Liên kết Ngân hàng - Bảo hiểm, thực trạng và giải pháp

Võ Việt
Bảo hiểm liên kết ngân hàng (Bancassurance) là mô hình liên kết kinh doanh phổ biến giữa ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, các ngân hàng sẽ cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng thông qua mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch của mình.

Thực trạng trong tình hình hiện nay

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, quý 1/2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 54.186 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2022; tổng tài sản ước đạt 729.096 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2022; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 596.163 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Trên thị trường bảo hiểm hiện có 78 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó, có 31 DNBH (Doanh nghiệp bảo hiểm) phi nhân thọ, 19 DNBH nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm; 26 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.

bao-hiem-3-1683818171.jpg
Liên kết Ngân hàng - Bảo hiểm, thuận lợi và khó khăn

Về phía hệ thống Ngân hàng, dẫn đầu về mạng lưới chi nhánh vẫn thuộc về nhóm NHTM (Ngân hàng thương mại) Nhà nước. Trong đó, Agribank luôn giữ vị trí ngân hàng có mạng lưới chi nhánh nhiều nhất với 939 chi nhánh (171 chi nhánh loại I, 768 chi nhánh loại II). Xếp theo sau là BIDV (189 chi nhánh), Vietinbank (155 chi nhánh), Vietcombank (121 chi nhánh). Trong nhóm NHTM Nhà nước, BIDV được hưởng lợi về mạng lưới sau khi MHB sáp nhập vào BIDV năm 2015. Trong nhóm NHTM tư nhân, vị trí dẫn đầu thuộc về Sacombank với 109 chi nhánh. Xếp theo sau lần lượt là MB (99 chi nhánh), LienVietPostBank (76 chi nhánh), HDBank (72 chi nhánh), VPBank (66 chi nhánh), MSB (62 chi nhánh),…Sacombank và HDBank nằm trong top NHTM Tư nhân dẫn đầu về mạng lưới một phần nhờ vào thương vụ M&A (Mua bán và sáp nhập) những năm trước đó; Sacombank nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, HDBank nhận sáp nhập Ngân hàng Đại Á. LienVietPostBank (76 chi nhánh) và TPBank (53 chi nhánh) là hai ngân hàng có số lượng chi nhánh khá ấn tượng mặc dù mới được thành lập năm 2008.

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính cho biết: Hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) đã phát triển nhanh chóng và có những đóng góp nhất định vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Theo đó, hoạt động bancassurance chiếm khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Thống kê cho thấy, hiện nay hơn 40% số lượng hợp đồng khai thác mới đến từ kênh Bancassurance.Trên thế giới, các thị trường Bancassurance hàng đầu là Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha và Ý. Tại Bồ Đào Nha có đến 85% tổng số phí bảo hiểm thu được là thông qua các kênh Bancassurance.

Hiện nay, có một số mô hình Bancassurance như: Mô hình thỏa thuận phân phối đơn thuần; Mô hình liên minh chiến lược; Mô hình hợp tác độc quyền khai thác trong một thời gian nhất định. Tại Việt Nam, trong thời gian gần đây, thị trường đã chứng kiến một mô hình hợp tác mới theo mô hình kinh doanh của Mỹ và các nước Châu âu. Đó là hợp tác độc quyền khai thác trong một thời gian nhất định. Cụ thể, Ngân hàng Standared Chartered Việt Nam đã ký hợp đồng phân phối sản phẩm bảo hiểm độc quyền với Prudential Việt Nam trong 15 năm, HSBC Việt Nam hợp tác với công ty bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam trong vòng năm năm, Sacombank hợp tác với Dai-Ichi Life Việt Nam trong 15 năm hay Techcombank hợp tác với Manulife Việt Nam trong 15 năm qua.

Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, tính trên toàn thị trường, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua ngân hàng chiếm khoảng 39% tổng doanh thu phí khai thác mới và chiếm bình quân 37% tổng thu nhập phí của các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán.

bao-hiem-2-1683818171.jpg
Liên kết Ngân hàng - Bảo hiểm, thuận lợi và khó khăn

Giải pháp và thực hiện

Thời gian qua, liên quan đến tình trạng nhân viên ngân hàng "Ép" khách hàng mua bảo hiểm, ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết: “Gần đây, Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhận được nhiều phản ánh về tình trạng nhân viên ngân hàng thương mại ép khách hàng mua bảo hiểm.

Hình phạt là một phần, quan trọng nhất là nhận thức của doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại, làm sao để hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật”.

Các chuyên gia trong ngành Bảo hiểm nhận định, sự phát triển của ngành bảo hiểm nói chung và Bancassurance nói riêng là rất lớn bởi mức độ thâm nhập bảo hiểm hiện nay của Việt Nam mới khoảng 2,7% GDP và Chính phủ đặt mục tiêu đạt khoảng 3,5% GDP đến năm 2025.

Với mô hình hợp tác giữa Ngân hàng và các Doanh nghiệp Bảo hiểm thì khách hàng của cả hai bên sẽ được cung cấp những giải pháp toàn diện về ngân hàng và bảo hiểm mà chỉ cần đến một điểm giao dịch duy nhất, nhờ vào sự kết hợp giữa mạng lưới rộng khắp của cả Ngân hàng và Công ty bảo hiểm.

Theo đó, sẽ có các sản phẩm mang tính kết hợp giữa ngân hàng và bảo hiểm để có thể đáp ứng được một cách tốt nhất cho khách hàng theo hướng vừa có mức lợi tức cao nhất và lại có thể được hưởng các quyền lợi bảo hiểm khi phát sinh các biến cố không mong muốn trong cuộc sống.

Đến nay, hoạt động liên kết Ngân hàng - Bảo hiểm (Bancassurance) ở Việt Nam không ngừng phát triển và mang lại những lợi ích nhất định cho các Công ty Bảo hiểm, ngân hàng thương mại và khách hàng mua bảo hiểm. Cụ thể: Về phía ngân hàng: Bancassurance giúp ngân hàng nâng cao khả năng cạnh tranh bằng việc đa dạng hóa và mở rộng danh mục sản phẩm cho khách hàng lựa chọn, từ đó thu hút thêm khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng. Bancassurance giúp cho ngân hàng gia tăng doanh thu lợi nhuận dưới hình thức tiền hoa hồng và/hoặc lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (tùy thuộc vào mối quan hệ hợp tác), hạn chế rủi ro không thu được nợ của ngân hàng...

bao-hiem-1-1683818171.jpg
Mạng lưới ngân hàng trên toàn quốc

Về phí các Ngân hàng sẽ có hai khoản thu nhập chính được các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả.

Một là: Khoản thu do được quyền khai thác cơ sở khách hàng và mạng lưới chi nhánh hiện có của ngân hàng. Đây là các khoản thu nhập cố định và có thể chia đều hoặc không trong toàn bộ thời gian hợp tác.

Hai là: khoản thu được khi ngân hàng bán được các hợp đồng bảo hiểm; Về phía doanh nghiệp bảo hiểm: Khi sử dụng kênh phân phối này sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng phạm vi kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm, thu hút khách hàng mới.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể tăng lợi nhuận, nâng nâng cao sức cạnh tranh. Thông qua việc sử dụng uy tín và thương hiệu của ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tăng cường thương hiệu và uy tín của mình trên thị trường, đồng thời, củng cố niềm tin của khách hàng.

Hiện công tác quản lý, giám sát đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đã và đang được thực hiện thường xuyên thông qua hệ thống báo cáo và hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định khác…, tạo động lực để Bancassurance phát triển nhanh, vững chắc, đóng góp lớn vào tỷ trọng doanh thu của doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian tới.

Trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với Ngân hàng nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Việc thanh tra, kiểm tra dự kiến sẽ được thực hiện tại cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm. Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Minh Hoà