Hà Nội lo quá tải nhân lực y tế

Lương Đàm
Tại phiên chất vấn HĐND TP.Hà Nội, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Bình đặt câu hỏi về dự báo tình hình dịch sắp tới sẽ ra sao trước nguy cơ biến chủng mới Omicron, cũng như giải pháp quản lý F1, điều trị F0 tại nhà thế nào để tránh gây quá tải nhân lực, thuốc điều trị?
bs-ubuy-1639145578.jpg

Về vấn đề này, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết từ ngày 11.10 tới nay, số ca mắc tăng cao, cao điểm nhất là ngày 6.12 với 774 ca. “Dự báo tình hình số ca tiếp tục tăng cao, khoảng 1.000 ca/ngày; dịch lan trong cộng đồng, lây nhiễm cao tại tất cả quận, huyện, có thể có cả biến chủng Omicron…”, bà Hà nêu và khẳng định TP đã có giải pháp đáp ứng điều trị 100.000 ca bệnh.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế thừa nhận: “Hệ thống y tế cơ sở vừa qua thực hiện nhiều nhiệm vụ, nay lại thêm quản lý các trường hợp cách ly, điều trị tại nhà. Mỗi trạm y tế thì chỉ có 5 - 10 người mà phục vụ hàng nghìn, hàng vạn người dân; cơ sở vật chất xuống cấp; nhân lực không thu hút được người có trình độ cao. Quá tải về nhân lực, không đáp ứng được về nhân lực”.

Còn ĐB Vũ Bích Hiền nêu ra việc nhiều phụ huynh còn băn khoăn về rà soát, kiểm tra các tiêu chí an toàn khi cho học sinh đi học trở lại, trong khi nhiều trường ở huyện còn thiếu nhân viên y tế. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thế Cương, số liệu thống kê cho thấy, toàn TP thiếu 423 nhân viên y tế trường học, riêng khối THCS thiếu 88 người, do từ năm 2015, TP tạm dừng tuyển dụng nhân viên y tế tại trường học công lập. Sở GD-ĐT đã đề xuất phối hợp với Sở Nội vụ tiếp tục tuyển dụng nhân viên y tế trường học, nếu không thì được ký hợp đồng với các nhân viên y tế có trình độ chuyên môn. Hiện, sau thời gian thí điểm đi học trực tiếp ở khối 9 và 12 trên địa bàn TP, đến nay đã có 64.000 học sinh đi học đảm bảo an toàn.

Trước chất vấn của nhiều ĐB về quá trình triển khai các dự án (DA) còn chậm, Giám đốc Sở TN-MT Bùi Duy Cường cho biết trong số 379 DA chậm triển khai theo báo cáo giám sát của HĐND TP, có 30 DA kiến nghị thu hồi, nhưng đến nay mới thu hồi 10 DA. Nguyên nhân do chính sách đất đai thay đổi, nhiều chủ đầu tư không phối hợp với chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng và cố tình chây ì, để không phải nộp nghĩa vụ tài chính.

Trong tháng 10.2021, Sở TN-MT đã tham mưu để TP ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra các DA chậm triển khai trên địa bàn H.Mê Linh. Qua rà soát, Sở dự kiến thu hồi 15 DA quy mô 51 ha. Tới đây sẽ tiếp tục thanh kiểm tra một số quận, huyện đang nóng tình trạng DA chậm như: Quốc Oai, Thanh Oai, Hoàng Mai.

Liên quan công tác đầu tư, Thường trực HĐND TP.Hà Nội cũng đánh giá, tỷ lệ hiện thực hóa các DA còn thấp. Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng phê duyệt, TP sẽ có 17 khu xử lý chất thải. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải Xuân Sơn là đang hoạt động. Nhiều DA xử lý chất thải đã được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc là đã dừng, hoặc chậm triển khai.