Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả đáng ghi nhận về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Theo đó, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (GRDP) ước tính năm 2024 đạt 162,5 nghìn tỷ đồng, gấp 1,4 lần so với năm 2020; Giá trị xuất khẩu năm 2024 ước đạt 27,6 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2020; Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 1.030 nghìn tỷ đồng, tăng 31,5% so với năm 2020; Thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt trên 20.000 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2020…
Cùng với đó, các chỉ số về cải cách hành chính tỉnh Thái Nguyên năm 2023 đều được xếp hạng cao: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 2 cả nước; Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đứng thứ 2 cả nước; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đứng thứ 6 cả nước.
Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Quốc hội và Chính phủ đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, từ đó kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân. Năm 2024, hơn 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tập trung khôi phục và tăng tốc sản xuất, tăng doanh thu. Nhiều đơn vị còn đầu tư thêm dây chuyền, máy móc hiện đại, nâng cao năng suất lao động.
Trong xây dựng Nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2020 - 2023, Thái Nguyên đề ra mục tiêu có 95% số xã đạt chuẩn NTM, ít nhất 06 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và đạt chuẩn. Đến tháng 11/2024, mục tiêu có ít nhất 06 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và đạt chuẩn NTM đã được hoàn thành. Theo đó, toàn tỉnh Thái Nguyên có 118/126 xã đạt chuẩn NTM (bằng 93,7% tổng số xã). Dự kiến hết năm 2024, tỉnh có thêm 02 xã đạt chuẩn NTM, 11 xã NTM nâng cao, 02 xã NTM kiểu mẫu, 01 huyện đạt chuẩn NTM và 01 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.
Đáng chú ý, công tác thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng xã hội đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Các dự án dạ tầng giao thông trọng điểm, mang tính liên vùng, hạ tầng công nghiệp, dịch vụ và một số công trình có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế - xã hội, được triển khai nhanh và hiệu quả; các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng đang triển khai như: Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc; Dự án đường Vành đai V đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang)… Tạo được sự đồng thuận xã hội cao, mang lại nhiều hiệu ứng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội…
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm. Thái Nguyên đã tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống các cơ sở y tế bảo đảm điều kiện nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và khám chữa bệnh; chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc. Lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp được nâng lên. Hình ảnh, vị thế của tỉnh Thái Nguyên ngày càng được khẳng định.
Đặc biệt, xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay, với sự nhạy bén, chủ động và sự quan tâm sát sao của cấp ủy chính quyền các cấp, cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tỉnh Thái Nguyên là một trong những tỉnh đi đầu trong nắm bắt cơ hội từ chuyển đổi số, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Năm 2024, các cấp ngành tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai có hiệu quả và phát huy kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa trong thực hiện chuyển đổi số.
Đồng thời, đón đầu các cơ hội phát triển từ chuyển đổi số, ngày 15/11/2024 UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 2840/QĐ-UBND về việc Ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2024-2025 với 8 nhiệm vị chính là: Phát triển hạ tầng số tỉnh Thái Nguyên; Triển khai Hệ thống tổng đài 1022 kết nối người dân với chính quyền tỉnh Thái Nguyên; Nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Triển khai hệ thống Camera trên địa bàn tỉnh; Triển khai hệ thống định danh điện tử tỉnh Thái Nguyên; Triển khai hệ thống định vị (Nền tảng bản đồ số của chính quyền); Phát triển năng lực số (phát triển năng lực số cho người lao động; triển khai STEM trong giáo dục phổ thông); Ứng dụng nền tảng AI (khai thác dữ liệu).
Thực tiễn phát triển đã chứng minh rằng, với việc nắm bắt nhanh xu thế của quá trình chuyển đổi số, Thái Nguyên đã có nhiều cách làm hay, nhiều mô hình, giải pháp đã được triển khai thành công, góp phần mang lại nhiều hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền, làm thay đổi rõ nét nhận thức và hành động của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay…
Bước sang năm 2025 với nhiều thời cơ, thách thức đan xen, trong đó, Thái Nguyên cần phải tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ 2021-2025; thực hiện hiệu quả việc sắp xếp tổ chức bộ máy; tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, tạo nền tảng vững chắc để Thái Nguyên cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã đề ra, UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Địa phương sẽ tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, trong đó: Tiếp tục nâng cao vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước; Không ngừng đổi mới cách nghĩ, cách làm, tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt từ thực tiễn triển khai các nhiệm vụ; Thực hiện hiệu quả các giải pháp thu ngân sách; Tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu; xây dựng thương hiệu, quảng bá, nâng cao giá trị, chất lượng các sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên, nhất là các sản phẩm chè, hướng tới mục tiêu ngành chè Thái Nguyên sớm đạt doanh thu 1 tỷ USD. Hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu (như tiêu chuẩn xanh, xuất xứ hàng hóa…); Đẩy nhanh chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên một cách sâu rộng, toàn diện, bứt phá, nhất là xây dựng hạ tầng số hiện đại, nền kinh tế số rộng khắp, nhân lực số chất lượng cao, bảo đảm an ninh, an toàn mạng; tạo lợi thế cạnh tranh mới cho Thái Nguyên so với các địa phương khác…
Có thể thấy, nhiệm vụ của Thái Nguyên trong năm 2025 là rất lớn, đòi hỏi các cấp/ngành, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Thái Nguyên cần nỗ lực tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, quyết tâm, chung sức, đồng lòng khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025, góp phần to lớn tạo tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của cả nhiệm kỳ 2020-2025, tạo sự bứt phá trong giai đoạn 2025-2030, giúp Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ, năng động, hiện đại, bền vững…