Hồ sơ mật: Hội thảo khoa học và thông tin tình báo - Phần 1

Huyền Văn
Ít ai biết rằng cơ quan tình báo các nước có thể dùng hội thảo khoa học quốc tế để thu thập thông tin tình báo, nhằm triệt tiêu tiềm lực phát triển của các đối thủ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh.

Trên thực tế, cơ quan tình báo của các nước, đặc biệt là trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, thường thực hiện nhiều thủ đoạn để triệt tiêu tiềm lực mọi mặt của các đối thủ và đối thủ tiềm năng. Các thủ đoạn này không còn mấy xa lạ, thậm chí nhiều trong số đó đã được Hollywood đưa lên màn bạc. Tuy nhiên, có một phương thức vốn được các cơ quan tình báo thực hiện lâu nay nhằm làm suy yếu nguồn lực tri thức của các quốc gia đối thủ mà ít ai để ý tới, thậm chí ngay cả người trong cuộc: Sử dụng hội thảo khoa học quốc tế để lôi kéo các nhà khoa học rời bỏ đất nước họ và về làm việc cho mình.

nlntv-gian-diep-khoa-hoc-1661384529.jpg
Cơ quan tình báo nhiều quốc gia thường xuyên tiến hành các chiến dịch nhằm thu thập thông tin khoa học và lôi kéo các nhà khoa học của nước khác về làm việc cho mình. Ảnh: The Wall Street Journal.

Hội thảo khoa học - chiến lược lâu dài

Khó có thể khẳng định được trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ 2, Mỹ, Liên Xô cũ và các quốc gia khác có sử dụng hội thảo khoa học để lôi kéo các nhà khoa học về với mình hay không. Tuy nhiên, chắc chắn rằng chiến lược thu hút nhân tài từ phía đối phương hoặc ngăn chặn nhân tài rơi vào tay đối phương đã được tiến hành ngay từ thời đó. Những nhà bác học như Albert Einstein nổi tiếng với “Thuyết tương đối” cùng nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu về vũ khí nguyên tử thời đó là một ví dụ. Bằng cách nào đó, những nhà khoa học này đã rời khỏi đất nước mình, tập trung lại ở Mỹ, và kết quả là 2 quả bom A đã ra đời, thả xuống Nhật Bản ngay vào lúc chiến tranh chuẩn bị kết thúc. Theo số liệu thống kê, từ 1945 đến 1959, CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ) đã tiến hành Chiến dịch Paperclip (chiếc kẹp giấy), đưa về Mỹ hơn 1.600 nhà khoa học với mục đích chính là nghiên cứu vũ khí và phát triển công nghệ chinh phục vũ trụ trong cuộc chạy đua vũ trang với Liên Xô cũ.

Hiện nay, hội thảo khoa học quốc tế lại đang được cơ quan tình báo các nước sử dụng như một công cụ nhằm sàng lọc, tiếp cận đối tượng và tiến hành các biện pháp lôi kéo. Minh chứng rõ ràng cho điều này là việc CIA đã tiêu tốn hàng triệu USD để tổ chức các cuộc hội thảo trên khắp thế giới chỉ với mục đích lôi kéo sự chú ý của các nhà khoa học hạt nhân của Iran, khiến họ bước chân ra khỏi lãnh thổ của mình và tham dự các cuộc hội thảo như thế. Nói cách khác, quá trình phát triển năng lượng hạt nhân của Iran, dù là vì mục đích nào, đã bị làm chậm lại khi một số nhà khoa học của họ đã bị dụ dỗ rời khỏi đất nước nhờ vào “tính chất quốc tế” trong công việc của giới học giả. Tất nhiên là phần lớn các nhà khoa học khi tới các cuộc hội thảo đều không hề biết rằng mình đang đóng một vai trong “vở kịch tình báo” mà ở đó vấn đề chuyên môn chẳng có ý nghĩa gì nhiều.

hoi-thao-quoc-te-1661384564.jpg
Một diễn giả đang thuyết trình tại một cuộc hội thảo quốc tế do Globalexpo-net tổ chức. Ảnh: Globalexpo-net.

Tầm quan trọng của một cuộc hội thảo khoa học quốc tế không chỉ được đánh giá ở việc nó lôi kéo được sự có mặt của bao nhiêu học giả đoạt giải Nobel hoặc giải thưởng của Đại học Oxford, mà còn ở số lượng các điệp vụ tham gia hội thảo. Điệp vụ các nước tìm đến các hội thảo khoa học quốc tế chỉ với cùng một lý do: “Săn đầu người”. Đó là bởi nếu “gõ cửa” các trường đại học, các cơ quan tình báo chỉ có thể tiếp cận được một hay hai giáo sư có chút quan tâm đến hoạt động gián điệp. Nhưng ở một cuộc hội thảo quốc tế có danh tiếng như về công nghệ máy bay không người lái chẳng hạn thì họ có thể tiếp cận tới hàng chục giáo sư đầu ngành.

Trong các chiến dịch của mình, một số cơ quan tình báo của các nước không chỉ phải chi rất nhiều tiền bạc mà còn tốn rất nhiều công sức để tiếp cận giới học giả thông qua các doanh nghiệp và tổ chức “bình phong” (một tổ chức được lập ra không phải để thực hiện hoạt động chuyên môn của theo danh nghĩa nó mà là để kết nối các đối tượng với cơ quan tình báo). Thông qua các tổ chức bình phong, cơ quan tình báo thường xuyên gửi người của mình tới các hội thảo khoa học quốc tế, thậm chí còn đứng ra tổ chức các hội thảo giả (sham conferences) về các lĩnh vực liên quan. Phương pháp tiến hành hết sức tinh vi, có thể đạt hiệu quả ngay cả khi đối tượng được phía đối phương kiểm soát chặt chẽ.

Khéo léo tiếp cận

Theo tiết lộ của một cựu điệp vụ CIA, mọi cơ quan tình báo của các nước trên thế giới đều tìm đến các hội thảo khoa học, tài trợ cho các hội thảo này và tìm cách lôi kéo người tham dự. Tại đó, công thức tiếp cận sẽ là: Sau những bài phát biểu quan trọng, các buổi thảo luận ở tổ và bữa tối vui vẻ, các nhà khoa học và những thành viên liên quan trở về phòng và chìm vào giấc ngủ. Khi đó, “người trong cuộc” mới bắt đầu công việc của mình. Trong trường hợp CIA tiếp cận các nhà khoa học hạt nhân Iran chẳng hạn, một điệp vụ CIA sẽ nhẹ nhàng gõ mấy tiếng lên cánh cửa căn phòng khách sạn của đối tượng cần tiếp cận. Với sự hỗ trợ của các thiết bị do thám, viên điệp vụ biết nhân viên bảo vệ và người giám sát của đối tượng đã ngủ nhưng đối tượng thì còn thức. Người ra mở cửa chính là đối tượng mà viên điệp vụ cần tiếp cận - một nhà khoa học tham gia hội thảo này.

Để tỏ rõ thiện chí, viên điệp vụ đặt tay lên ngực trái, nói: “Salam habibi” (một câu chào thân mật trong tiếng Ả-rập, ngôn ngữ của đối tượng) và không để cho đối tượng kịp hiểu việc gì đang xảy ra, anh ta nói luôn: “Tôi là nhân viên CIA. Tôi muốn đưa ông tới nước Mỹ”. Trong phút chốc, tâm trí nhà khoa học Iran ngập tràn một thứ phức cảm sợ hãi, sốc, lo lắng và cả tò mò. Những câu hỏi đại loại như: Thế còn gia đình tôi thì sao? Ông sẽ bảo vệ tôi bằng cách nào? Tôi sẽ sống ở đâu? Sống như thế nào? Làm cách nào để có visa? Tôi có thời gian để sắp xếp hành trang hay không? và điều gì sẽ xảy ra nếu tôi từ chối? liên tục hiện lên trong đầu nhà khoa học bị tiếp cận.

Đoán biết được suy nghĩ và phản ứng của nhà khoa học này, viên điệp vụ nói nhỏ: “Trước hết, ông hãy lấy xô đựng nước đá ra đây. Trong trường hợp người giám sát tỉnh dậy, ông có thể bảo họ rằng ông đi lấy đá”. Với nỗi sợ mơ hồ bị người giám sát bắt gặp và bị nghi ngờ ngay cả khi không có gì mờ ám, nhà khoa học nhanh chóng với tay lấy chiếc xô đựng nước đá và bước ra ngoài. Công tác tiếp cận thế là đã thành công. Việc còn lại chỉ là thuyết phục đối tượng, mà điều này thì những các điệp vụ tình báo là những tay lão luyện...

(Còn nữa...)