Độc đáo nghề làm gốm ở xã miền núi Mường Chanh

Đinh Thảo
Từ lâu, đất Mường Chanh (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) được biết đến với nghề làm gốm nổi tiếng khắp vùng, những chiếc chum, vại tuổi đời hàng chục năm còn nguyên vẹn, không nứt vỡ. Người dân thường dùng để cất giữ lương thực, thực phẩm, đồ dùng trong nhà, một nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái vùng cao mà ít nơi nào có.
nghe-lam-chum-2-1683169755.jpg
Những chiếc chum cổ - biểu tượng của làng nghề làm chum ở Mường Chanh vẫn được người dân sưu tầm, lưu giữ

Trong tiết trời ấm áp những ngày đầu xuân, chúng tôi được dịp đến Mường Chanh (Mai Sơn), vùng đất cư trú lâu đời của đồng bào dân tộc Thái để tìm hiểu nét đẹp nghề làm gốm cổ xưa nổi tiếng một thời. Vượt quãng đường hơn 20 km từ thành phố Sơn La, băng qua những vạt nương cà phê xanh ngát hút tầm mắt như tấm lụa xanh phủ kín sườn đồi, ngọn núi. Đặt chân đến đất Mường Chanh như có một sự hấp dẫn kỳ lạ, phía trước hiện ra là một cánh đồng lúa mới được gieo mạ đang bắt đầu lên xanh. Được chiêm ngưỡng và đắm mình trong bầu không khí yên bình nơi đây, khiến bao mệt mỏi sau chặng đường dài như tan biến.

Người dân nơi đây kể rằng, sâu phía dưới những thửa ruộng chứa một loại đất sét mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất này, vừa mềm, vừa dẻo mà ít nơi nào có. Người dân bản địa lấy thứ đất này để làm gốm sứ, nó rất bền và chắc. Trong cuộc sống sinh hoạt, người Thái Mường Chanh họ đã dùng loại đất này nhào nặn, sáng chế ra những chiếc chum, vại kích thức to cỡ vài người ôm làm dụng cụ cất đồ dùng, bảo quản lương thực thực phẩm… để tránh sự phá hoại của côn trùng, chuột, gián và ẩm ướt... từ đó sinh ra nghề làm gốm ở Mường Chanh.

Dạo quanh các bản hỏi về chuyện làm gốm, ai nấy đều biết và nhiệt tình kể, nhất là các cụ cao niên. Mọi người nói rằng, nghề làm gốm của người Thái ở Mường Chanh có từ nhiều đời trước truyền lại. Trước đây, nhà nào cũng có người biết làm, đàn ông, đàn bà, già trẻ… đều biết. Mới đầu, người dân làm phục vụ sinh hoạt trong gia đình, sau rồi người dân ở các địa phương cũng biết và họ mang đồ đạc, tiền bạc đến trao đổi như: Vải lụa, con gà, lợn, rồi dần trở thành hàng hóa.

nghe-lam-chum-1-1683169755.jpg
Một mẻ chum vừa mới ra lò được chính bàn tay của những người kinh nghiệm trong bản làm ra

Ông Hoàng Văn Nam, ở bản Noong Ten (Mường Chanh) người có thâm nên lâu năm làm gắn bó với nghề làm gốm nói rằng: Việc làm gốm thì người già trong bản không ai là không biết, trước đây được các ông bà truyền dạy cho. Hơn nữa, ngày trước cuộc sống thiếu thốn người dân trong bản học công việc làm gốm là để kiếm tiền nên nhà nhà làm gốm sứ. Ngày nào cũng vậy, xong công việc đồng áng tranh thủ lúc thời gian rảnh, bà con trong bản lại bắt tay vào công việc làm gốm.

Theo ông Nam, muốn có những chiếc chum, vại đẹp và bền phải làm từng bước một, từ khâu chọn đất, gia công đất, nặn, quay bàn xoay, xếp chum vào lò đến khâu nung… tất cả phải làm theo một trình tự nhất định. Quan trọng nhất trong các bước là khâu nung gốm, đây là khâu quyết định để có những chiếc gốm tốt và bền.

Cách làm gốm của người Thái Mường Chanh chủ yếu bằng thủ công, ít có sự tác động của máy móc, chính vì vậy gốm ở Mường Chanh luôn khác so với gốm vùng khác, mẫu mã, hoa văn không đẹp bằng gốm nhập nhưng không vì thế mà thiếu khách mua. Ngược lại, gốm đất Mường Chanh được rất nhiều người săn đón, ngay cả hiện tại khi nghề làm gốm đang mai một, số người làm gốm ít đi, sản phẩm gốm bây giờ không còn được như trước nhưng nhiều người vẫn tìm mua đồ gốm Mường Chanh.

nghe-lam-chum-3-1683169754.jpg
Loại đất sét người dân sử dụng để làm chum ở Mường Chanh

Để làm làm được một mẻ gốm chất lượng phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu chọn đất, lọc đất, nặn, giã… làm sao cho đất thật mềm dẻo, sau đó đem nặn thành khuôn rồi cho vào lò nung. Nung gốm là khâu hết sức quan trọng, nó quyết định thành bại của cả mẻ gốm. Hầu hết chất đốt đều lấy cây làm củi đốt, khi nung phải giữ nhiệt độ trong lò luôn nóng ở nhiệt độ cao, nung khoảng 24 tiếng, sau đó ủ để khoảng 4 -5 ngày mới lấy gốm trong lò ra. Chính điều này nó tạo nên đặt điểm riêng biệt của gốm Mường Chanh.

Ông Cầm Văn Nhất, Chủ tịch UBND xã Mường Chanh chia sẻ: Hiện nay, người làm gốm ở Mường Chanh không còn nhiều nhưng nhiều người vẫn rất chuộng, bởi gốm Mường Chanh rất bền, nếu dùng đựng nước hoặc ngâm rượu rất tốt, mà không có gốm nơi nào sánh bằng. Bởi vậy, rất nhiều khách hàng tìm đến Mường Chanh để sưu tầm, mua gốm cổ. Thời gian tới, xã đang rất muốn khôi phục lại nghề truyền thống làm gốm thành một sản phẩm du lịch trải nghiệm thu hút du khách đến với Mường Chanh. Thực tế đã có rất nhiều người đến đây họ muốn được trải nghiệm nghề làm gốm của người dân bản địa. Điều này sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội cho xã, cũng như góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Phi Thường