu cấp xác nhận F0 là khó tránh khỏi, bởi ở nhiều phường hiện nay số F0 lên đến 150-200 ca mỗi ngày, trong khi trạm y tế phường chỉ có 7-8 nhân viên và chưa kể nhiều phường đang có quá 50% nhân viên là F0. Nhiều quận nội thành Hà Nội như Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm… đều gặp tình trạng này, nhiều nơi nhân dân phản ánh rất bức xúc trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội. Ngoài ra, việc khai báo tại phường còn bất cập do thiếu người hoặc chưa ứng dụng công nghệ dẫn tới người bệnh và người nhà xếp hàng, chen lấn cả trăm người một lúc dễ gây lây nhiễm chéo ngay tại trạm y tế...

Các quận nội thành đều phản ánh về tình trạng quá tải, thiếu nhân lực ở cấp xã phường phường hiện nay. Điển hình, quận Hà Đông cho biết, số ca F0 đang gia tăng nhưng trên địa bàn nhiều trạm y tế phường có 50% lực lượng là F0, nhiều F1.

“Do hệ thống y tế quá tải nên người dân khi ra trạm y tế đều phải tự chuẩn bị sẵn bộ test kit, khai báo y tế xong thì chờ đến lượt. Sau đó, nhân viên y tế sẽ test và cấp giấy xác nhận F0 nếu kết quả dương tính.

Tuy nhiên, hầu hết người bệnh không được cấp thuốc vì thấy nói các phường đều đã hết thuốc kháng virus. Hiện ở các hiệu thuốc có bán thuốc trị Covid-19 của Việt Nam nhưng không có giấy xác nhận F0 hay đơn kê thuốc của bác sĩ thì cũng không mua được thuốc này” – một cư dân là F0 ở tòa nhà HH4B – khu đô thị Linh Đàm chia sẻ.

Trên nhóm group Tôi yêu phường Mai Động, hàng loạt ý kiến là cư dân trên địa bàn này cũng chia sẻ và phản ánh về việc các F0, F1 khi ra Trạm y tế phường để test lại để được cấp giấy xác nhận F0 đều phải tự chuẩn bị test kit mang đi chứ không được miễn phí.

Một số nick như Phạm L., Trịnh M.H. chia sẻ: “Phường giờ quá tải lắm ạ. Nếu tự test ở nhà được có thể quay lại video và gửi video cho y tế phường, mang kết quả test ra phường để được xác nhận…”.

Trao đổi với ANTĐ sáng 28-2, một lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, sáng nay Sở sẽ có cuộc họp trực tiếp liên quan đến nội dung này, dưới sự chủ trì của Giám đốc Sở để chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc. Trong đó, về giải pháp, điều quan trọng là sự chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt của chính quyền cơ sở, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương, từ khâu điều phối nhân sự hỗ trợ đến quản lý F0 trên phần mềm…

TS Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân cho biết, quá tải trong khâu cấp giấy xác nhận F0 như người dân phản ánh là khó tránh được, bởi chỉ riêng y tế cơ sở, các trạm y tế rất khó đáp ứng kịp.

Điều quan trọng là cần huy động thêm sự hỗ trợ từ các tổ Covid-19 cộng động, các tình nguyện viên, phải xem đây là cánh tay nối dài của y tế cơ sở và chính quyền địa phương. Cùng đó, phải tăng cường nhân sự và ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm hoặc quản lý F0 qua các ứng dụng như zalo…

Lãnh đạo phường Hoàng Liệt cho biết, giấy quyết định cách ly F0 và xác nhận F0 đã khỏi bệnh là để người dân được cấp phát thuốc, được thực hiện cách ly và hưởng chế độ từ cơ quan và hưởng bảo hiểm xã hội; đồng thời, người bệnh cần được phường xác nhận, cung cấp mã số bệnh nhân để bệnh viện nhận điều trị trong trường hợp trở nặng.

Trong khi đó, việc khai báo y tế có sự trùng lặp quá nhiều nhóm thông tin gửi đến trạm y tế, lực lượng cán bộ y tế có hạn và số lượng F0 hằng ngày tăng nhiều. Đấy là chưa kể có trường hợp người dân làm không đúng, khai báo không đúng…

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, cùng với việc sử dụng sinh viên ngành y mà Sở Y tế hỗ trợ, quận sẽ điều phối lực lượng y tế ở các phường trên địa bàn quận tham gia hỗ trợ các phường trọng điểm.

Cũng theo ông Tâm, quận này đã đề xuất thành phố kiến nghị Bộ Y tế điều chỉnh quy định xác định bệnh nhân F0 theo hướng phù hợp thực tiễn, thích ứng linh hoạt. Cụ thể là có thể giao cho tổ Covid-19 cộng đồng xác định kết quả dương tính hay âm tính (không nhất thiết phải nhân viên y tế.

Về việc ở một số địa bàn người dân phản ánh gặp khó khăn trong việc xác nhận F0, khỏi bệnh, xác nhận để thanh toán bảo hiểm y tế... Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong tuần qua, tại một số địa phương có số ca mắc tăng cao như Hoàng Mai, Đông Anh, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn… có nơi có tình trạng người dân phải xếp hàng, gây bức xúc nhưng cũng có nơi chưa xảy ra hiện tượng quá tải nhờ sự vào cuộc quyết liệt, huy động được mọi lực lượng, bố trí khoa học…

Từ thực trạng trên, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nêu rõ 2 giải pháp:

Một là, theo hướng dẫn, việc xác nhận F0 hay hết thời gian cách ly người dân có thể tự làm test nhanh khi được nhân viên y tế giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp. Nghĩa là thực hiện online cũng được, không bắt buộc người dân đến trực tiếp trạm y tế.

Thứ hai, các xã phường cần sử dụng tốt phần mềm quản lý F0 hiện có. Phần mềm có hướng dẫn cụ thể, đầy đủ chức năng xác nhận F0, khỏi bệnh...phần mềm in được quyết định hết cách ly, được quyết định hưởng BHXH.

Cần huy động thêm các lực lượng thanh niên, phụ nữ… để nhập liệu, quản lý, nhân viên y tế chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, mới đủ nhân lực phục vụ nhân dân kịp thời.