Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia và căn cứ vào tình hình thực tiễn, yêu cầu kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và tập trung xử lý từ gốc các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, gây mất an ninh, trật tự như: vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; vi phạm tốc độ trên đường bộ; “cơi nới” thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ trên đường bộ; phương tiện thủy chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ, cảng, bến thủy nội địa không phép; Bộ Công an ban hành Kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông...
Trắng đêm kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn
Tổ chức tuyên truyền, vận động các chủ nhà hàng, quán bar, vũ trường… tuyên truyền, nhắc nhở khách hàng đến ăn uống chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia. Đồng thời tập trung lực lượng, phương tiện thiết bị nghiệp vụ để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Trong quá trình thực hiện, chủ động phòng ngừa hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng. Đối với các trường hợp vi phạm là đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... gửi về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định.
Tuyên truyền và vận động giảm thiểu tối đa vi phạm
Theo thông tin từ Phòng CSGT Công an TP. Đà Nẵng, cơ quan đã tuyên truyền, vận động nhà hàng, quán bar, vũ trường nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia (đã tuyên truyền, vận động 223 trường hợp). Tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, cá nhân, nhà máy, chủ bến bãi, xưởng cơ khí, sửa chữa ô tô bốc xếp, chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế của xe, không “cơi nới” thành thùng, vận động chủ xe tháo, cắt thùng xe trở về đúng với thiết kế đã được phê duyệt (đã vận động, tuyên truyền: 83 doanh nghiệp, 1599 cá nhân, 101 xưởng cơ khí, sữa chữa ô tô). Tổ chức 01 buổi tuyên truyền, vận động ký cam kết không vi phạm đối với 20 đại diện doanh nghiệp, lái xe chở dăm gỗ trên địa bàn thành phố.
Đã có 96 doanh nghiệp, 541 đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe ký cam kết chấp hành các quy định pháp luật về giao thông đường bộ. Đồng thời, phòng cũng đã tuyên truyền yêu cầu tháo dỡ, cắt bỏ thành thùng cơi nới đối với 125 phương tiện vận tải.
Kết quả tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm từ ngày 20/6-28/7
Lực lượng CSGT toàn thành phố đã bố trí 2479 tổ tuần tra kiểm soát, gồm 9.756 lượt CBCS tham gia.
Tổng số vụ việc vi phạm bị lập biên bản: 8337 trường hợp (3420 ô tô, 4917 mô tô); ra quyết định xử phạt: 5874 trường hợp. Phạt tiền 8,64 tỷ đồng. Tước GPLX, bằng, chứng chỉ chuyên môn: 1135 trường hợp. Tổng số phương tiện bị tạm giữ 736 phương tiện (634 ôtô; 702 môtô, xe máy). Các lỗi vi phạm tập trung xử lý gồm: Vi phạm nồng độ cồn có 553 trường hợp (trong đó: 41 ô tô, gồm: 39 xe con, 2 xe tải, 512 mô tô, xe máy), tạm giữ 553 phương tiện, tước GPLX: 362 trường hợp.
Vi phạm tốc độ trên đường bộ bị xử lý 953 trường hợp (trong đó: 859 ô tô, gồm: 15 xe khách, 617 xe con, 193 xe tải, 34 xe container; 94 mô tô, xe máy), phạt tiền 2,1 tỷ đồng; tước GPLX 349 trường hợp. Tổng số phương tiện bị tạm giữ 10 phương tiện.
Vi phạm về “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá tải, quá khổ trên đường bộ có 344 trường hợp (trong đó: 185 lái xe, 159 chủ phương tiện), phạt tiền 1,8 tỷ đồng, tước GPLX 83 trường hợp, tạm giữ 6 phương tiện. Đã cưỡng chế việc tháo, cắt thùng xe 101 trường hợp, thông báo tới cơ quan đăng kiểm 17 trường hợp…
Không quản ngại ngày đêm trong thời tiết khắc nghiệt mùa hè nơi chảo lửa miền Trung, lực lượng CSGT toàn thành phố nỗ lực tuần tra, kiểm soát xử lý các loại phương tiện tham gia giao thông vi phạm đã góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và vấn nạn xe cơi nới, quá khổ quá tải…