Để đô thị biển Việt Nam “cất cánh”

Sở hữu bờ biển dài có nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, cùng hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ và hàng trăm bãi tắm cát trắng trải dài từ Bắc vào Nam, Việt Nam có điều kiện vô cùng thuận lợi để tạo dựng các đô thị đẳng cấp quốc tế.

Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn đang thiếu những đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị của biển. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới” vừa mới diễn ra tại Quảng Nam.

Quá nhiều dự án “treo”

Theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, việc quy hoạch xây dựng và công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch tại nước ta chưa được quan tâm đúng mức nên chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và phát triển đô thị biển.

Quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án "treo", gây lãng phí đất đai và tài nguyên biển. Phần lớn các quy hoạch cụ thể ở không gian “mặt tiền” này được thực hiện dựa trên tư duy quy hoạch đô thị biển chứ không dựa trên các nguyên tắc quy hoạch không gian du lịch biển.

Trong khi đó, việc quy hoạch không gian biển phục vụ cho mục đích du lịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển đô thị bền vững bởi các công trình này đã chiếm gần như toàn bộ “mặt tiền” hướng ra biển, thiếu sự hài hoà, thân thiện với tự nhiên và môi trường.

Một góc đô thị TP Hạ Long hôm nay. Ảnh: Internet

“Sự phát triển ồ ạt các dự án bất động sản, cho phép các chủ đầu tư xây dựng các công trình sát biển hay xu hướng tư nhân hóa bãi biển, đặc biệt những công trình kiến trúc nhà ở, thương mại cao tầng... án ngữ tầm nhìn còn tiềm ẩn nguy cơ kìm hãm và làm tổn hại cơ hội phát triển trong tương lai của đô thị. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng các vùng biển, vùng ven biển còn yếu kém, đầu tư manh mún và dàn trải, dẫn đến hiệu quả sử dụng thấp, khó tạo đột phá”, ông Chính đánh giá.

Còn theo ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trải qua hơn 30 năm khái niệm về đô thị đặc thù mới dừng lại ở việc quy định tiêu chí đối với đô thị ở miền núi, vùng cao, có đường biên giới quốc gia (loại III, IV, V) và đô thị ở hải đảo (điều 9 Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH về Phân loại đô thị) chưa có định nghĩa, tiêu chí cho đô thị biển và nhiều đô thị chuyên ngành. Đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn tới việc phát triển đô thị biển thiếu kiểm soát, lãng phí nguồn lực, thiếu tính bền vững.

Bên cạnh đó, do chưa có quy hoạch tổng thể cấp quốc gia cho phát triển đô thị biển nên các vùng đô thị hóa ven biển vẫn còn phát triển dưới tiềm năng, thiếu liên kết, còn nặng tư duy cục bộ.

Ở khía cạnh giữa các ngành kinh tế, chưa có sự thống nhất đồng bộ giữa phát triển dịch vụ cảng biển, công nghiệp ven biển với phát triển dịch vụ du lịch. Ở góc độ giữa các địa phương là cuộc “đua tranh” nếu cùng tiềm năng, lợi thế. Hậu quả là sự phân tán nguồn lực đất đai, nguồn lực con người và nguồn lực tài chính dẫn tới hạn chế khai thác tiềm năng của đô thị biển.

Trên cơ sở đó, ông Dũng kiến nghị cần sớm đưa khái niệm về đô thị biển vào trong quy định của pháp luật như là định nghĩa về đô thị đặc thù để từ đó hình thành mô hình phát triển đô thị biển bền vững; Xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cho đô thị biển trong phân loại đô thị tạo thuận lợi cho việc xác định vị trí, vai trò chức năng của đô thị biển, nhất là các đô thị biển được xác định trở thành đô thị động lực.

Việt Nam có điều kiện vô cùng thuận lợi để tạo dựng các đô thị đẳng cấp quốc tế. Ảnh: Đô thị Đà Nẵng

Cần sự kết nối vùng để phát triển

Theo chuyên gia tài chính kinh tế Đinh Trọng Thịnh, các đô thị ven biển của nước ta đều tích cực thu hút đầu tư xây dựng và phát triển nhiều khu, điểm du lịch ven biển mới và hiện đại, thu hút số lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Ở hầu hết các địa phương ven biển đã phát triển được chuỗi các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng hiện đại. Khá nhiều dự án đầu tư khu du lịch biển, đảo cao cấp, khu du lịch thể thao, giải trí ven biển có số vốn từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD.

Song thực tế cho thấy, các đô thị biển chưa thực sự trở thành trung tâm phát triển kinh tế vùng và khu vực; Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển đô thị biển với các loại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch bảo vệ môi trường với quy hoạch đô thị; Kết cấu hạ tầng đô thị biển chưa thực sự đồng bộ, thiếu cơ sở hạ tầng lớn, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh để trở thành các trung tâm kinh tế biển; Các đô thị du lịch biển còn thiếu sự kết nối cảnh quan, và các điều kiện cần thiết để phát triển du lịch.

Mặt khác, do tác động của đô thị hóa, các không gian mở trong đô thị đặc biệt các không gian xanh và không gian công cộng đô thị du lịch biển càng ngày càng bị thu hẹp và bị chia cắt, gây ảnh hưởng tới môi trường đô thị cũng như cuộc sống của người dân địa phương…

Điểm du lịch ven biển mới và hiện đại, thu hút số lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước.

Về nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhìn nhận, đại đa số các đô thị nước ta là đô thị cổ và phân bố ở ven biển. Hầu hết thường được phát triển tập trung dọc theo các tuyến đường bộ, được hình thành một cách tự nhiên, đôi khi tự phát. Các đô thị ven biển nước ta vẫn đang phát triển trên nền tảng của tư duy “đất liền”, khiến Việt Nam đang tự kìm hãm khả năng phát triển kinh tế biển, đô thị biển – thứ mà rất nhiều quốc gia trên thế giới ao ước và thèm khát.

Cũng vì lẽ đó, đô thị biển Việt Nam sau thời gian dài hình thành và phát triển, đến nay vẫn chưa ghi nhận được kết quả đáng mong đợi.