Bộ Nhân lực Singapore vừa thông báo, kể từ nay đến tháng 8/2022, cơ quan này sẽ thực hiện thí điểm tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc tại Singapore ở các ngành xây dựng, hàng hải và chế biến- dưới hình thức visa Work Permit.
Mức lương trung bình (bao gồm lương cơ bản và phụ cấp cố định, chưa bao gồm tăng ca, làm ngoài giờ) trong ngành xây dựng của lao động Việt Nam theo chương trình thí điểm là 768-840 SGD/tháng (13-14 triệu đồng). Đáng chú ý,lao động đi theo diện này sẽ được chủ sử dụng lao động cung cấp chỗ ở miễn phí. Với quy định này mở ra nhiều cơ mới cho lao động phổ thông Việt Nam tại Singapore.
Còn Bộ Kinh tế- Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản vừa công bố kế hoạch tuyển khoảng 50.000 lao động có tay nghề cao từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam để đến nước này làm việc. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ giúp đỡ các công ty của nước này tổ chức những buổi hướng dẫn cho lao động trước khi bắt đầu công việc hoặc tổ chức thực tập trực tuyến cho khoảng 50.000 người trong 5 năm tới. Việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tuyển dụng của Chính phủ Nhật Bản là nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh của các công ty trong bối cảnh nguồn nhân lực đang khan hiếm tại nước này.
Bên cạnh đó, tại Hàn Quốc, ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ công bố tăng cường nỗ lực thu hút nhiều công dân nước ngoài có trình độ học vấn cao. Trong đó, sẽ thay đổi hệ thống thị thực đối với những người nước ngoài đã hoàn thành chương trình thạc sĩ hoặc tiến sĩ tại Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho biết, tại các thị trường lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc, ngoài các chương trình mà hai bên đã ký kết như EPS (Hàn Quốc) và IM Japan (Nhật Bản), các quốc gia này đang đẩy mạnh việc thu hút nhân lực có chất lượng, tay nghề cao hơn từ Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy lao động Việt Nam đã dần khẳng định được tay nghề, kỹ năng và trình độ tại thị trường vốn đòi hỏi cao tại các quốc gia phát triển này.
Cũng theo ông Quỳnh, Việt Nam có nhiều tiềm năng cho hoạt động xuất khẩu lao động, mang về cho đất nước nhiều cơ hội, cả về ngoại tệ lẫn học hỏi kỹ thuật, nâng cao tay nghề để đưa đất nước phát triển nhanh hơn.
Đối với công tác xuất khẩu lao động, tại hội nghị triển khai công tác năm 2022 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thời gian tới, Bộ LĐTBXH vừa phát triển thị trường, vừa có chính sách, tuyên truyền để người lao động lựa chọn những thị trường được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp một cách chắc chắn.
Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2021, cả nước có hơn 45.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, bằng 57,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Số liệu lao động xuất cảnh của một số thị trường chính như sau: Đài Loan ( Trung Quốc) là 19.531 lao động (6.487 nữ); Nhật Bản 19.510 lao động (8.335 nữ); Hàn Quốc: 1.036 lao động (6 nữ); Trung Quốc 1.820 lao động; Rumani 795 lao động (131 nữ); Singapore 713 lao động nam; Hungary 465 lao động (114 nữ); Serbia 304 lao động nam…
Về công tác đàm phán, ký kết và triển khai các thỏa thuận quốc tế, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tham gia đàm phán, hoàn thiện trình Lãnh đạo Bộ ký gia hạn Bản Ghi nhớ về việc đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Hoàn thiện hồ sơ, thống nhất nội dung gia hạn Bản Ghi nhớ giữa Việt Nam và Malaysia về tuyển dụng lao động; phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu để Bộ báo cáo Chính phủ thành lập đoàn và khởi động đàm phán Hiệp định giữa Việt Nam và Israel về tuyển dụng người lao động Việt Nam làm việc có thời hạn tại Israel; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Thỏa thuận về tuyển dụng lao động giữa Việt Nam và Thái Lan…
Về mục tiêu năm 2022, Cục Quản lý lao động ngoài nước đạt mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi lao động tại nước ngoài.