Thực tế đã chứng minh chất lượng đội ngũ cán bộ là nhân tố chủ yếu quyết định chất lượng việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, và là cơ sở để xây dựng, củng cố niềm tin vững chắc của quần chúng nhân dân với sự nghiệp cách mạng. Công tác cán bộ, với nội dung xây dựng, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển... do đó, cũng có vai trò đặc biệt quan trọng.
Sinh thời, khi nói về công tác xây dựng, bồi dưỡng cán bộ, Hồ Chủ tịch từng lưu ý tới cả nội dung “tài” và “đức”. Người khẳng định: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
Theo Người, đức và tài biểu hiện qua kết quả công việc, có sự thống nhất, gắn bó chặt chẽ với nhau trong nhân cách người cán bộ cách mạng, trong đó, đạo đức cách mạng là gốc. Người khẳng định: “Như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Còn chữ “Tài” của người cán bộ cách mạng, theo Bác, là năng lực được biểu hiện bằng hiệu quả hoạt động thực tiễn. Theo dòng phát triển, đến nay những năng lực, phẩm chất của người cách mạng đã được xác định, đó là: “Có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu”… như văn kiện Đại hội Đảng XIII đã nêu.
Suốt chiều dài lịch sử của cách mạng Việt Nam, công tác bồi dưỡng tài, và đức cho các cán bộ, đảng viên, cho những người đứng đầu trong mỗi tổ chức, đơn vị, luôn song song với hoạt động xây dựng, tuyển chọn và sử dụng con người cách mạng. Nghị quyết các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đều nhấn mạnh vai trò của xây dựng đội ngũ và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đặc biệt, từ giai đoạn Đổi mới đến nay, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo quản lý nói riêng luôn được Đảng ta chú trọng. Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải là sự kết hợp chặt chẽ giữa kiến thức trong trường học với rèn luyện trong thực tiễn. Từ bước đột phá trong công tác này, đến Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng ta chủ trương đào tạo và bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch, gắn với tiêu chuẩn từng chức danh và yêu cầu sử dụng cán bộ.
Các nhiệm kỳ tiếp theo, công tác bồi dưỡng, sử dụng cán bộ không ngừng được nhấn mạnh. Những năm gần đây, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều văn bản về công tác cán bộ, trong đó có Quy định số 98-QĐ/TW ngày 7/10/2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, Kết luận số 24-KL/TW ngày 15/12/2017 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Nghị quyết số 26-NQ/TW (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Bộ Chính trị (khóa XII) có Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4/8/2017 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Các văn kiện này thể hiện quyết tâm của Đảng trong đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, đấu tranh không khoan nhượng với tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, lợi ích nhóm trong một bộ phận cán bộ, Đảng viên.
Triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, các đơn vị, địa phương, bộ ngành đã thực hiện công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, trong đó có nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Qua gần 5 năm thực hiện Quy định số 98-QĐ/TW, đã có 36 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý được luân chuyển, trong đó có 14 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng (cả Ủy viên chính thức và Ủy viên dự khuyết) giữ chức bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; 22 cán bộ giữ chức Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Về cơ cấu, trong số cán bộ luân chuyển, các cơ quan của Đảng có 8 cán bộ, Quốc hội có 3 cán bộ, các cơ quan của Chính phủ có 13 cán bộ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có 7 cán bộ (trong đó có 6 Bí thư Trung ương Đoàn), các địa phương có 5 cán bộ. Về hình thức luân chuyển, có 31 cán bộ luân chuyển từ Trung ương về địa phương, 1 cán bộ từ địa phương về cơ quan Trung ương, 4 cán bộ từ địa phương này sang địa phương khác.
Song song với đó, các cuộc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cũng được Quốc hội tổ chức một cách công khai, dân chủ và cởi mở, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của của bộ máy nhà nước; giúp các cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ cấp cao thấy được mức độ tín nhiệm để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để xem xét đánh giá cán bộ, tăng cường niềm tin trong quần chúng nhân dân về sự quyết tâm xây dựng bộ máy liêm chính, hiệu quả. Đặc biệt, tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 nghìn đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến giữa năm 2022, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Đáng chú ý, trong văn kiện Đại hội Đảng XIII, công tác “xây dựng, chỉnh đốn Đảng về cán bộ” đã dành sự quan tâm đặc biệt để xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên phát huy năng lực, sở trường. Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, được đánh giá là điểm đột phá chiến lược về công tác cán bộ trong tình hình mới. Đây là cơ sở để phát huy phẩm chất dám nghĩ, dám làm, bản lĩnh, sáng tạo và quyết đoán trong từng quyết sách với mục tiêu trong sáng vì nước, vì dân của những người cán bộ, Đảng viên, đặc biệt là cán bộ giữ vị trí rường cột của đất nước. Có thể thấy những năm gần đây, nhất là thời điểm cả nước căng mình chống dịch bệnh COVID-19, những quyết sách táo bạo và sáng suốt trong công tác phòng chống dịch từ cấp trung ương tới địa phương đã góp phần tạo nên thành quả chung về công tác chống dịch COVID-19 của đất nước. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các đơn vị cũng là đòn bẩy để các tập thể, cá nhân, những người đứng đầu… phát huy tài năng, sự năng động, linh hoạt để đột phá thành công. Tất nhiên, đi cùng chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, là công tác đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi, tham ô tham nhũng; và những quy định khuyến khích những cá nhân tự giác từ nhiệm khi không thể tiếp tục gánh vác công tác, nhường vị trí cho những hạt nhân tiên tiến có thể đảm đương trọng trách.
Kết quả 10 năm chống tham nhũng của toàn Đảng, toàn dân ta, và một số sự kiện thời sự gần đây đã chứng minh sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc làm trong sạch đội ngũ, và thấm nhuần của các cá nhân, các tổ chức Đảng về những chủ trương hết sức tiến bộ trong công tác cán bộ của Đảng ta, tạo động lực mới cho sự bứt phá trong mỗi cá nhân và tập thể, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, đồng thời kiểm soát những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực.
Những yêu cầu đối với công tác bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, được nêu trên trong các văn kiện của Đảng, cùng với những đòi hòi từ thực tiễn của nhân dân, tiếp tục đặt trọng trách lớn lao cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Bên cạnh các cơ sở, các trường, các Học viện làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thì mỗi tổ chức, cơ sở Đảng, nhất là người đứng đầu, phải có trách nhiệm trong việc không ngừng cập nhật và đổi mới công tác xây dựng Đảng, thể hiện ở việc thường xuyên lên kế hoạch bồi dưỡng cho cán bộ, Đảng viên cả về “tài” và “đức”; thệ hiện ở sự sáng suốt, công tâm khi tuyển chọn, lắng nghe, đánh giá, bố trí và sử dụng nhân sự để phát huy năng lực, sở trường; sự kiên quyết, thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện sai trái ngay trong nội bộ…
Bên cạnh đó, mỗi Đảng viên phải không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, học tập, tích luỹ kinh nghiệm, kiên trì rèn luyện cả về “đức” và “tài”, với động cơ phấn đầu trong sáng, vì sự hoàn thiện nhân cách bản thân và phẩm chất của người cách mạng.
Có như vậy, mỗi cá nhân, mỗi tập thể mới thật sự đủ nội lực và bản lĩnh để đổi mới sáng tạo, đương đầu với khó khăn thử thách, xả thân hành động vì lợi ích chung, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng nhu cầu xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Mỗi cá nhân, tập thể vững mạnh qua thế hệ này tới thế hệ khác, sẽ góp sức làm nên sự vững mạnh của cả tổ chức và dân tộc, như hàng triệu đợt sóng lớp trước lớp sau làm nên đại dương bao la.