Theo Sci-News, kết quả này sẽ đem đến nhiều dữ liệu quan trọng về những con người có nền văn minh vượt trội so với thời còn lại của thế giới, tình trạng sức khỏe và cuộc sống của họ trong thành phố đầy bí ẩn Pompeii.
Vì bị tro bụi núi lửa ập xuống trong tích tắc, thời gian ở Pompeii như ngưng đọng, nhiều tàn tích nhà cửa, đường phố, các công trình công cộng hiện ra nguyên vẹn sau khi các nhà khảo cổ đã lấy đi lớp tro bụi bao phủ.
Nhiều phát hiện đã thực sự gây sốc, ví dụ cơ sở hạ tầng, đường sá chất lượng cao, những dịch vụ "vượt thời gian", tưởng chừng chỉ có ở thời hiện đại như... quầy thức ăn nhanh dọc "phố đi bộ".
Giữa tàn tích tráng lệ đó là những con người bị hóa đá theo đúng nghĩa đen: tro bụi núi lửa bọc lấy họ trong tích tắc, khiến họ hóa thành những bức tượng đang trong mọi tư thế: ngủ, lao động, có người kịp sợ hãi ngồi bó gối hay vừa choàng tỉnh khi nghe hỗn loạn, có người hóa đá khi đang chạy trốn.
Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi tiến sĩ Gabriele Scorrano, cùng các cộng sự từ Đại học Rome "Tor Vergata" (Ý) và Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đã trích xuất thành công DNA từ 2 người hóa đá như thế - một nam giới khoảng 35-40 tuổi, cao 1,64 m và một phụ nữ hơn 50 tuổi, cao 1,53 m - tại di tích "Nhà của người thợ thủ công".
Trong đó, hài cốt nam giới đã được giải trình tự toàn bộ bộ gen, còn DNA của hài cốt nữ có phần kém chất lượng hơn nên vẫn còn một số khoảng trống di truyền.
So sánh DNA của cá thể nam với DNA của 1.030 cá thể Âu - Á cổ đại khác và 471 cá thể Tây Âu cổ đại, các nhà khoa học nhận thấy anh ta có nhiều điểm tương đồng nhất với người dân miền Trung nước Ý hiện đại.
Anh ta thuộc một dòng dõi hiếm hoi có nguồn gốc xa xôi từ Đông Phi - dòng máu cũng xuất hiện nhiều trong dân cư vùng Cận Đông (Thổ Nhĩ Kỳ, Yemen, Ai Cập, Jordan, Oman, Ả Rập Saudi...) và một số đảo vùng Địa Trung Hải.
Có dấu vết di truyền của nhóm vi khuẩn mà trong đó vi khuẩn gây bệnh lao, nên rất có thể anh ta đã chịu đựng bệnh lao trước khi chết.
"Được hỗ trợ bởi lượng thông tin khảo cổ khổng lồ đã được thu thập trong thế kỷ qua từ Pompeii, những phân tích cổ sinh từ con người nơi đây sẽ giúp chúng tôi tái tạo lại lối sống của quần thể hấp dẫn này trong thời kỳ Đế chế La Mã" - giáo sư Scorrano nói.
Pompeii là một thành đô phồn thịnh với những công trình kiến trúc lộng lẫy, lối sống xa hoa của Đế chế La Mã, nhưng đã bị hủy hoại trong tích tắc bởi thảm họa núi lửa vào năm 79 sau Công Nguyên.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Scientific Reports.