Ông Nguyễn Cao Kỳ và chuyến đầu tiên trở lại cố hương

Năm 2004, khi ông Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng thống Chính quyền Sài Gòn từ Mỹ trở về nước lần đầu tiên sau gần 30 năm lưu lạc ở nước ngoài, Ban Biên tập Báo CAND cử tôi tiếp cận, phản ánh về sự kiện này.

Thời điểm 18 năm trước, đây là sự kiện thu hút mối quan tâm không chỉ trong nước mà cả bà con người Việt ở nước ngoài. Một ông tướng râu kẽm từng lưu bút vào quả bom trước khi máy bay Mỹ giội xuống miền Bắc Việt Nam - nơi có thị xã Sơn Tây quê hương ông; một Phó Tổng thống khét tiếng “chống cộng”, một cựu binh Việt Nam Cộng hòa từng là “biểu tượng” của những người chống đối Nhà nước Việt Nam sau 1975… bỗng nhiên trở về cố hương! 

Lịch trình hoạt động của ông Nguyễn Cao Kỳ và vợ trong chuyến trở về cố hương năm ấy khá kín đáo. Một buổi sáng mùa Xuân, tôi bám theo chiếc ôtô chở ông Nguyễn Cao Kỳ chạy theo hướng chùa Hương. Đến bến Đục, tôi lặng lẽ lên con đò di chuyển cách không xa đò chở ông Nguyễn Cao Kỳ đang bơi dọc suối Yến, thăm lại chùa Hương - nơi mà năm 1930, cụ Nguyễn Văn Hiếu cùng vợ đã đi cầu tự cửa Phật rồi sinh được người con trai, đặt tên là Nguyễn Cao Kỳ.

Con đò của tôi đi sát con đò của ông giữa hàng trăm con đò ngược xuôi trên suối Yến trong chuyến hành hương về đất Phật. Ông Kỳ ngồi trầm ngâm, vóc dáng  khỏe mạnh, ánh mắt nhìn xa xăm. Đầu ông đội mũ mềm, không đeo kính, có lẽ để được nhìn rõ hơn dòng suối quê hương và tưởng nhớ chuyến hành hương của thân phụ cách đây hơn 70 năm.

Người chèo đò của ông, người chèo đò của tôi và hàng vạn bà con người Việt lúc ấy hẳn không ai biết vị cựu Phó Tổng thống chính quyền Sài Gòn đang thả hồn mình giữa sông nước quê hương...

ong-nguyen-cao-ky-va-vo-1651307558.jpg
Ông Nguyễn Cao Kỳ và vợ (góc trái ảnh) thăm Suối Yến, Chùa Hương.

Trong bản tự khai lúc là Thiếu tướng không quân chế độ Sài Gòn, ông Nguyễn Cao Kỳ sinh ngày 8/9/1930 tại thị xã Sơn Tây, nay thuộc TP Hà Nội, là con trai duy nhất trong gia đình ba người con. Sau này trong những cuộc chuyện trò bên bàn trà, quán rượu, ông từng kể một cách mê hoặc rằng, ông được sinh ra là do người cha Nguyễn Văn Hiếu và mẹ là Phùng Thị Chung đi chùa Hương cầu tự mà thành.

Thân phụ của ông Nguyễn Cao Kỳ làm nghề dạy học, nhưng thích lãng du, cụ thường lên miền sơn cước tìm thú vui mạo hiểm và lánh xa mọi hoàn cảnh có thể dẫn đến việc tiếp xúc với người Pháp. Suốt những năm ba mươi và bốn mươi của thế kỉ trước, gia đình cụ Nguyễn Văn Hiếu chưa phải là cơ sở của cách mạng, nhưng bản thân cụ lại là một đầu mối liên lạc của lực lượng du kích chống Nhật. Cụ từng tâm sự với con trai Nguyễn Cao Kỳ về căn cứ địa Việt Bắc, về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Theo một số người thân tín với ông Nguyễn Cao Kỳ kể lại thì ông Kỳ từng trốn nhà lên chiến khu tìm Việt Minh, nhưng việc không thành và suýt bỏ mạng vì bị Pháp bắt được khi đang đói lả bên bờ suối. Thuở nhỏ, ông Nguyễn Cao Kỳ được gia đình cho ăn học đến nơi đến chốn, từng học xong tú tài tại Trường Bưởi, Hà Nội. Đến năm 1952, ông Kỳ đi lính cho Pháp, vào trường đào tạo sĩ quan trù bị khoá 1 ở Nam Định để phục vụ cho việc thành lập quân đội bảo hoàng của Bảo Đại.

Rất có thể, nếu ông Nguyễn Cao Kỳ không bị Pháp bắt lại trong chuyến bỏ Trường Bưởi lên chiến khu theo Việt Minh thì cuộc đời ông đã đi theo một hướng khác. Nói thế để thấy rằng, khi xem xét nguyện vọng của ông và nhiều bà con ta ở Mỹ về thăm quê, các cơ quan chức năng Việt Nam hẳn đã lưu ý đến những chi tiết thời thế này.

Cùng theo dòng thời gian, nhiều người trong chúng ta và cả bà con sang Mỹ, sang nhiều nước khác sau ngày 30/4/1975 càng thêm hiểu hoàn cảnh khách quan của lịch sử, những biến thiên của cuộc đời mỗi con người... Nhiều người hiểu ngày thống nhất đất nước là chiến thắng chung của cả dân tộc, chiến thắng ngoại bang đô hộ. Lòng người chung khát vọng dân tộc là trường tồn, đất mẹ là thiêng liêng.

Vì thế chúng ta mới dễ hiểu khi đón tiếp ông Nguyễn Cao Kỳ trong chuyến trở lại cố hương lần đầu tiên, nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao đều tỏ rõ sự mến khách, nhất quán tinh thần đại đoàn kết dân tộc, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Một đồng chí lãnh đạo đã cởi áo để uống “tới bến” với người con cầu tự đất Sơn Tây. Trong bữa cơm thân mật có cả lẩu rau cần, rau sắng chùa Hương, ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nâng cốc bia hơi nói với ông Nguyễn Cao Kỳ: “Ông hơn tuổi tôi, trong bữa cơm chiều này, tôi xin phép gọi anh, xưng tôi cho nó tình cảm!”… Ông Nguyễn Cao Kỳ đã nheo mắt cười và vui vẻ đồng ý.

img-2696-1651142402187-1651307558.jpg
Tác giả (bìa phải) trao đổi với ông Nguyễn Cao Kỳ.

Không chỉ thời điểm ông Nguyễn Cao Kỳ trở về thăm quê hương, mà trước đó nữa, bà con người Việt ở nước ngoài, kể cả những người một thuở “phía bên kia cầm súng khác” (thơ Lưu Quang Vũ) đã vượt qua lời nguyền để trở về Tổ quốc.

Một số cựu lãnh đạo từng có vị trí cao của chế độ Việt Nam Cộng hòa tâm sự mới đây với một kiều bào bạn tôi ở Mỹ: “Chúng tôi không sợ mất nhà mất cửa. Điều chúng tôi thấy thỏa lòng là đất nước thống nhất. Vì kiểu gì cũng phải thống nhất. Phía miền Bắc làm được điều đó, chúng tôi chấp nhận vì Tổ quốc là của chung”. Như thế, có một không khí thân thiện, một tâm hồn hóa giải, một suy nghĩ hòa hợp lan truyền trong tâm thế của mọi người Việt Nam nói chung. Người Việt không biên giới, tiếng Việt muôn nơi tựu một tấm lòng, tất cả đã và sẽ hướng về cội nguồn.

Những năm gần đây, bà con người Việt trên khắp thế giới về thăm quê hương ngày càng đông. Nhiều kiều bào tâm sự với tôi rằng, khi họ vừa bước xuống sân bay quê nhà, lòng bỗng trào dâng cảm xúc yêu da diết Tổ quốc mình, thấy mình có điểm tựa vô hình mà vững chãi, thấy tự tin mình là người Việt Nam - điều mà bao năm bôn ba ở xứ người chưa từng có cảm  giác ấy.

Nhiều lần kiều bào ta được Nhà nước tổ chức ra thăm Trường Sa, được hòa vào tiếng sóng biển Đông, chạm tay vào cột mốc để cùng tin tưởng, cùng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc thiêng liêng. Nhiều bà con ta ở nước ngoài khi đến các đảo, đá, nhà giàn ở Trường Sa đã xúc động ôm chặt những người lính đảo, tin tưởng hơn vào ý chí và quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ từng tất đất, từng khoảng trời, vùng biển từng thấm máu ông cha gìn giữ lại cho ta. Đó là thực tế khiến những thông tin không đúng, những sự xuyên tạc, vu khống đều trở nên lạc lõng, vô ích. 

Đã 47 năm ngày thống nhất đất nước, ngày chiến thắng chung của dân tộc Việt Nam, nghĩa là đã hơn hai thế hệ của một đời người, bà con ta ở nước ngoài dường như tấm lòng đã trăm sông đổ về biển cả quê mẹ. Tuy đâu đó vẫn còn tiếng nói lạc lõng, đâu đó vẫn còn những kẻ xấu, chống phá nhà nước, nhưng số ít ỏi ấy không thể ngăn được lòng người Việt bốn phương hóa giải, hòa hợp để chung sức xây dựng Tổ quốc Việt Nam lớn mạnh, trường tồn.

Việt Nam đã 2 lần tham gia Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, đã điều hành thành công và có uy tín phiên họp Đại hội đồng của tổ chức lớn nhất thế giới khiến ông Tổng Thư  ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres thốt lên: “Ngày xưa tôi đi biểu tình chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Nay lại được ngồi nghe người đại diện Việt Nam điều hành phiên họp”, quả là vật đổi sao dời.

Tôi bỗng nhớ tới lời bài hát “Tiếng Việt” của nhạc sỹ Lê Tâm phổ thơ Lưu Quang Vũ mà mỗi lần nghe sao mà thao thiết: “Mỗi sớm dậy nghe bộn bề tha thiết/ Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi/ Như vị muối chung lòng biển mặn/ Như dòng sông thương mến chảy muôn đời”.

Lại nhớ lời một nhà văn nào đó từng nói: Người ta có thể đưa một con người ra khỏi quê hương. Nhưng không ai có thể đưa quê hương ra khỏi một con người.

Nhiều kiều bào tâm sự với tôi rằng, khi họ vừa bước xuống sân bay quê nhà, lòng bỗng trào dâng cảm xúc yêu da diết Tổ quốc mình, thấy mình có điểm tựa vô hình mà vững chãi, thấy tự tin mình là người Việt Nam - điều mà bao năm bôn ba ở xứ người chưa từng có cảm  giác ấy.