Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết vừa bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến hành vi "thao túng thị trường chứng khoán". Giới đầu tư không chỉ lo lắng về diễn biến giá các cổ phiếu "họ" FLC những phiên sắp tới mà còn quan ngại cho những cổ phiếu của các ngân hàng cấp tín dụng cho tập đoàn này. Vậy những nhà băng nào đang là chủ nợ của FLC?
Quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng
Đến cuối năm 2021, tổng tài sản của FLC lên tới gần 34.000 tỷ đồng. Nợ phải trả của tập đoàn này vượt 24.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ vay của FLC lại không lớn so với quy mô vốn chủ sở hữu.
Tại thời điểm 31/12/2021, FLC đang vay ngắn hạn hơn 2.000 tỷ đồng và vay dài hạn gần 4.200 tỷ đồng. Tổng dư nợ của doanh nghiệp không thay đổi nhiều so với năm 2020.
Trong số các ngân hàng đang cho vay ngắn hạn với FLC, một số nhà băng cấp tín dụng lớn cho doanh nghiệp do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch HĐQT bao gồm NCB với dư nợ 584 tỷ đồng, OCB 573 tỷ đồng, BIDV 405 tỷ đồng. Ngoài ra, FLC còn một khoản nợ trái phiếu ngắn hạn 150 tỷ đồng với Công ty Chứng khoán MBS và vay 80 tỷ đồng từ Agribank.
Còn trong số các khoản vay dài hạn, FLC đang nợ Sacombank nhiều nhất với số tiền 1.840 tỷ đồng. Song song đó, BIDV cũng cho FLC vay dài hạn 1.200 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn phát hành trái phiếu với kỳ hạn dài cho OCB với dư nợ 819 tỷ đồng.
Các khoản nợ trên được FLC thế chấp chủ yếu bằng bất động sản, các dự án hình thành trong tương lai. Ngoài ra, FLC cũng dùng 60 triệu cổ phiếu BAV của Bamboo Airways để làm tài sản đảm bảo cho một khoản vay tại NCB.
Phần lớn hợp đồng vay vốn của FLC được ký kết trong hai năm 2020 - 2021, giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch, hàng không của tập đoàn này bị ảnh hưởng. Các khoản vay của FLC có lãi suất thả nổi, theo từng khế ước nhận nợ, hoặc trong khoảng 7,5-10,5%/năm.
Các ngân hàng có mối quan hệ tín dụng với FLC gồm BIDV, Sacombank, OCB, NCB cũng đồng thời cho các doanh nghiệp liên quan tập đoàn này như FLCHomes, FLC Faros vay hàng trăm tỷ đồng.
Rủi ro thấp
Ngay sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, đại diện tập đoàn FLC thông tin vụ việc này liên quan đến các giao dịch mua bán chứng khoán của cá nhân ông Quyết, FLC không phải là chủ thể có liên quan hay có những hoạt động liên quan.
"Vụ việc hoàn toàn không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng quan trọng của FLC trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh cũng như phát triển bền vững trong thời gian tới, đồng thời không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông cũng như các đối tác đang có giao dịch, hợp tác với tập đoàn", đại diện doanh nghiệp nêu rõ.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập FIDT, cho biết tổng dư nợ cả ngắn và dài hạn của các doanh nghiệp "họ" FLC khoảng 8.400 tỷ đồng (chưa bao gồm Bamboo Airways do không công khai số liệu tài chính) là con số rất nhỏ so với quy mô tín dụng của toàn ngành ngân hàng.
Ông Tuấn dự báo các ngân hàng đang cấp tín dụng cho FLC, Bamboo Airways sẽ trích lập dự phòng bổ sung theo tiêu chuẩn quản trị rủi ro của từng tổ chức tín dụng trong trường hợp khẩn cấp do ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch HĐQT vướng vòng lao lý.
Các ngân hàng sẽ đánh giá lại những khoản vay, yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo để tăng hệ số an toàn. Bản thân FLC sử dụng cổ phần của Bamboo Airways để thế chấp vay vốn ngân hàng và giá trị cổ phiếu của hãng hàng không này trên thị trường phi tập trung (OTC) chắc chắn sẽ sụt giảm.
"Những ảnh hưởng về dư nợ, chất lượng tài sản và tín nhiệm sẽ được các ngân hàng rà soát lại sau thông tin ngày hôm nay và đi kèm những kế hoạch dự phóng gồm trích lập, yêu cầu bổ sung tài sản. Tuy nhiên, với các ngân hàng, thật sự quy mô nợ xấu nếu có phát sinh cũng nhỏ với tổng tài sản của họ", ông Tuấn đánh giá rủi ro chỉ ở mức thấp và các cổ phiếu STB (Sacombank), OCB, NVB (NCB) có thể chịu phản ứng nhưng chỉ trong 1-2 phiên.