Nam Định: Tổ chức Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024

Nam Lê
Lễ hội Khai ấn Đền Trần Nam Định Xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra từ ngày 20-25/2/2024, với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc, ban tổ chức dự kiến phát ấn cho du khách từ 5h sáng 24/2.

Lễ Khai ấn tổ chức đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng hàng năm tại Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) là tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (Phủ Thiên Trường xưa) với ý nghĩa nhân văn to lớn là cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn Đền Trần - “Tích Phúc Vô Cương”, mọi người bước vào năm mới mạnh khoẻ, lao động hăng say, học tập, công tác tốt.

a2-1708746511.jpg
Các đại biểu dự lễ dâng hương Khai Ấn đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024.
a3-1708746547.jpg
Nghi thức rước kiệu ấn từ Đền Cố Trạch thờ Anh hùng Trần Hưng Đạo sang Đền Thiên Trường.
a4-1708746583.jpg
Các bậc cao niên thực hiện các nghi lễ Khai ấn.

Tục lệ này không chỉ mang đậm giá trị văn hoá tâm linh truyền thống mà còn có ý nghĩa giáo dục lịch sử sâu sắc, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Theo kế hoạch, lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Giáp Thìn năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 20/2 đến ngày 25/2 (tức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng). Trong đó, ngày 11 tháng Giêng (20/2) tổ chức lễ rước Kiệu Ngọc Lộ; ngày 12 tháng Giêng (21/2) tổ chức lễ rước Nước, tế Cá.

Lễ chính Khai ấn Đền Trần năm nay diễn ra vào dịp cuối tuần, với điều kiện thời tiết tốt và giao thông thuận lợi, dự báo lượng khách về dự lễ sẽ rất đông. Để Lễ hội đảm bảo an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, vui tươi theo kế hoạch đề ra, UBND thành phố Nam Định xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội Khai ấn; thành lập Ban tổ chức lễ hội; ban hành quy chế làm việc, phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ trước, trong và sau lễ hội. Khu di tích Đền Trần Nam Định là ngôi đền thờ 14 vị vua nhà Trần cùng gia quyến và các quan lại có công phù tá.

a6-1708746692.jpg
Người dân thành kính đi Lễ tưởng nhớ các vị Vua Trần và Đức Thánh Trần.

Trong không gian linh thiêng của lễ Khai ấn, trước ban thờ Trung Thiên, Đền Thiên Trường, các đồng chí lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh đã thành kính dâng hương tưởng nhớ tổ tiên nhà Trần, tri ân công lao to lớn của các vị Vua Trần và Đức Thánh Trần - Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, thể hiện sâu sắc truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; qua đó động viên cán bộ và nhân dân trong tỉnh tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông, ra sức phấn đấu học tập, lao động, sáng tạo, cống hiến tài năng, tâm sức, trí tuệ để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

a7-1708746750.jpg
Ban tổ chức soạn ấn và phát cho người dân đi hành lễ.

Nơi đây còn nổi tiếng với Lễ dâng hương khai ấn Đền Trần đầu xuân và Hội Đền Trần tháng tám âm lịch hàng năm. Khu di tích đền Trần – phường Lộc Vượng, TP Nam Định bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch và đền Trùng Hoa. Đền Thiên Trường thường gọi Đền Thượng, tọa lạc ở vị trí trung tâm của khu di tích Đền Trần Nam Định. Đền được xây trên nền Thái Miếu và cung Trùng Quang của nhà Trần mà trước nữa là nhà thờ tộc của họ Trần. Cung Trùng Quang là nơi các thái thượng hoàng nhà Trần sống và làm việc.

a8-1708746793.jpg
Người dân hào hứng được phát ấn trong lễ hội Khai ấn Đền Trần.

Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định cũng tổ chức các hoạt động văn hóa tại di tích đền Trần - chùa Phổ Minh nhằm giới thiệu, quảng bá một số loại hình di sản văn hóa tiêu biểu, phục vụ nhu cầu tham quan, hưởng thụ các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân. Hệ thống di tích tại Nam Định, đặc biệt là di tích đền Trần và chùa Phổ Minh được kết nối với Bảo tàng tỉnh Nam Định tạo thành tuyến tham quan, sản phẩm du lịch, góp phần thực hiện đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt bảo tàng gắn với phát triển du lịch”.

Lễ Khai ấn Đền Trần đầu Xuân với ý nghĩa nhân văn to lớn là cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn Đền Trần - “Tích Phúc Vô Cương”, ý nghĩa mong muốn muôn dân, bách gia trăm họ giữ gìn gia phong, kỉ cương, đạo đức, tích phúc đủ đầy thì lộc hưởng mới bền vững. Tục lệ này không chỉ mang đậm giá trị nhân văn mà còn có ý nghĩa giáo dục lịch sử, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

Lê Anh - Thế Mạnh