Giá vàng hôm nay (1/8): Vàng trong nước gần như đứng yên

Huyền Văn
Thị trường vàng thế giới và trong nước trầm lắng khi chờ đợi các dữ liệu. Vàng thế giới giữ trên 1.960 USD/ounce. Trong nước, vàng giao dịch trên 67 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước hôm nay

Rạng sáng hôm nay, giá vàng miếng trong nước gần như đứng yên và duy trì trên 67 triệu đồng/lượng bán ra.

Cụ thể, giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội niêm yết ở mức 66,55 triệu đồng/lượng mua vào và 67,25 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào mức tương tự nhưng bán ra thấp hơn 50.000 đồng so với khu vực Hà Nội, không đổi so với rạng sáng ngày trước đó.

Vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang mua vào mức 66,65 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67,27 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng ngày trước đó, giá vàng SJC được chiều chỉnh tăng 100.000 đồng ở chiều mua nhưng giữ nguyên mức giá ở chiều bán.

Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 66,6 triệu đồng/lượng mua vào và 67,2 triệu đồng/lượng bán ra, không đổi so với rạng sáng ngày trước đó. Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh tăng 130.000 đồng ở chiều mua và 10.000 đồng ở chiều bán lên lần lượt 66,68 triệu đồng/lượng và 67,23 triệu đồng/lượng.

nlntv-gia-vang-the-gioi-1-8-1690846510.jpg
Vàng trong nước gần như đứng yên (Ảnh: Getty Images)

Giá vàng thế giới hôm nay

Giá vàng thế giới rạng sáng hôm nay nhích nhẹ với vàng giao ngay tăng 4,4 USD lên 1.965,5 USD/ounce. Vàng tương lai tháng 12 giao dịch lần cuối ở mức 2.009,2 USD/ounce, tăng 9,3 USD so với rạng sáng ngày trước đó.

Thị trường vàng thế giới trong phiên giao dịch đầu tuần tương đối trầm lắng khi thiếu các thông tin thúc đẩy thị trường. Hiện tại, giới đầu tư đang chờ đợi báo cáo việc làm trong tháng 7 để có thêm manh mối về lộ trình chính sách tiền tệ tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Con số bảng lương phi nông nghiệp dự kiến sẽ tăng lên 200.000 việc làm, so với mức tăng 209.000 trong báo cáo tháng 6.

Thời gian gần đây, với các dữ liệu kinh tế khả quan, vàng tiếp tục giữ mức hỗ trợ vững chắc quanh mức 1.950 USD/ounce. Mặc dù vậy, người đứng đầu bộ phận chiến lược tài sản thực của Viện đầu tư Wells Fargo, cho rằng, cần phải có thêm chất xúc tác để đẩy kim loại quý này lên mức cao kỷ lục.

Có thể thấy rằng thị trường kim loại quý đang bế tắc khi các nhà đầu tư tiếp tục tập trung vào các chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và nguồn cung tiền của nước này giảm mạnh. Dù vậy, với việc Fed sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt, vàng có thể sắp đạt đỉnh của một thị trường giá lên dài hạn.

Chuyên gia này nói rằng, việc Ngân hàng Trung ương Mỹ bắt đầu bơm tiền trở lại thị trường tài chính để giữ cho nền kinh tế không rơi vào suy thoái chỉ là vấn đề thời gian. Lúc đó, lo ngại sẽ gia tăng trên thị trường và đẩy vàng đi lên.

Do hâm hụt của Mỹ đã tăng hơn 1 nghìn tỷ USD trong 2 tháng qua kể từ khi chính phủ nước này giải quyết cuộc khủng hoảng trần nợ vào đầu tháng 6. Đây sẽ là thông tin đáng chú ý trước thềm cuộc bầu cử tại Mỹ vào tháng 11/2024. Càng nhiều chính trị gia nói về thâm hụt chi tiêu, thì càng có nhiều người nhận ra môi trường này không bền vững như thế nào. Trong môi trường đó, vàng là 1 lựa chọn hàng đầu để bảo vệ tài sản.

Một yếu tố tiềm năng khác thúc đẩy đà phục hồi của vàng là sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ. Fed có thể sẽ buộc phải mở rộng bảng cân đối kế toán khi các ngân hàng nhỏ hơn trong khu vực tiếp tục cảm thấy áp lực của nền kinh tế suy yếu, tình trạng phá sản doanh nghiệp gia tăng và điều kiện thị trường tài chính thắt chặt hơn do lãi suất tăng.

Với giá vàng trong nước gần như đứng yên và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 1.965,5 USD/ounce (tương đương gần 56,5 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng gần 11 triệu đồng/lượng.

Huyền Anh (TH)