Để nâng cao nhận thức cho người lao động (NLĐ) về ý nghĩa của công tác ĐTN, GQVL, những năm qua, Phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Lương đã chủ động triển khai, phổ biến chính sách, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh… với trọng tâm là các chính sách hỗ trợ ĐTN, GQVL bền vững của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Lương – ông Lê Văn Trọng cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí… đẩy mạnh công tác triển khai, phổ biến, tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ ĐTN, GQVL thông qua nhiều hình thức, tiếp cận tới nhiều đối tượng, nhất là lao động nông thôn, lao động thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động có thu nhập thấp, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự... Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhận thức của xã hội, nhất là NLĐ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ĐTN, GDNN; giúp NLĐ có được việc làm ổn định và thích ứng với công việc, yêu cầu, điều kiện, môi trường làm việc mới.
Với những giải pháp tích cực, hiệu quả, 9 tháng đầu năm 2024, số lượng lao động trên địa bàn được tạo việc làm mới là 1.493/1.600 người (đạt 89,93% kế hoạch giao, bằng 97,6% so với cùng kỳ); lao động được ĐTN là 846/800 người (đạt 105,75% kế hoạch giao, bằng 121,7% so với cùng kỳ). Ước đạt và vượt kế hoạch giao năm 2024.
Trong công tác ĐTN cho lao động, tính riêng 09 tháng đầu năm 2024, Phòng LĐ-TB&XH đã phối hợp với Trung tâm GDNN - GDTX huyện Phú Lương, Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp hỗ trợ và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thái Nguyên, mở 25 lớp ĐTN cho lao động với số học viên là 846 người. Số nghề đào tạo là 07 nhóm nghề; Phối hợp với Phòng Giáo dục nghề nghiệp thuộc Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên triển khai rà soát mô hình ĐTN thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 5, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Cũng trong năm qua, Phú Lương đã tập trung triển khai nhiều chương trình việc làm bền vững, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, truyền thông, tư vấn, dự báo nhu cầu thị trường lao động. Ngoài ra, còn quan tâm hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp…
Đáng chú ý, công tác tư vấn - giới thiệu việc làm được quan tâm, thực hiện thường xuyên. Theo đó, Phòng LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho 216 chiến sỹ hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương; tư vấn giới thiệu việc làm cho nhân dân tại Lễ hội Đền Đuổm; tổ chức 04 phiên giao dịch việc làm (từ ngày 27/3/2024 đến ngày 29/3/2024) tại các xã: Phủ Lý, Yên Ninh, Yên Trạch, Ôn Lương cho 329 người lao động (Trong đó: 277 lao động là người dân tộc thiểu số; 60 lao động được kết nối việc làm, 88 lao động đăng ký phỏng vấn sơ loại tại công ty, đơn vị); tổ chức Ngày hội việc làm tại xã Hợp Thành và Trường THPT Phú Lương. Ngày hội đã thu hút trên 500 người tham gia (Trong đó, gần 400 lao động là người dân tộc thiểu số), với 22 doanh nghiệp tư vấn, kết nối việc làm cho trên 200 lao động…
Từ thực tế để thấy, công tác triển khai ĐTN trên địa bàn huyện Phú Lương đã được các cơ quan chuyên môn quan tâm đúng mức, thực hiện hiệu quả. Thông qua các lớp ĐTN, đã giúp cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS vùng khó khăn được trang bị những kiến thức cơ bản trong chăn nuôi, trồng trọt… để có thể áp dụng trực tiếp vào thực tế của gia đình, tạo điều kiện giúp các hộ khó khăn nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, công tác ĐTN cho lao động nông thôn cũng tạo điều kiện giúp huyện nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo.
Tiêu biểu tại xã Ôn Lương, năm 2023, đã tổ chức 2 lớp dạy nghề nuôi và phòng trị bệnh cho gà, 1 lớp sử dụng thuốc thú y và 1 lớp sửa chữa máy móc, mỗi lớp có 30 học viên, được tổ chức trong vòng 3 tháng. Học viên đã được các giáo viên là cán bộ xã cung cấp các thông tin cơ bản, những kiến thức và kinh nghiệm trong quá trình thực hành giúp học viên áp dụng vào thực tiễn lao động sản xuất hiệu quả.
Là hộ mới thoát nghèo, ông Nguyễn Văn Vụ (sinh năm 1968) người dân tộc Tày, trú tại xóm Xuân Trường, xã Ôn Lương, cho biết: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo đã nhiều năm nay, cuộc sống vất vả chỉ đi làm thuê và trông chờ vào mấy sào ruộng, dù cố gắng chăm chỉ nhưng cũng chỉ đủ ăn. Vừa qua, được cán bộ xã thông tin và giới thiệu về lớp học sửa chữa máy cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS, tôi đã đăng ký tham gia ngay”.
Ông Vụ cho biết thêm, trong thời gian khoảng 3 tháng, các học viên đã được đào tạo những nội dung về kỹ thuật sửa chữa động cơ Diesel 4 kỳ 1 xy lanh; kỹ thuật sửa chữa bộ truyền động và hộp số; chẩn đoán, xử lý hư hỏng động cơ và máy cày công suất nhỏ. Ngoài ra, các học viên còn được trực tiếp thực hành sửa chữa các động cơ và máy cày công suất nhỏ hiện có trên địa bàn để nâng cao kỹ năng.
“Sau khi học xong, tôi đã có thể tự chữa chữa máy móc cơ bản trong gia đình cũng như hỗ trợ bà con sửa chữa máy móc nông nghiệp” – ông Vụ vui mừng chia sẻ.
Một điển hình khác, anh Hoàng Văn Tuấn, người dân tộc Tày, ở xã Phú Đô là một trong hàng trăm người dân ở xã đã được ĐTN làm chè thông qua lớp học của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Lương tổ chức.
Anh Tuấn chia sẻ: “Các lớp dạy nghề đã giúp tôi nâng cao kiến thức, áp dụng quy trình sản xuất, chế biến chè bằng công nghệ sạch đạt hiệu quả cao hơn, đồng thời đã áp dụng những kỹ thuật được tập huấn như: Sử dụng phân bón hữu cơ tiết kiệm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc hiêu quả hơn bởi có chuyên gia trưc tiếp hướng dẫn; qua đó giúp tôi thêm kiến thức để nhận diện chính xác và phòng ngừa cũng như trị các loại sâu bệnh trên cây chè được tốt hơn… Sau hơn 1 năm được đào tạo, gia đình tôi và bà con đã áp dụng theo kỹ thuật nên giá chè búp khô đã tăng từ 150 - 200 nghìn đồng/kg lên 350 ngàn đồng/1kg, sản lượng tăng ước đạt trên 20%, qua đó tạo sinh kế ổn định cho nông dân làm chè ở xã Phú đô”.
“Xác định ĐTN, GQVL cho lao động nông thôn là một trong những “mắt xích” quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Phú Lương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động địa phương, tích cực khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của người lao động, dự báo thị trường việc làm, để từ đó mở các lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương. Từ hiệu quả công tác, nhiều lao động nông thôn thuộc hộ nghèo đã có việc làm và thoát nghèo thành công, có hộ đã đạt thu nhập khá. Với nhiều giải pháp đã và đang triển khai, cũng chính là nền tảng cơ bản trong quá trình ĐTN cho lao động nông thôn, Phú Lương sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Lương – ông Lê Văn Trọng chia sẻ.