Nghệ thuật biểu diễn múa Việt Nam thành tố trong trong hội nhập văn hóa và phát triển du lịch

Trên thế giới, ở đâu có con người thì ở đó có văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, bao gồm hệ thống giá trị, niềm tin, đạo đức, văn học, nghệ thuật cũng như phong tục tập quán, lối sống của một dân tộc…

Nó vừa định hướng vừa thể hiện tư duy, hành động, quan điểm của con người tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc riêng biệt

Chúng ta đang từng bước hội nhập toàn diện, trong đó có hội nhập văn hóa với khu vực và thế giới. Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta xác định văn hóa là động lực và nền tảng của sự phát triển bền vững, “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế” là cốt lõi của “Văn hóa hội nhập”, vì văn hóa không đứng ngoài chính trị và kinh tế. 

Nếu hội nhập kinh tế diễn ra theo xu hướng hòa đồng các giá trị thì hội nhập văn hóa – một vấn đề tiên quyết là phải bảo tồn được các giá trị riêng biệt, đó chính là bản sắc văn hóa của dân tộc. Bản sắc văn hóa dân tộc là những sắc thái, đặc thù riêng về văn hóa tạo thành nét đẹp đặc trưng của một dân tộc. Bản sắc văn hóa có tính phân biệt bởi nó là yếu tố độc đáo, tồn tại duy nhất trong cả văn hóa vật chất lẫn văn hóa tinh thần và là minh chứng đánh dấu bề dày lịch sử của một dân tộc.

Văn hóa không chỉ là nghệ thuật, là biểu diễn, là sáng tác mà văn hóa còn là tâm thức, là niềm tin của con người. Trong du lịch, văn hóa là tinh hoa, là trí tuệ, nó chứa đựng cả giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Bên cạnh những loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch khám chữa bệnh, du lịch mạo hiểm, du lịch giáo dục... du lịch văn hóa được xem là loại sản phẩm đặc thù của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế. Những năm gần đây, Việt Nam đã nhận được các danh hiệu “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á”, “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”... 

1-1730446145.jpg
(Ảnh minh họa)

Du lịch văn hóa chủ yếu dựa vào những lễ hội truyền thống dân tộc, kể cả những phong tục tín ngưỡng, những sản phẩm văn hóa nghệ thuật mà trong đó nghệ thuật múa Việt Nam được xem là một trong những thành tố độc đáo tạo nên sức hút đối với du khách trong nước cũng như nước ngoài. 

Hiện nay, du lịch ở Việt Nam phát triển khá mạnh và nghệ thuật múa đã trở thành hồn cốt xây dựng lên chương trình văn nghệ phục vụ du lịch theo nhiều hình thức khác nhau… Chẳng hạn, nghệ thuật múa trong chương trình nghệ thuật tổng hợp hay cấu trúc theo kiểu sân khấu hóa mang tính sử thi, chủ yếu là chất liệu sân khấu đan xen với nghệ thuật múa, âm nhạc và nghệ thuật ánh sáng.

Nghệ thuật múa là một phần quan trọng trong nghệ thuật biểu diễn với sự kết hợp tinh tế vào việc truyền đạt cảm xúc và ý nghĩa thông qua ngôn ngữ cơ thể và chuyển động trong không gian, thời gian để truyền tải những thông điệp cuộc sống cũng như truyền cảm hứng cho khán giả trong đó có thể kể đến những chương trình nghệ thuật tiêu biểu trên dải đất hình chữ S như: Tinh Hoa Bắc Bộ - Hà Nội, Ký Ức Hội An – Đà Nẵng, Du Ca Đất Việt - Nha Trang, À Ố Show – TP Hồ Chí Minh,… Với những đóng góp không nhỏ trong các chương trình nghệ thuật - lễ hội - du lịch, nghệ thuật múa mang trong mình một vai trò, một thành tố trong công cuộc hội nhập văn hóa và phát triển du lịch nước nhà. 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, bản sắc văn hóa dân tộc giúp cho hình ảnh đất nước được nhận diện rõ nét hơn trên bản đồ thế giới, để hội nhập văn hóa và phát triển du lịch, nghệ thuật biểu diễn múa Việt Nam cần chú trọng đến những yếu tố sau đây:

​Thể hiện văn hóa truyền thống

Nghệ thuật múa thường được xây dựng dựa trên văn hóa và truyền thống. Điều này giúp duy trì và phát triển những giá trị văn hóa và tạo ra nét riêng thể hiện bản sắc của mỗi cộng đồng. Ngôn ngữ múa dân tộc là gốc rễ, là hồn cốt để khai thác, sáng tạo tác phẩm múa. Do đó, cần nghiên cứu kỹ các đặc trưng phong cách, cái “hồn” múa của dân tộc. Từ đặc trưng đó chắt lọc, nâng cao, sáng tác thành những tiết mục múa hấp dẫn nhưng vẫn phải giữ được hồn cốt, tinh thần của dân tộc đó.

3-1730446145.jpg
(Ảnh minh họa)

Việt Nam ta vô cùng tự hào khi ngày 15 tháng 12 năm 2021 Nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện Nhân loại. Xòe có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong sinh hoạt, lao động, nghi lễ được trình diễn trong đám cưới, lễ hội và các sự kiện văn hóa của cộng đồng. Là hình thức kết nối ước vọng của con người với thế giới thần linh, Xòe chính là hồn cốt văn hóa của người Thái vùng Tây Bắc.

Tính đặc trưng, tính địa phương

Đặc trưng của bản sắc dân tộc được hình thành từ văn hóa truyền thống, là thuộc tính riêng biệt khi đặt nó so sánh với văn hóa của các dân tộc khác trong khu vực và quốc tế. Cần coi trọng tính đặc trưng hay tính địa phương của nghệ thuật múa ở mỗi tộc người, mỗi vùng khác nhau.

4-1730446145.jpg
(Ảnh minh họa)

Tính đặc trưng đề cao sự sáng tạo độc đáo, riêng biệt, cần tránh hiện tượng “na ná”, “giông giống” nhau của các tác phẩm múa nói riêng và các chương trình nghệ thuật biểu diễn nói chung. Để tăng sức hấp dẫn với du khách, phải dựa vào nhu cầu khác nhau của du khách để sáng tạo các tiết mục, chương trình phù hợp, các tác phẩm múa dân tộc phải truyền tải được tình cảm, thông điệp ý nghĩa và văn hóa tinh thần đặc thù của dân tộc đó, cần được xây dựng theo hướng sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù nhưng thể hiện được rõ nét bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng, có giá trị nghệ thuật chứ không phải là trò diễn câu khách.

Ví dụ chương trình nghệ thuật múa của người Dao trên điểm du lịch - đỉnh Fansipan nét đặc trưng ở đây không chỉ là điệu múa mà là múa trong bối cảnh lễ cưới người Dao Đỏ vì văn hóa dân gian là sản phẩm được nảy sinh trong chính cộng đồng tộc người đó.

Tính văn hóa, tính đa dạng

Với hơn 54 dân tộc và hơn 70 nhóm dân tộc nhỏ, đất nước Việt Nam ta là một điểm đến đáng chú ý cho khách du lịch muốn khám phá và tìm hiểu về sự phong phú, đa dạng về văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng riêng, từ ngôn ngữ, phong tục, truyền thống cho đến trang phục và nghệ thuật. Chính vì lẽ đó mà nghệ thuật múa dân gian các dân tộc cũng rất đa dạng, mang đậm nét đặc trưng của dân tộc đó đã tạo nên sự hấp dẫn trong bức tranh nghệ thuật biểu diễn múa Việt Nam vô cùng phong phú với nhiều màu sắc, nhiều cung bậc, nhiều cảm xúc.

5-1730446145.jpg
(Ảnh minh họa)

Ví dụ: Ở tỉnh Hòa Bình có các điểm du lịch của người Mường, người Thái. Khu du lịch Mai Châu (Hòa Bình) có múa Thái Mai Châu trong chương trình nghệ thuật của Bản Lác, Bản Văn. Nhưng chất liệu múa ở đây khác với múa Thái ở Sơn La và cũng không giống với múa ở các điểm du lịch của người Mường. Múa dân gian đều phụ thuộc vào đặc trưng văn hóa tộc người cũng như cảnh quan môi trường sinh thái, chính đặc điểm này đã tạo nên tính đa dạng trong biểu diễn cũng như sáng tạo nghệ thuật múa.

Mối quan hệ giữa văn hóa với du lịch

Văn hóa là nền tảng, là lực hấp dẫn để phát triển du lịch, ngược lại du lịch phát triển tạo điều kiện cho văn hóa hội nhập, phát huy và giữ vững vai trò làm động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Việc phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đã mang lại thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung. Mối quan hệ giữa văn hóa với du lịch là mối quan hệ tương tác, gắn bó mật thiết với nhau không thể tách rời. Du lịch đang là xu hướng phổ biến trên toàn cầu, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta, góp phần vào sự phát triển và thịnh vượng của đất nước. Thông qua du lịch, văn hóa Việt Nam được bạn bè năm châu biết đến nhiều hơn, vừa là điều kiện để văn hóa hội nhập, lan tỏa vừa là thách thức để giữ gìn bản sắc dân tộc để hòa nhập nhưng không “hòa tan”.

Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa nghệ thuật nói chung và nghệ thuật múa nói riêng dành được sự quan tâm đặc biệt cho công tác bảo tồn và phát huy những nét tinh hoa đặc sắc của loại hình nghệ thuật này. Với những đóng góp trong các chương trình nghệ thuật - lễ hội - du lịch, nghệ thuật biểu diễn múa Việt Nam dần khẳng định một phần vai trò trong sự phát triển và bảo tồn văn hóa phi vật thể, văn hóa nghệ thuật dân tộc của nước nhà.

ThS. Trịnh Minh Ngọc