Nối thành công cẳng chân bị đứt cho nam thanh niên

Huyền Văn
Ngày 3/8, đại diện Bệnh viện Bà Rịa, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, các bác sĩ của Bệnh viện đã nối thành công cẳng chân phải gần như đứt lìa cho một người bị tai nạn giao thông.
nlntv-noi-thanh-cong-cang-chan-03082023-1691108846.jpg
Các sĩ Bệnh viện Bà Rịa thăm khám vết mổ cho anh N.V.H (27 tuổi) sau khi anh được nối thành công cẳng chân bị đứt gần lìa do tai nạn giao thông. Ảnh: TTXVN phát

Thông tin ban đầu, chiều 1/8, anh N.V.H (27 tuổi) bị tai nạn khi tham gia giao thông, đã được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc.

Khi cấp cứu tại đây, tình trạng nạn nhân nguy hiểm, cẳng chân phải dập nát xương và phần mềm, máu chảy nhiều, bất tỉnh. Các y, bác sĩ chuyển anh N.V.H lên Bệnh viện Bà Rịa, thành phố Bà Rịa.

Kiểm tra tình trạng, các bác sĩ Bệnh viện nhận thấy nạn nhân bị dập nát xương và mô mềm 1/3 dưới cẳng chân, phần bàn chân gần như đứt rời, chỉ còn dính với phần cẳng chân qua một phần da và ít gân.

Hội chẩn với trực lãnh đạo Bệnh viện, các bác sĩ tiến hành gây mê hồi sức và chuyển mổ cấp cứu để nối lại chi bị đứt lìa. Cuộc phẫu thuật được tiến hành lúc 21 giờ ngày 1/8. Sau hơn 5 giờ phẫu thuật, chi đứt lìa đã được nối lại, bàn chân và các ngón chân ấm hồng trở lại.

Theo Bệnh viện Bà Rịa, kíp mổ đã ứng dụng kỹ thuật cao (kỹ thuật vi phẫu trong nối ghép mạch máu, là phẫu thuật đặc biệt khó thực hiện được và thành công ở tuyến tỉnh) để "cứu sống" lại chi thể bị đứt lìa cho nạn nhân, giúp lấy lại chức năng vận động và giữ được tính thẩm mỹ cho nạn nhân.

Sau khi được phẫu thuật, anh N.V.H tỉnh, bàn chân ấm hồng và sức khỏe hiện đã ổn định. Đây là trường hợp hiếm gặp và được cấp cứu kịp thời, các bác sĩ đã tận dụng thời gian vàng để có kết quả phục hồi tốt nhất.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị đứt lìa chi, nạn nhân cần được băng ép cầm máu phần mỏm cụt (phần còn dính với cơ thể) có thể băng phần chi có vết thương, phần đứt lìa phải dùng vải sạch bao bọc lại bỏ vào túi nylon và đặt vào thùng đá (tránh để tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh), sau đó chuyển đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu để càng lâu thì sẽ mất đi thời gian vàng để nối lại chi thể đồng thời để lại hậu quả không tốt sau khi nối, thậm chí không thể nối lại chi thể do để quá lâu.