Với bề dày 500 năm lịch sử và phát triển, Làng gốm Bát Tràng là một trong những địa phương chuyên sản xuất gốm sứ lớn nhất cả được, dàn trải từ mô hình sản xuất theo hộ gia đình tới các công ty chuyên nghiệp. Dẫu bao năm tháng đổi thay, các sản phẩm gốm sứ của Bát Tràng luôn mang đượm nét văn hóa và giá trị nghệ thuật truyền thống.
Khi ghé thăm làng gốm Bát Tràng, du khách có thể dễ dàng quan sát những người nghệ nhân với đôi bàn tay khéo léo thổi hồn vào những khối đất sét bình thường thành sản phẩm gốm duy mĩ, chất lượng cao. Là một người con của làng gốm, nghệ nhân Lê Hồng Hải tại Trung tâm “Ngàn năm gốm Việt” (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) đã có hơn 30 năm kinh nghiệm, cho biết để làm bất kì một chiếc bình hay sản phẩm gốm nào cũng cần trải qua nhiều công đoạn. Trước hết, người thợ cần chú trọng tới chất liệu đất và tạo hình để tạo nên sự vững trãi cho sản phẩm, sau đó mới tới bước đắp họa tiết và trang trí men.
Vì tất cả các công đoạn chủ yếu là thủ công, nên tuy từng kích thước mỗi chiếc bình hay sản phẩm đều có thời gian hoàn thiện khác nhau. Nghệ nhân Hồng Hải, hiện nay các công đoạn làm gốm cũng đã có sự hỗ trợ của máy móc nên đã rút ngắn đi thời gian và công sức cho người thợ so với ngày xưa. Khoảng thời gian để người nghệ nhân và thợ hoàn thiện một tác phẩm thường trung bình 2 - 3 tuần
Theo Nghệ nhân Trần Doãn Tuyền (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), mỗi họa tiết trên các bình gốm, hay bát đĩa của làng đều mang nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Ví dụ như dịp Tết Giáp Thìn vừa rồi, những sản phẩm gốm có linh vật rồng đều mang đậm bản sắc sử Việt qua các thời kỳ với nét đặc trưng riêng như rồng thời Lý thì mềm mại, còn rồng mang cặp sừng thời nhà Lê biểu trưng cho sự hùng mạnh, vv… Tuy người nghệ nhân vẫn luôn dựa trên nền tảng nguyên lí xưa, nhưng các tác phẩm gốm sứ của Bát Tràng vẫn mang nét phóng khoáng, hơi thở của thời đại.
Công đoạn cuối cùng quyết định sự thành công của một tác phẩm gốm chính bước nung. Trong quá trình làm gốm, người thợ luôn phải tính toán thật kĩ các chi tiết như quai, họa tiết vì đất mong manh khi đi qua lửa sẽ dễ đứt gãy, ảnh hưởng tới chất lượng của sản phẩm. Để nung ra được những tác phẩm gốm hoàn mĩ, những nghệ nhân tại làng Bát Tràng đã đúc rút kinh nghiệm làm chủ ngọn lửa bằng cách nâng dân dần nhiệt độ để lò đạt tới nhiệt độ cao nhất và khi gốm chín thì hạ xuống từ từ.
Dù trải qua sự đổi thay của lịch sử, nhưng ngọn lửa của những lò nung, tình yêu với gốm của người dân Bát Tràng vẫn luôn được kế thừa qua nhiều thế hệ. Những người con của làng luôn học hỏi kinh nghiệm của cha ông và nâng tầm phát triển sản phẩm quê hương, tạo nên thương hiệu “Làng gốm Bát Tràng” nổi danh trong nước và quốc tế. Hiện nay, Bát Tràng không chỉ là Điểm du lịch của Thủ đô, mà còn là Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia.