Những trang văn cất tiếng cho sinh thái

Huyền Văn
Nhà văn Nguyễn Văn Học là cây bút thể hiện tài năng qua nhiều thể loại từ thơ, ký, phóng sự đến truyện ngắn, tiểu thuyết tích lũy qua nhiều năm viết văn. Đặc biệt, anh quan tâm đến đề tài môi trường sinh thái và cất tiếng bảo vệ thiên nhiên bằng những cuốn sách giàu tính nhân văn.

Nhà văn Nguyễn Văn Học đang công tác tại ấn phẩm Nhân Dân Cuối tuần (Báo Nhân Dân), là người rất say mê với nghiệp viết. Anh sinh ra trong gia đình thuần nông tại huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Những trang văn đầu đời của anh chỉ đơn giản là miêu tả vẻ đẹp vùng ngoại thành Hà Nội, chứ chưa thực sự ý thức về vấn đề môi trường sinh thái.

Có hai ngã rẽ quan trọng hình thành nên một nhà văn Nguyễn Văn Học chuyên viết về vấn đề môi trường sinh thái. Đầu tiên, khi đã có công việc ổn định, Nguyễn Văn Học quyết tâm thi tuyển và học viết văn chuyên nghiệp tại Khoa Viết văn-Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du).

Nhờ quá trình học tập, giao lưu trong môi trường đậm chất sáng tác, Nguyễn Văn Học đã thoát khỏi sự ngẫu hứng của một cây bút có chút năng khiếu văn chương, trở nên chuyên nghiệp hơn trong nghiệp viết.

ntnlv-vansinhthai-1640318377.jpg

Một số tác phẩm của nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Học đã xuất bản.Ảnh: DIÊN KHÁNH

Bước ngoặt tiếp theo là Nguyễn Văn Học được giao viết phóng sự trên ấn phẩm Nhân Dân Cuối tuần. Cơ may từ những chuyến đi giúp bản thân anh hình thành sự hào hứng, say mê viết về thiên nhiên, con người. Anh đã tận mắt chứng kiến cuộc sống cư dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu.

Anh trăn trở về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của bản thân, cộng đồng trong mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên. Viết về môi trường sinh thái là điều hết sức cần thiết, bởi văn chương có khả năng hòa giải phần nào mâu thuẫn trực tiếp giữa con người và thiên nhiên.

Vốn sống từ những chuyến đi của anh cứ thế đầy lên, dồn lực vào những trang viết về đề tài sinh thái. Tất cả được thể hiện trong tiểu thuyết “Vết thương hoa hồng” (NXB Hà Nội, 2017; NXB Dân trí tái bản năm 2020), tập tạp văn “Mình ơi, Anh cưới dòng sông nhé?” (NXB Văn hóa-Văn nghệ, 2018), “Chạm tay vào cánh chim trời” (NXB Hồng Đức, 2020), tiểu thuyết “Linh điểu” (NXB Dân trí, 2020)...

Trong mỗi tác phẩm, nhà văn Nguyễn Văn Học đề cao sự cộng sinh giữa con người và tự nhiên cùng thông điệp: Thiên nhiên cần con người đáp lại bằng sự cộng sinh, những hành động cụ thể, tạo mối quan hệ bền vững cho sự cộng sinh ấy. Bởi chỉ có chung sống hài hòa với tự nhiên, con người mới từ bỏ bớt sự ích kỷ, đua chen, hằn học để chinh phục sự cao thượng, nhân văn.

Nhà văn Nguyễn Văn Học chia sẻ: “Đối với tôi, viết văn là hành trình khám phá bản thân, khám phá môi sinh. Văn chương cũng là phương thuốc để chữa lành những vết thương lòng, xoa dần những tổn thương xã hội, để con người muốn sống, sống có khát khao, cống hiến, biết yêu đồng loại, đau trước nỗi đau của đồng loại và chịu trách nhiệm về bản thân mình”.

Ở tiểu thuyết “Linh điểu”, Nguyễn Văn Học đã dụng công tìm hiểu về tập tính của chim chóc, tiếng hót các loài chim, lông vũ và môi trường sống của nhiều loài khác để trong quá trình viết được chính xác, tránh có “sạn”, ảnh hưởng đến bạn đọc.

Trong “Linh điểu”, tác giả đã chỉ ra mối quan hệ gắn bó giữa con người với thiên nhiên. Tự nhiên như một phần đời sống không thể tách rời của con người. Thiên nhiên và con người hài hòa, tương hỗ trong mối quan hệ cộng sinh tạo nên tính chỉnh thể sinh thái.

Điều đáng nói, trong tiểu thuyết của anh, cả “Linh điểu” hay “Vết thương hoa hồng” và mới đây là “Đắm bầy virus” (NXB Dân trí, 2021), nhà văn luôn để cho những thực thể của thiên nhiên là nhân vật, qua đó để tác phẩm được linh hoạt trong các ngôi kể, tạo yếu tố mới mẻ, xúc động hơn cho mỗi trang văn.

Nhà văn tiết lộ về tác phẩm mới: “Đắm bầy virus" là tiểu thuyết mà tôi để cây sưa già là một nhân vật, kể đan xen với nhân vật tôi. Việc thay đổi cách kể cũng sẽ tạo hiệu ứng cho bạn đọc. Hơn thế, khi cây cối thể hiện quan điểm, chính kiến cũng là cách cây cối muốn có một sự cộng sinh bền vững”.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) nhận xét: “Qua những sáng tác gần đây, Nguyễn Văn Học đang ngày một bộc lộ rõ hơn những khắc khoải của mình về môi trường sống. Đọc sách của anh, người ta thấy một nhà văn có trách nhiệm đã lên tiếng trước những vấn đề cốt lõi của môi sinh, nhân sinh”.

Là một nhà văn chủ trương viết về môi trường, sinh thái tự nhiên, Nguyễn Văn Học đã dụng công trong việc tìm hiểu tập tính của các loài chim chóc, cây cối cũng như việc quan sát không gian sinh thái và mối quan hệ của các loài sinh vật trong tự nhiên.

Vì thế mà ngôn ngữ trong tác phẩm của anh trở nên trong trẻo, đầy mỹ cảm, toát lên từ chính con người yêu thiên nhiên, ngày đêm lo nghĩ cho sự tồn vong của các loài dã điểu, về nguy cơ sinh thái ẩn tàng nếu con người không kịp thời nhận ra và thay đổi.