Bác sĩ Nguyễn Đình Kim, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, là em của cố Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc, năm nay gần 90 tuổi nhưng vẫn nhớ rõ tình tiết sự việc về anh trai và chuyến đi năm ấy. Ông kể: “Cha tôi là y sĩ Đông Dương Nguyễn Đình Diệp, sinh năm 1910, quê ở Phượng Vũ, Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, cha tôi nhập ngũ, là Quân y xá trưởng Trung đoàn Vĩnh Phúc, đóng tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Anh Nguyễn Đình Ngọc lúc đó làm liên lạc viên của trung đoàn. Đầu tháng 10-1947, quân Pháp mở trận càn lớn ở Đồng bằng Bắc Bộ, đã bắt được cha và anh tôi. Trên đường giải về Hà Nội, chúng đã thủ tiêu cha ở gần cầu Đuống, còn anh Ngọc thì bị đưa về tra hỏi. Thấy anh còn nhỏ, không khai thác được gì, chúng buộc phải thả về. Gia đình chúng tôi ngày ấy ở số 121 phố Hàng Bạc (Hà Nội), anh em tôi học Trường Bưởi (Trường THPT Chu Văn An ngày nay). Anh Ngọc hơn tôi một tuổi, học trên tôi một lớp. Năm 1950, anh đã đỗ đầu tú tài toàn phần.
Đang học dở năm thứ hai cao đẳng, anh Ngọc giả làm một linh mục trẻ học trường dòng, vào vùng tự do ở miền Trung để tìm cách tham gia kháng chiến. May mắn, anh bắt mối thành công thông qua một cơ sở cách mạng ở Vinh (Nghệ An) và gặp được Giám đốc Công an Liên khu 4 Nguyễn Hữu Khiếu. Anh được tuyển chọn học lớp đào tạo điệp viên ở miền rừng núi thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Học xong, anh được thủ trưởng Khiếu trực tiếp giao nhiệm vụ trà trộn vào dòng người di cư vào Nam, hoạt động đơn tuyến. Anh sẽ phải tiếp tục học lên, giành học bổng sang Pháp du học để có bằng cấp khoa học, về nước tạo vỏ bọc vững chắc trong giới thượng lưu và trí thức Sài Gòn nhằm hoạt động tình báo. Anh lấy bí danh “Diệp Sơn”, ghép tên cha và cậu em xấu số đã mất lúc 3 tuổi.
Đầu tháng 10-1954, trong lòng Hà Nội tạm chiếm, kẻ địch đã lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, hoang mang, sợ hãi... Hôm đó, hai anh em tôi sang sân bay Gia Lâm để làm thủ tục cho chuyến bay vào Nam của anh Ngọc. Ở cổng sân bay có khá đông người đang chen chúc đứng ngồi chờ đến lượt mua vé, nhưng chẳng thấy bóng tên cảnh binh nào. Có lẽ chúng cũng đang rối mù thu xếp của nả cho cuộc tháo chạy trước ngày Việt Minh tiếp quản Thủ đô, ngày 10-10-1954. Anh em tôi lặng lẽ rời khỏi nhà ga. Ngày lên đường của anh Ngọc đã được ấn định. Trước lúc đi, anh để lại cho tôi một thư ngắn, dặn có người từ Nghệ An tên Thành đến lấy thì đưa. Đó là thư báo cáo anh đã vào Sài Gòn đúng như dự kiến và giới thiệu tôi là liên lạc giữa anh với tổ chức.
Anh Ngọc vào đến Sài Gòn học tiếp cao đẳng khoa học. Do học lực xuất sắc, hai năm sau, anh được học bổng toàn phần sang Pháp. Trong 10 năm ở Paris, anh đã lấy 3 bằng kỹ sư và 2 bằng tiến sĩ, trong đó có tiến sĩ quốc gia về toán cao cấp. Giữa năm 1966, anh về nước, trở thành GS Trường Đại học Khoa học Sài Gòn và GS thỉnh giảng ở nhiều trường đại học của miền Nam. Trong vỏ bọc đó, suốt 9 năm hoạt động tình báo trong lòng địch, anh không bị lộ, chỉ đến phút chót, vài giờ trước cuộc tổng tấn công cuối cùng của quân ta vào Sài Gòn, CIA mới lần ra tung tích của anh, nhưng đã quá muộn. Vớt vát, chúng muốn anh cộng tác “hai mang” nhưng bị từ chối thẳng thừng và ngay sau đó anh đã báo cáo sự việc này với cấp trên”.
Trung tướng Nguyễn Phước Tân, tức Hai Tân, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an, trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Công an nhân dân đã khẳng định, đồng chí Nguyễn Đình Ngọc hoạt động đơn tuyến dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông, đã lập được nhiều chiến công có tầm chiến lược.
Thiếu tướng, GS Nguyễn Đình Ngọc qua đời ngày 2-5-2006, thọ 74 tuổi. Trung tướng Hai Tân không lâu sau đó cũng lâm bệnh ra đi. Hai người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết được an nghỉ bên nhau trong Nghĩa trang Liệt sĩ TP Hồ Chí Minh.