PV: Thưa ông! Vào mỗi dịp đầu năm, đặc biệt là sau giao thừa nhiều người thường đến chùa bứt cành, hoa ở chùa với quan niệm hái lộc đầu xuân sẽ mang lại may mắn. Ông nghĩ sao về điều này?
Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Phạm Huy Khang: Lộc chính là nụ đầu tiên, mầm non mới nhú. Cứ đến đêm giao thừa, nhiều người đến cổng chùa hái lộc non trên những cây có sức sống mạnh mẽ như cây sung, cây si, cây đa... Hái lộc xuân trở thành nét văn hóa lâu đời của người Việt vào mỗi dịp Tết. Với ý nghĩa "tống cựu nghênh tân", lộc non mới nhú tượng trưng cho điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình và bản thân trong năm mới. Trước nay, người Việt Nam có phong tục hái lộc với mong ước đem những điều tốt lành về cho gia đình. Tuy nhiên, trong xu hướng sống xanh toàn cầu hiện nay, tôi nghĩ việc hái lộc không còn phù hợp. Khi chúng ta đến chùa với tâm an lành, cầu mong những điều tốt đẹp nhưng lại bẻ cành cây, hái hoa thì lại đi ngược với sự an lành mà ta mong muốn rồi.
Mùa xuân là mùa của hoa, của lá nhưng nếu mùa xuân chúng ta lại phá hoa, phá lá thì giống như triệt tiêu mùa xuân rồi. Ngoài ra, chính vì quan niệm hái lộc đầu năm như vậy mà nhiều người đã chen lấn, xô đẩy dẫn đến không gian thờ tự bị lộn xộn. Cũng không ít trường hợp chen lấn đã bị “sứt đầu, mẻ trán”, sức khỏe và tính mạng bị đe dọa.
Phóng viên: Chính vì vậy, nhiều người đã thay đổi tư duy, quan niệm, đó là thay vì hái lộc như trước, họ hướng đến việc trồng cây như một cách gieo lộc. Đó là một quan điểm tốt?
Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Phạm Huy Khang: Việc đó tuyệt vời. Tất cả mọi vấn đề, mọi việc đều biến chuyển và thay đổi theo hoàn cảnh và nhận thức trong xã hội. Cách đây mấy chục năm, Bác Hồ đã phát động "Tết trồng cây". Đấy cũng là sự gợi mở cho chúng ta về một hành động đẹp trong dịp Tết đến, xuân về. Ngày xưa Bác làm vậy và ngày nay chúng ta thực hiện theo lời Bác.
Theo tôi, mỗi một ngôi chùa nên mua một số cây hoặc bản thân những người đi lễ dịp Tết nên mang theo cây xanh để vun trồng. Đó là hành động đẹp đầu năm. Chúng ta gieo điều lành thì chắc chắn sẽ gặt hái được điều lành.
PV: Theo ông, trồng cây gieo lộc nói riêng và việc gieo lộc bằng việc tốt, việc tử tế nói chung có vai trò như thế nào đối với cuộc sống, đặc biệt là trong dịp Tết đến, xuân về như thế này?
Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Phạm Huy Khang:'Gieo lộc" là một phạm trù rất lớn. Gieo lộc trồng cây chỉ là một trong rất nhiều cách gieo lộc thôi. Lộc không chỉ là tiền, cây, hoa, lá,… mà lộc đầu năm còn dành cho tất cả những điều gì tốt đẹp trong ý nghĩ và trong việc làm của chúng ta. Theo luật nhân quả thì gieo nhân nào thì gặt hái quả đó. Rõ ràng chúng ta gieo điều tốt lành vào trong xã hội thì sẽ nhận được những điều tốt đẹp. Ai cũng trồng cây thì đất nước sẽ luôn xanh - sạch - đẹp.
Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Phạm Huy Khang:Người Việt Nam mình có câu thành ngữ "Đầu xuôi thì đuôi lọt". Đầu năm chúng ta cải tạo mùa xuân một cách thuận lợi thì cả năm môi trường sẽ sạch, đẹp hơn. Nhìn nhận một cách thực tế thì “Tết trồng cây” hướng đến việc bảo vệ môi trường. Việc này không chỉ nằm trong quan niệm nữa mà đã trở thành chiến lược của cả quốc gia. Các bộ, ban, ngành,… nước ta đã và đang tiếp tục nỗ lực hưởng ứng hoạt động trồng cây nhằm cải tảo môi trường trong bối cảnh ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu đang rất nghiêm trọng. Bởi vì cây xanh có vai trò rất lớn trong điều hòa không khí, là “lá phổi” của môi trường. Tôi hi vọng rằng với suy nghĩa mới là gieo lộc trồng cây và những quan niệm mới, tư duy mới của người Việt sẽ tạo nên những điều tốt đẹp cho cuộc sống.
Phóng viên: Tôi nghĩ rằng, gieo lộc còn mang tính giáo dục, đó là hãy biết cho đi trước khi nhận lại. Còn theo sự nhìn nhận, quan điểm của ông thì sao?
Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Phạm Huy Khang: Khi chúng ta đã có quan niệm “gieo” rồi thì đừng nghĩ chúng ta phải “hái”. Theo quan niệm của nhà Phật là cứ cho đi, còn nhận lại hay không sẽ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Có những việc làm tốt hiện nay là để bù đắp lại những hành động chưa tốt trước đó. Có rất là nhiều người nghĩ: "Tôi trồng một cây thì tôi phải được một điều tốt đẹp nào chứ?". Không! Chúng ta đừng mặc cả như vậy, mà hãy cứ trồng cây đi, làm điều đó bằng sự thành tâm, chứ không mang tính chất trao đổi thì “quả ngọt” sẽ tới. Tôi nghĩ rằng cần lan tỏa quan niệm gieo lộc trồng cây trong cộng đồng, đặc biệt là thu hút sự tham gia của giới trẻ. Ngay cả các em lớp mẫu giáo, lớp một cũng cần được giáo dục về những quan niệm tốt đẹp trong xã hội. Có như vậy, khi lớn lên các em mới thấm dần ý nghĩa của quan niệm gieo lộc, từ đó tích cực trồng cây và có những cách gieo lộc ý nghĩa khác.
PV: Xin cảm ơn Chuyên gia văn hóa Phạm Huy Khang với những chia sẻ vừa rồi./.