Khi kinh tế tư nhân đang được Nhà nước xem trọng nhưng khó khăn hậu dịch COVID - 19 là rất lớn.
Tuy nhiên, theo những gì chúng ta biết thì hiện nay, KTTN đang gặp rất nhiều khó khăn và khó khăn hiện nhiều hơn là thuận lợi bởi thứ gọi là "thuận lợi" như ta hiểu thì đó gần như mới chỉ còn là chủ trương, là quan điểm, là đường lối... Còn khó khăn thì đó là thực tiễn, là hiển hiện. Nhiều thứ khó khăn đó có thề bắt nguồn từ hậu COVID - 19, từ cách chúng ta đang xử lý các sai phạm của bộ máy công quyền có liên quan đến hoạt động kinh tế, trong đó có KTTN.
Nguyên nhân thì nhiều nhưng có những thứ dễ thấy. Đó là bộ máy chính quyền đang chùng xuống vì luôn trong tâm thế sợ sai trong làm việc. Sợ vì nếu làm sẽ dễ sai, sẽ gặp rủi ro nhiều hơn là không làm. Kiểu như, nếu nhà nước tiếp tục tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tư nhân (DNTN) như trước kia thì biết đâu có ngày sẽ có ngày bị vi phạm kỷ luật...
Mà nếu thực sự như vậy thì e rằng kinh tế nước nhà trong dăm, mười năm tới và xa hơn nữa sẽ khó phát triển đúng như kế hoạch đã vạch ra trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Tức là sẽ ảnh hưởng nặng đến chiến lược phát triển kinh tế nước nước nhà theo từng mục tiêu ở thời điểm 2030 hoặc 2045...
Trong thời gian gần đây, một số DNTN "bị sờ gáy" ít nhiều có tác động đến tâm lý nhiều người. Tất nhiên, nếu họ có sai phạm nghiêm trọng thì không lẽ lại cho qua khi chúng ta đang kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt theo chủ trương của Đảng đề ra: Xử lý sai phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ...
Nên chăng, theo tôi, khi đã có những dấu hiệu tiêu cực thì nên xử lý các quan chức nhà nước mạnh tay để răn đe. Riêng với DN thì nên cẩn trọng. Nếu DN họ bị đổ vỡ, phá sản do vướng vòng lao lý thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, người lao động có thể mất việc làm. Từ đó doanh nghiệp sẽ vỡ nợ, đổ bể...
Như vậy, theo tôi thì chúng ta nên khu biệt hẹp lại đối tượng bị xử lý bởi kinh tế đất nước hậu COVID - 19 đang thực sự khó khăn.
Các doanh nghiệp, cả nhà nước cũng như tư nhân trong vài ba năm qua gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng khi nhà nước kêu gọi họ hỗ trợ tài chính, từ khắc phục thiên tai đến dịch hoạ như vừa qua, họ đóng góp rất lớn...
* Chuyện doanh nhân của hôm nay:
Thử hỏi trong đại dịch vừa rồi, các doanh nghiệp đã góp sức cùng nhà nước rất rất nhiều, đâu hề ít, đặc biệt là DNTN. Có biết bao doanh nhiệp họ đóng cả chục tỷ,cả trăm tỷ, ngàn tỷ cho Quỹ Vaccine của Bộ tài chính mà đâu nề hà gì! Cần bệnh viện dã chiến ư? cần mua máy trợ thở ư? Và rất nhiều vật dụng y tế mà ngành y nước nhà không đủ đáp ứng, họ cũng không tiếc tiền bỏ ra, không so đo tính toán dù chính họ cũng vay nợ không nhỏ. Trong khi nhà nước thì ra lời kêu gọi, không lẽ thờ ơ được sao?
Những chuyện như thế, họ cũng chi tiền hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng gọi là "xã hội hoá" chứ không hề ít. Xã hội cần biết điều này và chúng ta nên biết ơn họ.
Tôi nghe nói, có những doanh nghiệp thời điểm đó còn không có tiền trả lương cho nhân viên, thế nhưng họ vẫn đóng góp một khi được nhà nước đề nghị họ. Chúng ta nên chia sẻ cùng họ nếu họ gặp khó khăn.
Suốt tuần nay, cả thế giới họ đang xôn xao trước một doanh nhân người Việt là tỷ phú Phạm Nhật Vượng bỗng sau một đêm, đang từ 5,5 tỷ đô la tổng giá trị tài sản (ngày 15/8), ông đã có thêm gần 39 tỷ đô nữa nhờ cổ phiếu VFS niêm yết trên sàn Nasdaq. Ông Phạm Nhật Vượng hôm đó đã có khối tài sản (theo Bloomberg Billionaires Index, tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang đạt tới 44,3 tỷ USD). Vậy là tỷ phú Phạm Nhật Vượng có tài sản đứng thư 4 châu Á và Top 30 của thế giới.
Thế rồi cũng trong suốt tuần đó, sự trồi sụt thất thường đến hoa mắt khiến các nhà đầu tư có phần hoang mang. Từ đó nhiều người sinh hoài nghi và sự hoài nghi đang chưa hết thì hôm 22/8, đúng 1 tuần, cũng vào ngày thư 3 trong tuần, khi thị trường chứng khoán (TTCK) Hoa Kỳ đóng cửa phiên giao dịch vào lúc 4 giờ chiều giờ miền Đông ngày thứ ba 22/8/2023, cổ phiếu của công ty Vinfast (VFS) đóng ở mức 36,72 USD/cổ phiếu, tăng 19,14 USD, tương đương 108,87% so với ngày hôm trước.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vụ đột phá giá cổ phiếu VFS được báo chí Mỹ ghi nhận là nhờ vào sự đánh giá của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA). Vinfast thông báo rằng, EPA đánh giá loại xe điện 7 chỗ ngồi VF 9 SUV vượt qua mức mà công ty Vinfast tự lượng giá ban đầu cho chính mình.
Rồi đây, có lẽ vẫn còn thay đổi nhiều và chưa ai dự báo chính xác nó sẽ ra sao.
Tôi không được tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho hưởng ưu đãi gì vì tôi cũng không có tiền mua nhà hoặc mua xe Vinfast của ông. Thế nhưng tôi vẫn luôn thấy vui khi thấy hiện tượng một doanh nghiệp như Vingroup tự tin vươn ra biển lớn và bước đầu thành công dù cũng còn nhiều thách thức phía trước.
Song, dù cho là thế nào thì có lẽ nên nhớ một điều, để có một DNVN vươn ra biển lớn như tỷ phú Phạm Nhật Vượng thật không hề dễ. Vậy thì cũng thật tự hào lắm chứ với người Việt chúng ta!
Tôi nhớ, khi dịch giã ở thời điểm mà ngành y đến hoa cả mắt để đối phó vì không có trang thiết bị y tế cũng như vaccine phòng chống COVID - 19, Vingroup họ đã hào hiệp và rất có trách nhiệm khi bỏ ra cả chục ngàn tỷ để giúp đỡ nhân dân như nhập máy trợ thở, như mua vaccine và tiền mặt cho đất nước. Đấy cũng là lúc Vingroup đang gặp nhiều khó khăn. Vậy mà ông còn hào hiệp đến như thế. Tôi tin rằng sau khi sự thành công ngoạn mục hôm qua, ông ấy sẽ còn có điều kiện giúp đất nước nhiều lần hơn nữa.
Trong giới doanh nhân nước nhà, cũng còn rất nhiều người như vậy. Song cũng không ít vị giàu thì rất giàu, nhưng tấm lòng thì không Bồ Tát chút nào. Dân biết cả đấy.
* Chyện những doanh nhân yêu nước trong quá khứ hào hùng của dân tộc
Trong lịch sử đấu tranh cứu nước và giành độc lập dân tộc từ thế kỉ trước, vai trò của giới tư sản dân tộc yêu nước cũng có nhiều doanh nhân rất tiêu biểu,đáng kính trọng.
Họ hy sinh cực nhiều của cải để giúp đất nước thoát khỏi binh đao, loạn lạc mà điển hình nhất có lẽ là các gia đình doanh nhân như ông bà Trịnh Văn Bộ, như ông bà Đỗ Đình Thiện... mà tôi từng tìm hiểu và thấy họ thật sự trân quý.
Năm 1990, để phục vụ viết bài nhân 45 năm đất nước giành độc lập trên báo Thanh Niên, người viết bài này đã được gặp cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (chồng là cụ Trịnh Văn Bô). Cụ bà quả phụ Trịnh Văn Bô cho biết, trong số 5.147 lượng vàng mà ông bà hiến cho Cách mạng, có 1.000 lượng vàng được đặc phái viên của Bác Hồ là ông Nguyễn Lương Bằng đến nhà 2 cụ nhận rồi đem đi hối lộ cho 3 viên tướng Tàu là Hà Ứng Khâm, Bộ trưởng của chính quyền Tưởng Giới Thạch (sang Việt Nam mang danh nghĩa thực hiện "sứ mệnh" giải giáp quân Nhật bị thất trận trong chiến tranh thế giới thứ hai) 500 lượng, cho tướng Lư Hán 300 lượng, cho tướng Tiêu Văn 200 lượng. Mục đích của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta là "chỉ để mong hoà hoãn, khỏi đụng độ giữa hai lực lượng - quân Tưởng Giới Thạch và quân ta khi dân vừa qua nạn đói và chết đến kinh hoàng", nói như cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ kể lại .
Tôi có hỏi: “Sao bà không biết gì về Cộng sản trước đó mà lại tin tưởng Cách mạng đến mức giao cả một lượng tài sản rất lớn như thế giúp đất nước?”, cụ Hoàng Thị Minh Hồ có bảo tôi rằng, "đây cũng là do cụ Hồ đã có lời với vợ chồng tôi", mà ông bà lại rất tin cụ Hồ Chí Minh với những gì ông bà biết về nhân vật Nguyễn Ái Quốc đôi chút trước lúc cụ Hồ / Nguyễn Ái Quốc và Thường vụ Trung ương Đảng quyết định nhận lời bí mật đến nhà ông bà sống, làm việc trước ngày Chính phủ lâm thời tuyên bố nước nhà giành Độc lập. Thứ nữa, nếu dân tộc mình mà tránh được tổn thất về con người như mong muốn của cụ Hồ thì dù tài sản ông bà có mất thế chứ mất nữa thì cũng không nên tính toán. "Dân tộc mình bớt đổ máu là chúng tôi mừng rồi...", cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ thanh thản giải thích.
Tôi còn nghe cụ kể, Bác Hồ có hứa khi nào hoà bình, kinh tế đất nước khấm khá hơn, Chính phủ sẽ trả lại gia đình số vàng đã đưa cho ông Nguyễn Lương Bằng đi hối lộ quân Tàu Tưởng để mưu cầu việc đại sự mà tôi kể ở trên.
Trường hợp gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô hiến tặng 5.147 lượng vàng trong thời gian đất nước vừa giành độc lập 1945 cũng như thời kỳ toàn quốc kháng chiến (1946-1954) nếu như so với giá trị tiền như hiện nay thì có lẽ cũng chỉ tương đương trên 300 tỷ đồng. Song cần phải hiểu rằng số tiền này là cực lớn so với ngân khố quốc gia cũng như gia sản của một gia đình chỉ có buôn vải lụa.
Nó còn ý nghĩa là ở chỗ gần như gia đình bà Trịnh Văn Bô đã hiến cho cách mạng xong thì cũng xem như gia sản của họ cũng không còn bao nhiêu ngoài số bạc nén tương đương 1.400 kg được ông bà chôn xuống giếng ngay trong sân tại số nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội (ngôi nhà mà chính Bác Hồ trú ngụ trước nhày 2/9/1945 để viết Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Do ông bà tin tưởng vào gia nhân và họ cũng trung thành tuyệt đối với hai cụ cho nên sau khi họ lấp giếng chôn số bạc đó bên dưới, họ cũng bí mật không tố giác chính quyền thực dân để lấy thưởng.
Tiếc rằng, sau 1954, gia đình ông bà Trịnh Văn Bô dùng toàn bộ số bạc nói trên đầu tư cùng nhà nước (gọi là công tư hợp doanh) để cùng xây dựng một nhà máy sản xuất gạch có tên Nhà máy gạch Nam Thắng. Tiếc rằng nó đã bị phá sản do năm 1964, chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc. Thế cho nên kinh tế không phát triển. Cũng do kinh tế ảm đạm, lại đang chiến tranh như vậy cho nên dù có sản xuất gạch thì cũng không bán nổi cho ai. Ngày đó rất ít ai dám xây dựng nhà, công trình nhà xưởng...
Vậy là gia sản của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô cũng dần bị cuốn bay, không hề còn gì đáng giá và nhà nước thì cũng đâu trả gia đình ông bà 1000 lượng vàng mượn của bà mang đi hối lộ quân Tàu Tưởng để đổi lại không để dân ta tiếp tục bị chúng gây sự và đổ máu. Tất nhiên, theo tôi hỏi cụ Bô thì thực tế, cụ chưa hề lên tiếng đòi trả cụ.
Nếu nhắc đến sự đóng góp điển hình của các nhà tư sản yêu nước thời kỳ trước CM Tháng Tám thì ngoài gia đình cụ Trịnh Văn Bô, tất nhiên không thể không nhắc đến gia đình cụ Đỗ Đình Thiện.
Ngoài sự đóng góp bí mật từ đầu những năm 40 của thế kỷ trước khi Quỹ Đảng vô cùng khó khăn thì vợ chồng cụ đã đóng góp hết lòng cho Đảng. Và có lẽ cần kể thêm là sau ngày Độc lập 2/9, cụ Thiện còn chủ động tổ chức quyên dân Hà Nội quyên góp ủng hộ Chính phủ Cụ Hồ bằng cách cho bán đấu giá bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh để rồi chính gia đình cụ khéo léo mua lại bức tranh với giá 1 triệu đồng Đông Dương để rồi tặng luôn chính quyền Hà Nội.
Nên biết rằng, ngân khố quốc gia lúc đó của nhà nước non trẻ chúng ta chỉ có 1 triệu đồng bạc tiền rách, cũng không thể tiêu được.
Tôi nói chi tiết này để chúng ta hiểu thêm rằng, đã một thời DNTN họ từng một lòng một dạ vì nước và nếu như Tổ quốc thực sự cần thì họ ứng xử ra sao.
Trở lại chuyện hôm nay. Nên chăng, nếu họ có sai phạm mà đã xa cả chục năm trước thì sau khi thanh tra xong có lẽ cũng nên cảnh cáo họ, không nên hình sự hoá những chuyện đã diễn ra quá lâu. Không khí làm ăn từ đó cũng sẽ khác, họ bớt lo lắng và hy vọng từ đó sẽ đem về nhiều hiệu quả kinh tế (đóng góp ngân sách nhiều hơn) cho nhà nước. Chúng ta càng làm căng, không khí xã hội sẽ có cảm giác ngột ngạt, lo lắng. Khi đó, đương nhiên họ sẽ không thể toàn tâm toàn ý xây dựng và phát triển doanh nghiệp của họ. Mà đã vậy tức là nguồn thu ngân sách cũng sẽ ảnh hưởng theo, khó có thể đạt được những mục tiêu kinh tế như Đại hội XIII đã đề ra. Còn với công bộc của dân, nếu ai sai phạm thì có lẽ cứ nghiêm trị bằng luật pháp thật xác đáng để còn mang tính răn đe cho sau này...
Cổ phiếu VFS CỦA VINFAST tăng 108,87% ngày 22/8/2023
Khi thị trường chứng khoán (TTCK) Hoa Kỳ đóng cửa phiên giao dịch vào lúc 4 giờ chiều giờ miền Đông ngày thứ Ba 22/8/2023, cổ phiếu của công ty Vinfast (VFS) đóng ở mức 36,72 USD/cổ phiếu, tăng 19,14 USD, tương đương 108,87% so với ngày hôm trước. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vụ đột phá giá cổ phiếu VFS được báo chí Mỹ ghi nhận là nhờ vào sự đánh giá của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA). Vinfast thông báo rằng, EPA đánh giá loại xe điện 7 chỗ ngồi VF 9 SUV vượt qua mức mà công ty Vinfast tự lượng giá ban đầu cho chính mình. Cụ thể, VF 9 SUV thuộc phân khúc cao cấp nhất trong dải xe điện hoàn chỉnh của VinFast được EPA chứng nhận đạt 291 dặm cho mỗi lần sạc đầy bình điện cho phiên bản Plus, và 330 dặm cho phiên bản Eco. Điểm đáng chú ý trong phiên giao dịch ngày 22/8 là số lượng cổ phiếu giao dịch lên tới gần 19 triệu cổ phiếu, so với mấy ngày hôm trước chưa tới 2 triệu cố phiếu mỗi phiên. Như vậy, sau một tuần đầu tiên giao dịch trên sàn Nasdaq, qua 6 phiên giao dịch, có 2 ngày giá cổ phiếu VFS bùng nổ và đều rơi vào ngày thứ Ba. Đó là thứ Ba 15/8 và thứ Ba 22/8.