Giá vàng trong nước hôm nay
Giá vàng các thương hiệu trong nước tiếp đà tăng vượt 81 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng các thương hiệu được niêm yết cụ thể như sau:
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết ở mức 79 triệu đồng/lượng mua vào và 81,02 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC được điều chỉnh tăng 100.000 đồng ở cả 2 chiều.
Trong khi đó, DOJI tại khu vực Hà Nội đã điều chỉnh tăng giá vàng miếng thêm 200.000 đồng ở cả 2 chiều lên lần lượt 79 triệu đồng/lượng mua vào và 81 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội.
Giá vàng Vietinbank niêm yết ở mức 79 triệu đồng/lượng mua vào và 81,02 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 100.000 đồng ở cả 2 chiều. Vàng miếng thương hiệu PNJ đang mua vào mức 79,1 triệu đồng/lượng và bán ra mức 81,1 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng chiều mua và 200.000 đồng chiều bán so với rạng sáng qua.
Giá mua và giá bán vàng thương hiệu Bảo Tín Minh Châu đang lần lượt là 79 triệu đồng/lượng và 80,95 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 chiều mua và 150.000 đồng chiều bán.
Giá vàng thế giới hôm nay
Giá vàng thế giới tăng mạnh với vàng giao ngay tăng 38,8 USD lên 2.233 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.254,8 USD/ounce, tăng 61,4 USD so với rạng sáng qua.
Giá vàng đạt mức cao kỷ lục trong ngày 28-3 (giờ Mỹ) và ghi nhận tháng hoạt động tốt nhất trong hơn 3 năm nhờ được thúc đẩy bởi kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Mỹ và nhu cầu trú ẩn an toàn mạnh mẽ. Vàng giao ngay đã tăng gần 2%, đánh dấu tháng tốt nhất kể từ tháng 7-2020 với mức tăng 9% và là quý tăng thứ 2 liên tiếp.
Chiến lược gia hàng hóa Daniel Ghali của TD Securities đánh giá các nhà giao dịch đang có vị thế tốt và dự báo vàng có thể tăng hơn nữa nếu thị trường bắt đầu kỳ vọng chu kỳ cắt giảm sâu hơn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ghali nói thêm rằng, kim loại quý này có khả năng giữ được mức cao này trong thời gian ngắn trước khi sức mua cạn kiệt.
Nói về mức tăng đột biến của vàng vừa qua, chuyên gia phân tích thị trường Everett Millman của Gainesville Coins cho rằng, vàng bứt phá là nhờ được thúc đẩy bởi lo ngại căng thẳng địa chính trị. Millman nói thêm, mặc dù có một số dấu hiệu cho thấy lạm phát đang nóng hơn mức các nhà hoạch định chính sách mong muốn, nhưng điều đó không nhất thiết giải thích cho việc định giá vàng cao như hiện nay.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Darin Newsom của Barchart cho biết, đợt tăng của vàng vừa qua là tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư lo lắng rằng Fed sẽ không thể kiểm soát lạm phát. Newsom cũng cho rằng, vàng sẽ được hỗ trợ tốt như một công cụ phòng ngừa rủi ro địa chính trị.
Mặc dù vàng kết thúc tuần giao dịch rút ngắn một cách tích cực nhưng một số chuyên gia khác cho rằng, rủi ro đối với kim loại quý này vẫn còn phía trước khi tuần tới vàng sẽ phản ứng với dữ liệu lạm phát và đón nhận báo cáo việc làm. Hiện tại, giới đầu tư đang chờ đợi báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE) của Mỹ sẽ công bố vào ngày 29-3 (giờ Mỹ). Dữ liệu được kỳ vọng sẽ cung cấp cho thị trường thêm manh mối về thời điểm xoay trục chính sách của Mỹ. Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch hiện đang định giá 64% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6.
Với giá vàng trong nước tiếp đà tăng và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.233 USD/ounce (tương đương gần 67,2 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được rút ngắn xuống khoảng gần 14 triệu đồng.