Nhân lực số - những người lái con tầu Chuyển đổi số Việt Nam

Tại Hội nghị và triển lãm thế giới số ITU Digital World 2021 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã xác định, Chuyển đổi số là hướng đi đúng đắn hướng tới trạng thái hoàn toàn bình thường trên không gian số, vừa góp phần thúc đẩy kinh tế vừa đảm bảo mục tiêu giữ gìn sức khoẻ và sự an toàn của người dân.
2-163763131430216043-1638674649.jpg
Nhân lực số cần được đào tạo và phát triển những vấn đề quan trọng như tâm thế số, kỹ năng số, tri thức nền tảng công nghệ số mới và các tri thức chuyên ngành

1. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng vẫn được kỳ vọng tăng trưởng trong trung hạn và dài hạn, khi đại dịch đang được từng bước kiểm soát. Các thành phần của Chuyển đổi số như hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu và các nền tảng số quốc gia là yếu tố then chốt thúc đẩy lộ trình Chuyển đổi số quốc gia. Lực lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng với việc triển khai thành công tiến trình này nhằm đảm bảo kinh tế số Việt Nam có thể chiếm 20% tỉ trọng GDP quốc gia vào năm 2025, phấn đấu 30% vào năm 2030. 

Đối với phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã xác định rõ mục tiêu tới 2025, 100% doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận Chuyển đổi số trong chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025” giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố tại Hà Nội vào ngày 3.12.2020. Bốn mục tiêu của Chương trình đến năm 2025 là: (1) 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về Chuyển đổi số; (2) Tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về Chuyển đổi số; (3) Tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; (4) Thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy Chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.

Chuyển đổi số đã, đang và sẽ trở thành những mục tiêu quan trọng của phát triển kinh tế Việt Nam như đã nói ở trên. Tuy nhiên trên thực tế, nhân lực cho Chuyển đổi số chính là nút thắt lớn nhất ngăn cản thành công. Ví dụ, tại một đơn vị du lịch, chủ doanh nghiệp đang rất quan ngại về đào tạo kỹ năng làm việc và phối hợp của nhân viên khi áp dụng các giải pháp đám mây về phối hợp làm việc. Tại nhà máy, dự án Chuyển đổi số công tác bảo trì vận hành máy đang bị chậm lại do nhân viên chưa có kỹ năng phân tích và sử dụng dữ liệu. Tại một ngân hàng, dự án nâng cao trải nghiệm khách hàng do các nhân viên chưa kịp đào tạo về các khóa trí tuệ nhân tạo để triển khai tốt dự án. Khi doanh nghiệp thực hiện Chuyển đổi số, họ sẽ đưa vào các công cụ, công nghệ, giải pháp hoặc nền tảng số để chuyển đổi dữ liệu, quy trình và mô hình kinh doanh. Nhân lực truyền thống sẽ phải chuyển đổi để thích nghi với môi trường làm việc số, khách hàng số cũng như sở hữu các kỹ năng số để có thể làm việc thành thạo. Khi doanh nghiệp ưu tiên nâng cấp hay đầu tư vào công nghệ nhanh bao nhiêu thì họ phải đào tạo và phát triển cho nhân viên theo tốc độ tương thích. 

Nhân lực chuyển đổi nhanh sang số chính là yếu tố quyết định đảm bảo tỉ lệ hoàn vốn đầu tư cho các dự án Chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Một dự án Chuyển đổi số có thể chia làm ba giai đoạn: (1) - Lập kế hoạch triển khai; (2) - Triển khai; (3) - Vận hành. Trong ba giai đoạn thì hai giai đoạn đầu tiên, công ty cần đầu tư để triển khai giải pháp. Giai đoạn ba chính là giai đoạn doanh nghiệp thu hồi vốn đầu tư cho dự án. Nhân lực càng sử dụng hiệu quả, nhanh chóng các giải pháp công nghệ trong dự án thì càng sẽ tạo ra lợi nhuận giúp doanh nghiệp nhanh chóng thu hồi vốn. Tất cả các dự án Chuyển đổi số cũng như dự án công nghệ đều cần phải có các chương trình đào tạo và quản trị sự thay đổi giúp cho nhân lực hiểu, tin và cam kết sử dụng giải pháp trong thực tế. 

2. Nhu cầu đào tạo và tái đào tạo nhân lực số rất lớn trong xã hội. Lực lượng lao động đầu tiên cần được chú trọng không phải là những sinh viên trẻ - lực lượng lao động kế cận mà chính là lực lượng lao động đang làm việc trong cả hai khối tư nhân và hành chính công. Thiếu hụt kỹ năng và tri thức số đang là nguyên nhân cản trở Chuyển đổi số và giảm năng suất số của thành phần lao động này. Lực lượng lao động thứ hai cần được nhanh chóng bổ sung kỹ năng số, đó chính là cộng đồng sinh viên - những cá nhân sắp sửa nhanh chóng tham gia vào lực lượng lao động. Thứ ba đó chính là các chương trình đào tạo cho các em học sinh lớp 1-12 làm quen với tri thức và kỹ năng số đảm bảo nhân lực tương lai Việt Nam có khả năng thích nghi và học hỏi nhanh với các đòi hỏi tương lai từ công nghệ và Chuyển đổi số. 

Nhằm giải quyết bài toán nói trên, xin được góp ý với Chính phủ, cần nhanh chóng triển khai các hoạt động thúc đẩy đào tạo nhân lực số thông qua các nhiệm vụ cụ thể như sau: (1) - Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nhân lực số bao gồm chuyên gia từ bốn bộ: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Thông tin và Truyền thông. Ban chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực sẽ là đơn vị tham mưu tư vấn, lập kế hoạch, trực tiếp triển khai và đánh giá kết quả. (2) - Cần có chương trình phát triển nguồn nhân lực số với khung thời gian 5 năm và tầm nhìn 10 năm. Nguồn lực phân bổ cũng cần cụ thể, chi tiết cho từng năm và trong từng lĩnh vực. (3) - Cần nghiên cứu ban hành khung kỹ năng số, khung chương trình tri thức số căn bản bao gồm công nghệ, công cụ số. (4) - Hướng dẫn áp dụng các chỉ tiêu phát triển nguồn nhân lực số vào trong bộ chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh các tỉnh thành và địa phương nhằm thúc đẩy nhanh triển khai chương trình này. Ví dụ, các tỉnh thành cần nhanh chóng có các chương trình đào tạo kỹ năng và tri thức số cho lực lượng lao động trong khu vực hành chính công. (5) - Đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đào tạo, tái đào tạo, ví dụ miễn thuế phần chi phí doanh nghiệp sử dụng đào tạo kỹ năng số cho nhân viên. Tại Singapore, Chính phủ nước này có chương trình hỗ trợ tới 90% chi phí đào tạo kỹ năng số cho người lao động trên 40 tuổi trong doanh nghiệp.

3. Nhân lực số cần được đào tạo và phát triển những vấn đề  quan trọng như sau: (1) - Tâm thế số: phương thức tư duy, tiếp cận và xử lý vấn đề. (2) - Kỹ năng số: các kỹ năng số mới hình thành như quản trị thông tin an toàn an ninh mạng; làm việc trên môi trường số và các kỹ năng truyền thống trên môi trường số như phối hợp không gian ảo, giao tiếp qua công cụ và thiết bị số. (3) - Tri thức nền tảng công nghệ số mới: các tri thức như điện toán đám mây, IoT, trí thông minh nhân tạo, dữ liệu lớn. (4)- Các tri thức chuyên ngành: các tri thức chuyên ngành truyền thống thay đổi dưới tác động công nghệ, ví dụ nông nghiệp thông minh, nhà máy thông minh, thành phố thông minh.v.v... Các kiến thức mới này đang tích lũy và thay đổi hằng ngày. 

Nhìn lại lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, giáo dục đào tạo luôn luôn đóng vai trò then chốt. Ngay sau khi giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động ngay việc xóa nạn mù chữ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Khi Việt Nam mở cửa với kinh tế thế giới thập kỷ 90 của thế kỷ 20, tin học và ngoại ngữ trở thành làn sóng thứ hai giúp cho lực lượng lao động Việt Nam hội nhập với thế giới mạnh mẽ cho tới ngày hôm nay. Tri thức và kỹ năng số chính là làn sóng thứ ba giúp cho nhân lực Việt Nam thoát khỏi “Nạn Mù Số”(*). Mức độ quan trọng của việc xóa “Nạn Mù Số” cho dân tộc ta là vô cùng hệ trọng, bởi con tầu Chuyển đổi số đang ngày càng chạy nhanh hơn khi được tiếp năng lượng thông qua các công nghệ Chuyển đổi số ngày càng hiện đại. Chuyển đổi số toàn dân tộc chỉ thành công khi và chỉ khi “Nạn Mù Số” được xóa bỏ cho mọi tầng lớp, trong mọi ngành nghề. Nhân lực với đầy đủ tri thức và kỹ năng số chính là những người lái con tầu Chuyển đổi số Việt Nam tới thành công. 

(*) “Nạn Mù Số” là thuật ngữ phản ánh hiện trạng các cá nhân trong xã hội thiếu đi tri thức, kỹ năng và các yêu cầu liên quan tới sử dụng công nghệ và thích nghi với Chuyển đổi số trong việc làm, cuộc sống.