Kiến tạo môi trường, chính sách thúc đẩy phát triển nền mỹ thuật Việt Nam

Huyền Văn
Tiềm năng về văn hóa và con người của Việt Nam là rất lớn. Những giá trị về văn hóa và truyền thống dân tộc ngày càng trở nên có giá trị cho các ngành sáng tạo.

Nếu sớm được hỗ trợ một cách công bằng thì khả năng đóng góp của nền kinh tế sáng tạo sẽ còn tăng trưởng ấn tượng hơn nữa. Mỹ thuật, nghệ thuật đương đại, thiết kế... sẽ là những tác nhân quan trọng cho hướng phát triển này.

Mỹ thuật tô điểm bức tranh văn hóa xã hội

Văn hóa nghệ thuật nói chung cũng như mỹ thuật nói riêng đóng vai trò to lớn trong đời sống xã hội của các quốc gia, dân tộc. Đầu thế kỷ 20, sau khi thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), cùng với việc học tập, nghiên cứu chất liệu của mỹ thuật phương Tây, các họa sĩ đã sử dụng chất liệu mới như sơn mài, lụa, bước đầu định hình một nền mỹ thuật non trẻ ở Việt Nam. Cùng với các ngành hội họa, điêu khắc, thiết kế mỹ thuật, thời trang, kim hoàn và đặc biệt là kiến trúc đã được đưa vào giảng dạy, hình thành những lớp họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà thiết kế góp phần tạo nên một đời sống mới trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ.

nlntv-mythuat-1641867398.jpg
Không gian nghệ thuật tầng hầm Nhà Quốc hội. Ảnh chụp trước tháng 4-2021. Ảnh: HÀ LÊ

Đến hiện nay, khi làn sóng tranh Đông Dương trở nên sôi động, liên tục cán mốc triệu USD tại các sàn đấu giá trên thế giới, nhiều người Việt vẫn nghĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trước đây chỉ đào tạo ra họa sĩ và nhà điêu khắc, nhưng vai trò của nhà trường thời đó lớn hơn rất nhiều. Phần lớn những ngôi “nhà Tây” ở Hà Nội bây giờ vẫn còn là niềm tự hào kiêu hãnh đều được thiết kế bởi các kiến trúc sư, các họa viên người Việt từng tốt nghiệp tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Chính vì vậy, cùng với hội họa, các ngành đào tạo khác như kiến trúc, mỹ nghệ... đã góp phần thay đổi nếp ăn, nếp ở của người dân thành thị ở các thành phố lớn của Việt Nam thời bấy giờ, dần hình thành nên một nếp sống thị dân với một thẩm mỹ mới văn minh và thanh lịch, vẫn còn giữ nguyên được giá trị và danh tiếng đến bây giờ. Còn chỉ riêng trong mảng hội họa mỹ thuật Đông Dương thì đã ảnh hưởng như một bệ đỡ vững chắc cho các giai đoạn phát triển về sau của mỹ thuật Việt Nam, cũng như ngày càng trở nên có giá trị với giới sưu tập của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây.

Đến thời kỳ chiến tranh cách mạng, mỹ thuật trở thành một công cụ chính trị sắc nhọn trên mặt trận văn hóa-tư tưởng, góp phần mạnh mẽ vào tiếng nói tuyên truyền và gợi cảm hứng cho các thế hệ tham gia sản xuất và chiến đấu. Ngoài ra, thời nào cũng luôn có những họa sĩ, nhà điêu khắc tài năng đưa được cảm xúc cá nhân của mình vào tác phẩm như: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên...

Và sau đó, thời kỳ mở cửa hội nhập đã tạo nên cú hích cho nền mỹ thuật. Trăm hoa đua nở, với một thị trường mỹ thuật phát triển rầm rộ phục vụ chủ yếu cho những nhu cầu của du khách, các chuyên gia nước ngoài tới Việt Nam. Giai đoạn này phát triển mạnh mẽ được chục năm cũng tạo nên một diện mạo mới cho mỹ thuật. Cùng với thị trường rộng mở cho dòng tranh giá vẽ, giai đoạn sau đổi mới cũng mang tới những làn gió mới của nghệ thuật đương đại, với những thử nghiệm mang tính cá nhân của những nhóm nhỏ các họa sĩ với nhiều loại hình nghệ thuật mới như sắp đặt, trình diễn, video art... mang tới một không khí hoàn toàn khác.

Sau những năm 2000, diện mạo sôi nổi của thị trường mỹ thuật mở cửa cũng bão hòa, dần định hình trở lại, đi vào chiều sâu, không còn trải rộng và manh mún như giai đoạn trước. Cùng với sự hỗ trợ của các trung tâm văn hóa nước ngoài, những không gian nghệ thuật thực nghiệm của các nhóm nghệ sĩ dần hình thành. Một số nghệ sĩ Việt kiều có tên tuổi trở về Việt Nam góp phần dần định hình các thực hành nghệ thuật đương đại của các nghệ sĩ trẻ trong nước. Trong khoảng chục năm trở lại đây, các không gian nghệ thuật đương đại và thực hành nghệ thuật thực nghiệm tuy không nhiều nhưng cũng góp phần định danh nghệ thuật đương đại Việt Nam trên bản đồ nghệ thuật thế giới.

Có thể nói, trải qua khoảng một thế kỷ hình thành và phát triển, khái niệm mỹ thuật ở Việt Nam cùng với sự vận động của lịch sử nghệ thuật trên thế giới đã có những sự thay đổi và mở rộng về quan niệm. Không còn chỉ đóng khung với những chất liệu và tư duy thực hành tranh giá vẽ đơn thuần như thời đầu thế kỷ 20, tạo hình truyền thống trong mỹ thuật đã mở rộng với tạo hình đa phương tiện, đồng thời có một sự chuyển dịch trong vấn đề thực hành liên ngành kết hợp với các lý thuyết của các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Điều này khiến cho thực hành mỹ thuật và nghệ thuật ngày hôm nay dần trở thành các thực hành về tri thức, chứ không đơn thuần là những thực hành trong ngành hẹp như trước đây. Biên độ thực hành của mỹ thuật còn mở rộng sang cả những hoạt động mang tính xã hội hay tác động vào các yếu tố cảnh quan và môi trường cũng như cộng đồng cư dân như những dự án nghệ thuật công cộng hay dự án nghệ thuật cộng đồng. Có nghĩa là, ngoài các thực hành mang tính truyền thống, hoạt động mỹ thuật/nghệ thuật hiện nay còn muốn hướng tới đối tượng chính là con người trong cộng đồng bằng các dự án mang tính gợi mở và đánh thức các tương tác xã hội thông qua nghệ thuật. Nghệ thuật công cộng mang lại cơ hội tiếp cận nghệ thuật một cách bình đẳng hơn cho người dân. Những dự án nghệ thuật công cộng đã xóa nhòa khoảng cách giữa nghệ thuật và đời sống, biến các khu phố, khu vực kém phát triển thành những “bảo tàng nghệ thuật” ngoài trời, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Xây dựng, thực hiện cơ chế hỗ trợ và đồng hành đối với người sáng tạo mỹ thuật

Dường như trong một thời gian dài, các thực hành nghệ thuật đương đại ở Việt Nam cũng như các ảnh hưởng và vị thế của nó vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức. Trong những năm qua, các triển lãm lớn nhỏ ở trong nước và cả ở quốc tế của các nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại chưa được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin. Có lẽ chưa bao giờ, các nghệ sĩ Việt Nam được triển lãm trong các định chế nghệ thuật quốc tế như các triển lãm nghệ thuật thế giới tổ chức định kỳ 2 hoặc 3 năm/lần (còn gọi là Biennale và Triennale) nổi tiếng khắp thế giới nhiều như bây giờ. Các bảo tàng nghệ thuật danh tiếng trên thế giới cũng ngày càng có nhiều tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam hoặc có gốc gác Việt Nam được sưu tập. Nhưng không hiểu vì lý do gì những câu chuyện này trong suốt gần 2 thập kỷ qua vẫn không hề có một báo cáo, nghiên cứu nào mang tính chính thống hay chí ít được nhắc tới nhiều trên phương tiện truyền thông.

Nguyên nhân có lẽ vẫn còn khá nhiều định kiến với thực hành nghệ thuật đương đại. Trong hệ thống các trường đào tạo mỹ thuật ở nước ta, các lý thuyết về nghệ thuật đương đại vẫn chưa được đưa vào giảng dạy một cách chính thống. Trong hệ thống hội mỹ thuật của nước nhà, các thực hành hay thảo luận về nghệ thuật đương đại, nghệ thuật đa phương tiện cũng thiếu vắng.

Gần đây, nghệ thuật đương đại xuất hiện một cách đầy ấn tượng trong không gian 1.500m2 dưới hầm Nhà Quốc hội, đối thoại với lịch sử và các giá trị di sản văn hóa truyền thống của Việt Nam. Nghệ thuật đương đại cũng tìm cách kết nối với đời sống cộng đồng bằng các dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng và dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), dùng nghệ thuật sắp đặt tái chế ngoài trời như một cách đánh thức ý thức cộng đồng về cảnh quan và môi trường... Còn rất nhiều dự án nghệ thuật đương đại của các nghệ sĩ vẫn đang tiếp tục âm thầm đóng góp vào đời sống thẩm mỹ của xã hội theo nhiều cách khác. Những thực hành nghệ thuật như vậy có lẽ cần được nhìn nhận một cách cởi mở hơn để giúp cho công chúng có một cái nhìn toàn cảnh và khách quan hơn về vai trò của mỹ thuật/nghệ thuật đương đại trong đời sống xã hội.

TP Hà Nội đã ký kết tham gia hệ thống các thành phố sáng tạo trên thế giới, sự hội nhập về văn hóa và các tiêu chuẩn toàn cầu vừa thúc đẩy sự sáng tạo của những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, đồng thời cũng tạo nên sức ép về thay đổi cơ chế quản lý văn hóa để tạo đường băng rộng cho sự sáng tạo được phát triển, thăng hoa. Trong những năm tới, thách thức từ việc phải thay đổi còn nhiều hơn nữa, khi hệ thống quản lý và vận hành về văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam chưa theo kịp sự phát triển và thay đổi của thế giới từ nhiều năm nay, thậm chí có lúc chưa tạo động lực cho sự phát triển lành mạnh. Cơ chế kiểm soát và quản lý cần sớm chuyển sang cơ chế hỗ trợ và đồng hành với người sáng tạo mỹ thuật. Nguồn lực cũng cần sớm có cơ chế tiếp cận một cách công bằng hơn cho nhóm những người tham gia trong ngành công nghiệp sáng tạo không khói này.

Tiềm năng về văn hóa và con người của Việt Nam là rất lớn, những giá trị về văn hóa và truyền thống dân tộc ngày càng trở nên có giá trị cho các ngành sáng tạo. Nếu sớm được hỗ trợ một cách công bằng thì khả năng đóng góp của nền kinh tế sáng tạo sẽ còn tăng trưởng ấn tượng hơn nữa. Mỹ thuật, thiết kế... sẽ là những tác nhân quan trọng cho hướng phát triển này. Hy vọng chúng ta sẽ sớm được chứng kiến sự xuất hiện của các bảo tàng nghệ thuật đương đại tư nhân cũng như của Nhà nước, cùng nhiều công trình nghệ thuật công cộng/cộng đồng trong các không gian đô thị, góp phần nâng cao thẩm mỹ và đời sống văn hóa cho người dân, cũng như nâng cao được sức hút cho nền mỹ thuật và nền công nghiệp văn hóa của Việt Nam.

Thạc sĩ, họa sĩ, giám tuyển NGUYỄN THẾ SƠN, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam