Giải bài toán thiếu trường THPT công lập ở các thành phố lớn

Năm học 2024 – 2025, Hà Nội có hơn 51.000 học sinh không có chỗ vào trường THPT công lập. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục của Quốc hội đã chia sẻ với phóng viên báo Tin tức.
nlntv-maihoa-1711794418.jpg
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội. Ảnh: Trung Nguyên

Phụ huynh xếp hàng dài để tìm chỗ học cho con tại các trường công lập, trường dân lập có tiếng... là tình trạng kéo dài trong nhiều năm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa bàn có khu đô thị, khu công nghiệp. Theo bà, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Nguyên nhân đầu tiên là vấn đề cung – cầu. Tức là nhu cầu cho con em học hết phổ thông rất lớn, nhưng do THPT không phải là bậc học phổ cập, nên hệ thống trường THPT công lập chỉ đáp ứng được khoảng từ 60 đến trên 70% học sinh tuyển vào lớp 10. Như vậy là hằng năm sẽ có khoảng là từ 30 - 40 % học sinh sẽ không có chỗ học trong các trường THPT công lập.  

Nguyên nhân thứ hai là chúng ta đang thực hiện chủ trương phân luồng sau THCS, theo đó, ngoài tiếp tục học lên THPT, học sinh sẽ có nhiều hướng lựa chọn khác: Học Trung tâm giáo dục thường xuyên, học trung cấp nghề… Tuy nhiên, tâm lý của nhiều phụ huynh vẫn là mong muốn cho con học hết chương trình phổ thông.  

Nguyên nhân thứ ba là các điều kiện bảo đảm ở hệ thống trường THPT công lập khá tốt, do được đầu tư từ ngân sách; trong khi sự chênh lệch về học phí giữa trường công lập và ngoài công lập thường rất lớn. Mong muốn cho con được vào học trường công lập để có mức học phí phù hợp hơn là nguyện vọng chính đáng, đặc biệt với những gia đình khó khăn về kinh tế.  

Rõ ràng, khi xu hướng gia tăng dân số cơ học ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ngày càng cao, thì áp lực về thiếu trường công lập sẽ ngày càng tăng. Mặc dù Hà Nội đã cho rà soát, có những giải pháp như tách trường lớp và tăng sĩ số lớp. Nhưng chỉ là giải pháp tạm thời trước tình thế hiện nay.  

Vậy giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để tình trạng này là gì, thưa bà?  

Tôi cho rằng đây thực sự là bài toán khó và nếu chúng ta chỉ giải quyết bằng cách tăng lớp, tăng sĩ số học sinh, thì là giải pháp ngắn hạn, trước mắt.  

Về lâu dài, trước hết cần tính đến vấn đề quy hoạch tổng thể, đồng bộ. Với các thành phố lớn, quy hoạch về phát triển các khu đô thị phải đồng bộ với các dịch vụ về giáo dục, y tế để đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe của người dân.  

Thứ hai, cần hoàn thiện hệ thống dữ liệu để có sự điều tiết hợp lý trong đầu tư cho giáo dục. Chẳng hạn, khu vực nông thôn hiện đang có xu hướng sáp nhập trường, lớp do số lượng lao động dịch chuyển từ nông thôn đến thành phố lớn ngày càng nhiều; kéo theo nhu cầu dịch vụ giáo dục cũng đang chuyển dần về khu vực đô thị.  

Do đó, cần tính đến giải pháp điều tiết biên chế giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp từ khu vực nông thôn về khu đô thị. Có nghĩa là cần phải có hệ thống dữ liệu để phân tích, dự báo một cách kỹ lưỡng mới giải được bài toán này.  

Thứ ba, là câu chuyện phân luồng. Đây là một chủ trương đúng; ở các nước phát triển, vấn đề phân luồng không khó. Cần thuyết phục người dân hiểu rằng con em mình không chỉ có một con đường duy nhất học qua phổ thông rồi vào đại học, mà có thể học chương trình đào tạo nghề. Nhưng muốn vậy, cần có hệ thống trường nghề chất lượng và một thị trường lao động việc làm đa dạng, bảo đảm thu nhập ổn định, bền vững.  

nlntv-lop-10-1711794409.jpg
Học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10 của Hà Nội ôn tập cùng với sự hỗ trợ của các thầy cô trong nhà trường. Ảnh: Thanh Tùng/ TTXVN

Nếu để đạt chỉ tiêu phân luồng vào các trường nghề mà dùng hình thức thu hẹp cánh cửa vào các trường phổ thông công lập,“ép” học sinh chọn trường nghề sẽ không hiệu quả; thậm chí còn ảnh hưởng tới quyền được học hết bậc phổ thông của trẻ.  

Bên cạnh đó, để giảm bớt áp lực trường công, chúng ta cần thực hiện tốt hơn vấn đề xã hội hóa thông qua cơ chế chính sách Nhà nước về đất đai, về tín dụng để phát triển hệ thống các trường THPT ngoài công lập với các phân khúc khác nhau; bao gồm các trường ngoài công lập chất lượng cao thu hút những gia đình có điều kiện đầu tư; cùng với đó là hệ thống các trường ngoài công lập có mức thu học phí không quá cao so với trường công lập, có thể đáp ứng được nhu cầu của những gia đình có thu nhập thấp.  

Điều quan trọng là Nhà nước phải có trách nhiệm đầu tư cơ chế chính sách, nguồn lực để phát triển hệ thống cơ sở giáo dục bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực; khuyến khích mở rộng thị trường lao động với nhiều phân khúc khác nhau, tạo nhiều cơ hội về việc làm và thu nhập ổn định. Đồng thời làm tốt công tác truyền thông để thay đổi cách tiếp cận, thay đổi nhận thức của mỗi gia đình, mỗi người dân về giáo dục – đào tạo, về lao động việc làm.  

Tôi cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của các địa phương, trách nhiệm của mỗi cơ sở giáo dục, mỗi gia đình , mới có thể giải quyết được một cách căn cơ tình trạng áp lực đầu vào lớp 10 bậc THPT công lập như những năm vừa qua.

Vậy Ủy ban Văn hóa Giáo dục đã có những hành động cụ thể như thế nào, để những giải pháp căn cơ vừa nêu trên được hiện thực hóa, thưa bà?  

Trong thời gian qua, chúng tôi đã tập trung nhiều vào công tác giám sát để nắm bắt việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật đối với lĩnh vực giáo dục. Một số khó khăn, vướng mắc đã bộc lộ qua công tác giám sát. Chẳng hạn như vấn đề dự báo nhu cầu về chỗ học.

Theo số liệu thống kê, đến ngày 1/6/2023, dân số TP Hồ Chí Minh là gần 8,9 triệu người, nếu tính cả những người cư trú không đăng ký hộ khẩu, dân số của Thành phố thực tế lên đến gần 14 triệu người. Như vậy là số liệu chưa phản ánh được thực tế tình hình dân cư, khó có thể dự báo đúng nhu cầu để quy hoạch trường lớp, bảo đảm đủ chỗ học cho bậc mầm non và phổ thông.

Qua kết quả giám sát việc triển khai thực hiện Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Ủy ban đã có nhiều kiến nghị, đề xuất gửi Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước và các địa phương.  Đồng thời, Ủy ban tham gia hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về giáo dục, trong đó ưu tiên đầu tư ngân sách, chính sách tín dụng, chính sách học phí; vấn đề thể chế hóa chủ trương xã hội hóa giáo dục với chính sách ưu đãi về thuế, đất đai để tạo điều kiện phát triển hệ thống các trường ngoài công lập…để có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập của học sinh.

Trân trọng cảm ơn bà!

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương, trên địa bàn Hà Nội hiện có nhiều loại hình trường đáp ứng nguyện vọng học tập đa dạng của học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo đã và đang tiếp tục tham mưu thành phố triển khai nhiều giải pháp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu học tập của 100% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.