Nghề đúc đồng ở đây được hình thành do một người tên là Dương Tiền Hiền di cư từ Thanh Hóa vào truyền dạy. Cuối thế kỉ XVIII, ở đây đã hình thành hai khu vực là phường tạc tượng Đông Kiều và phường chú tượng Phước Kiều. Đến đầu thế kỉ XIX, triều đình nhà Nguyễn sáp nhập 2 phường lại thành xã hiệu Phước Kiều, còn được gọi là làng đúc đồng Phước Kiều.
Cũng như các làng nghề đúc đồng khác, để chế tác ra một sản phẩm đồng hoàn chỉnh, người thợ làng Phước Kiều phải tiến hành các công đoạn như: làm khuôn sơn khuôn, nấu đồng và đúc đồng. Tuy nhiên, những nghệ nhân đúc đồng Phước Kiều còn có bí quyết pha hợp kim riêng và kỹ thuật thẩm âm để tạo ra sản phẩm có tiếng vang, phù hợp với phong tục, tập quán và văn hóa tâm linh của từng tộc người. Điều này đòi hỏi người thợ Phước Kiều phải có đôi tai tinh nhạy, sự từng trải, am hiểu và kinh nghiệm cảm nhận âm thanh tinh tế.
Trước đây, làng chỉ đúc những sản phẩm truyền thống như chiêng, chuông, thanh la, chân đèn, lư hương, đồ gia dụng. Đặc biệt, sản phẩm cồng chiêng của Phước Kiều đã có mặt ở hầu khắp các bản làng dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Hiện nay, các nghệ nhân Phước Kiều còn chế tác đồ trang trí nội thất cho các khu du lịch, biệt thự hay khí nhạc theo yêu cầu.
Đến với làng đúc đồng Phước Kiều, ngoài việc mua sắm các vật dụng, đồ lưu niệm, du khách còn có cơ hội trực tiếp tham gia vào các công đoạn sản xuất đồng và được xem các nghệ nhân biểu diễn các loại nhạc cụ cồng chiêng do chính họ chế tạo ra.
Làng nghề đúc đồng Phước Kiều ngày nay đã trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Quảng Nam.