Không phân biệt đối xử đối với lao động nữ

Đây là thông tin quan trọng được chia sẻ trong chuyên đề "Những quy định đối với lao động nữ, bảo đảm bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động và An toàn sức khỏe phụ nữ trong thời kỳ Covid-19".
nlntv-1656922427948-1656949368.jpg
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho rằng, bản thân phụ nữ trước hết phải tự chăm sóc mình, sau đó là chăm sóc gia đình, cống hiến cho xã hội.

Chương trình được tổ chức bởi Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) trong "Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2022" tại TPHCM ngày 4/7.

Chủ trì chương trình Bồi dưỡng có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà - Ủy viên ban cán sự Đảng, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ; ông Hà Xuân Tùng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ; ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng, Trưởng đại diện văn phòng tại TPHCM của Bộ LĐ-TB&XH cùng sự có mặt của gần 100 đại biểu là thủ trưởng, phó thủ trưởng cùng chị em công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB&XH tại miền Trung, miền Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà - Ủy viên ban cán sự Đảng, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, dịch bệnh diễn ra lâu nay khiến phụ nữ phải đối mặt với rủi ro và thách thức nhiều hơn, tác động tiêu cực đến sức khỏe cá nhân. Cho nên bản thân phụ nữ trước hết phải tự chăm sóc mình, sau đó là chăm sóc gia đình, cống hiến cho xã hội.

nlntv-1656922427966-1656949421.jpg
Toàn cảnh chương trình bồi dưỡng.

Đặc trưng phụ nữ ngành là chăm chỉ, nghiêm túc nên cần phát huy ưu điểm để vận dụng sáng tạo, chủ động trao đổi thông tin phát triển công việc của mình. Mỗi chuyên đề trong chương trình bồi dưỡng giúp chị em phụ nữ giải quyết vấn đề của mình. Có kiến thức chăm sóc bản thân, gia đình và cộng đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong rằng chị em phụ nữ sẽ tiếp thu và vận dụng kiến thức vào cuộc sống, công việc. Kiến thức trong lớp bồi dưỡng chỉ ở một góc độ nào đó, chị em cần học tập thường xuyên, học từ thầy, học bạn học người dân.

Ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh trong lớp bồi dưỡng rằng, không phân biệt đối xử đối với lao động, đặc biệt là lao động nữ và thuộc giới tính LGBT. Do đó, trong Bộ luật Lao động 2019 quy định rõ người lao động có quyền không bị đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Bên cạnh đó, những thông tin về Bộ luật Lao động 2019 và văn bản quy định chi tiết; Nội dung của pháp luật lao động liên quan đến đảm bảo bình đẳng giới và lao động nữ cùng một số chính sách liên quan cũng được chia sẻ trong lớp bồi dưỡng.