Những bài học sâu sắc khi Bác Hồ xung phong phê bình báo chí

Ngày 21/6/1925, Báo Thanh niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã xuất bản số đầu tiên. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng nước ta. Nhà báo Hồ Chí Minh vĩ đại cũng chính là người đã giáo dục, rèn luyện đội ngũ các nhà báo cách mạng bằng những tư tưởng, việc làm đúng đắn, thiết thực của cuộc đời làm báo vô cùng phong phú của Người.

Ngày 08/9/1962, tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài phát biểu rất sâu sắc. Trong đó, Bác nói: “Sẵn đây, nếu các cô, các chú đồng ý, thì Bác xung phong phê bình các báo”.

Cụ thể, nội dung phê bình các báo của nhà báo Hồ Chí Minh là: “bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, “không phù hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng”. “Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta”. “Đưa tin hấp tấp nhiều khi thiếu thận trọng”. “Thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn thì lại viết dài; nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau”. “Lộ bí mật”. “Có khi quá lố bịch”. “Khuyết điểm nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng”.

Sự phê bình trên của nhà báo Hồ Chí Minh là chính xác, thẳng thắn. Nhiều khuyết điểm của báo chí mà Hồ Chí Minh phê bình từ năm 1962, đến nay báo chí vẫn còn xuất hiện. Như tình trạng viết dài, nói dài; viết, nói một chiều hoặc tô hồng hoặc bôi đen; đưa tin vội vàng, thiếu kiểm chứng dẫn đến sai sót; còn để lộ bí mật…

Cùng với việc phê bình, nhà báo Hồ Chí Minh cũng chỉ ra các biện pháp phòng tránh, khắc phục những sai sót, khuyết điểm trên. Để khắc phục viết dài, Bác dạy; “Trước hết là cần phải tránh cái lối viết “rau muống” nghĩa là lằng nhằng “trường giang đại hải”, làm cho người xem như là “chắt chắt vào rừng xanh” và Người chỉ rõ: “Tôi thiết nghĩ rằng “văn hay chẳng nỡ là dài”, mình nói những lời nên nói, không thừa, không thiếu, ai xem cũng hiểu, cũng động lòng, cũng nghĩ; ấy là văn hay và có cốt cách”. Tránh viết một chiều, Bác chỉ rõ: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy”.

nhung-bai-hoc-sau-sac-khi-bac-ho-xung-phong-phe-binh-bao-chi-01-1655776083.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà báo vĩ đại

Nhà báo Hồ Chí Minh cũng hướng dẫn cách viết: “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”. Người còn chỉ rõ cách rèn luyện tính cẩn trọng khi viết báo: “Viết rồi phải thế nào? Viết rồi thì phải đọc đi, đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa, thì bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi cũng chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh đọc lại. Chỗ nào ngúc ngắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải chữa lại”.

Cùng với việc phê bình, chỉ ra các biện pháp sửa chữa, khắc phục trên đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nêu rõ những vấn đề chung mang tính cơ bản, cốt yếu mà nhà báo cách mạng cần phải có để thực hiện nhiệm vụ của mình. Bác xác định nhiệm vụ của người làm báo “…là quan trọng và vẻ vang”, do đó Bác yêu cầu các nhà báo: “Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”. Đồng thời, Bác cũng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, đặc tính của cơ quan báo chí để có những lời dạy phù hợp. Với Đài Tiếng nói Việt Nam, Bác nhắc nhở: “Các cô, các chú phải luôn luôn nhớ mình làm báo nói, chứ không phải là báo in trên giấy trắng mực đen. Báo nói hay báo viết thì cũng phải luôn luôn đặt cho mình câu hỏi: Viết cho ai? Viết nhằm mục đích gì? Viết về cái gì và viết như thế nào? Làm báo nói thì phải chú ý viết như thế nào, nói như thế nào để người nghe thoáng qua lại hiểu được đúng điều mình muốn truyền đạt, làm sao cho người nghe dễ nhớ, dễ làm theo”. Còn với báo Quân đội nhân dân, tờ báo do Bác đặt tên, Bác dạy: “Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”.

Thực hiện tư tưởng, sự dạy dỗ và học tập, làm theo tấm gương nhà báo Hồ Chí Minh, 97 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng phấn đấu rèn luyện thực hiện tốt nhiệm vụ vẻ vang của mình trong kháng chiến cũng như trong xây dựng CNXH.

nhung-bai-hoc-sau-sac-khi-bac-ho-xung-phong-phe-binh-bao-chi-02-1655776083.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh có những phê bình thẳng thắn đối với báo chí

Sự nỗ lực cống hiến của báo chí cách mạng Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước, nhân dân, đông đảo bạn đọc ghi nhận, tin yêu, đánh giá cao. Tại Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có sự biểu dương khen ngợi với những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam. Tổng Bí thư khẳng định: “Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội”. Tổng Bí thư biểu dương cụ thể qua từng thời kỳ: “Trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí nước ta đã trở thành một binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng; nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự là “lời hịch cách mạng”, “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận. Từ trong máu lửa chiến tranh, hàng trăm nhà báo - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng và của dân tộc”. Còn trong thời kỳ đổi mới: “Những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Sự nghiệp đổi mới của chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”.

Thật tự hào, phấn khởi khi hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam đang tiếp tục trưởng thành phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tính đến cuối tháng 12/2021, cả nước có hơn 830 cơ quan báo chí, Hội nhà báo Việt Nam có gần 27.500 hội viên, cả nước có hơn 20.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề, được đào tạo cơ bản, gần 80% có trình độ đại học trở lên. Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025, được tổ chức thành công vào tháng 12/2021, đã kêu gọi đội ngũ những người làm báo cách mạng nước ta “ Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì Tổ quốc Việt Nam hùng cường, thịnh vượng”.

Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta luôn tin tưởng và kỳ vọng báo chí cách mạng Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy cao nhất truyền thống vinh quang, rèn đức, luyện tài, vững bước đi lên dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng, sự đồng hành, hỗ trợ, ủng hộ to lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, nhân dân và bạn đọc. Đây vừa là niềm tự hào, là động lực lớn lao và cơ sở vững chắc để báo chí cách mạng Việt Nam cùng cả nước chung sức, đồng lòng thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó có mục tiêu về báo chí: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí truyền thông. Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại”.

Công Minh