Trong quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2045 có nêu rõ quan điểm là phát triển thành phố Điện Biên Phủ trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt “Chiến trường Điện Biên Phủ” cùng với đặc trưng về sinh thái, cảnh quan, môi trường, văn hóa nhân văn và cụ thể hóa các định hướng phát triển chính của quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Điện Biên - Pá Khoang.
Theo quy hoạch này, thành phố Điện Biên Phủ trong tương lai sẽ là đô thị loại II, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giữ vai trò trọng yếu về quốc phòng - an ninh của vùng Tây Bắc (vùng trung du và miền núi phía Bắc); là đầu mối giao lưu kinh tế đối ngoại và văn hóa, du lịch với các tỉnh bắc Lào, nam Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar. Đồng thời, Điện Biên Phủ cũng là thành phố du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng cấp quốc gia; trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và trung chuyển trọng điểm của khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Điện Biên, vùng Tây Bắc và vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Những điều này cũng đã được đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ đề cập trong cuộc trò chuyện với chúng tôi hồi đầu tháng 3 vừa qua, khi Điện Biên Phủ đang nỗ lực chuẩn bị cho Lễ hội Hoa Ban Điện Biên năm 2023 và Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ 7. Mới nhận nhiệm vụ tại thành phố chưa lâu nhưng nghe anh tâm sự, chúng tôi đã hiểu phần nào những trăn trở của lãnh đạo thành phố, của tỉnh Điện Biên với khát vọng xây dựng Điện Biên ngày càng phát triển xứng tầm với Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, phân tích: Nhắc Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ là cả thế giới biết đến vùng đất phên giậu của Việt Nam đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ vang danh thế giới. 69 năm qua đi, quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ nay là điểm đến thu hút du khách trong nước, quốc tế. Đó chính là lợi thế riêng của thành phố Điện Biên Phủ và tỉnh Điện Biên.
Song ngoài di tích, Điện Biên còn có lợi thế là bản sắc văn hóa các dân tộc rất đặc sắc; nhiều danh lam thắng cảnh, du lịch sinh thái và là khu vực trung chuyển của bắc Lào, Thái Lan và Trung Quốc. Xét về mặt địa chính trị là rất quan trọng bởi đây là cửa ngõ xâm nhập vào thị trường Trung Quốc bên Vân Nam và qua bắc Lào, Thái Lan, Myanmar.
Dành sự ưu tiên đầu tư cho thành phố Điện Biên Phủ với mục tiêu đến năm 2025 Điện Biên Phủ được nâng cấp lên đô thị loại II, Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển thành phố, trong đó có mấy vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển đô thị; thương mại, dịch vụ; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và chăm lo đời sống nhân dân. Và mới đây, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 408/QĐ-TTg ngày 18/4/2023 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2045, thì mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Điện Biên đã như được tiếp thêm động lực để nỗ lực thực hiện các mục tiêu xây dựng Điện Biên; xây dựng thành phố Điện Biên Phủ thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn, trở thành thành phố du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng cấp quốc gia…
Cùng với phát triển đô thị, tại Quyết định 408 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu: Phát triển thành phố Điện Biên Phủ trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt “Chiến trường Điện Biên Phủ”… Điều đó là vô cùng cần thiết, ý nghĩa trong hành trình xây dựng Điện Biên ngày càng phát triển như lời dặn dò của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp khi trò chuyện với cán bộ, nhân dân, cựu chiến binh Điện Biên năm 2004: “Tất cả cùng vươn lên cùng làm nên những Điện Biên Phủ lớn nhỏ khác về kinh tế, văn hóa, xã hội, thu hút khách quốc tế”.
Từng bước thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và mong ước của nhân dân Điện Biên, Điện Biên đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn. Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, cho biết: Trước nhất là hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2024), Điện Biên ưu tiên nguồn lực thực hiện đồng thời các dựán giao thông, đô thị trọng điểm. Với phương châm “hạ tầng giao thông đi trước”, tỉnh Điện Biên chú trọng thực hiện công tác quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Hiện nay, tỉnh ưu tiên mọi nguồn lực để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên và các tuyến giao thông kết nối các vùng động lực kinh tế của tỉnh. Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên khởi công từ cuối tháng 1/2022 là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp I, với tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỷ đồng; cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300 nghìn khách/năm lên 500 nghìn khách/năm; đảm bảo đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương. Cuối tháng 4 vừa qua, 2 gói thầu cuối cùng của Dự án đã được động thổ khởi công. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối tháng 11/2023.
Cùng với đó, tỉnh Điện Biên đang tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án hạ tầng giao thông được phê duyệt đầu tư trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, như: Dự án Cải tạo nâng cấp quốc lộ 279B, tỉnh Điện Biên (đoạn Nà Tấu - Mường Phăng) và Dự án Cải tạo nâng cấp quốc lộ 12 đoạn Km102 - Km139+650, tỉnh Điện Biên (Mường Lay - Mường Chà); Dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12, tỉnh Điện Biên; Dự án Cải tạo nâng cấp đường tỉnh ĐT.143; Dự án Cải tạo nâng cấp đường tỉnh ĐT.147. Đồng thời, tỉnh đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để thực hiện các dự án giao thông quan trọng gồm: Dự án Cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1 (thành phố Điện Biên Phủ - Nút giao Km15+800/QL279); Dự án Cải tạo nâng cấp QL279 (đoạn Điện Biên - Tây Trang) và QL4H.
Về du lịch, Điện Biên luôn xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, do vậy Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 dựa trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của ba trụ cột chính là: Du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉdưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe. Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế gắn với bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới.