Đây là hội thảo lần thứ 5 được đồng tổ chức bởi ĐH Đông Á và Viện AIIT, Nhật Bản, và cũng là hội thảo quốc tế lần thứ 37 được đồng tổ chức bởi ĐH Đông Á và các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức quốc tế.
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu quốc tế: Viện AIIT, Viện các vấn đề toàn cầu Musashino (Nhật Bản), Viện công nghệ Kirirom (Campuchia), các nghiên cứu viên tại các trường đại học Việt Nam và giảng viên, sinh viên ĐH Đông Á.
Hội thảo quy tụ 7 báo cáo là các nghiên cứu, phân tích về chiến lược chống biến đổi khí hậu và đề xuất các hướng tăng trưởng xanh cho phát triển bền vững ở Việt Nam.
Các nghiên cứu tập trung về AI và mô hình mới của công nghiệp hoá; nghiên cứu điển hình về sự trao quyền cho hệ sinh thái lưu vực; AIbeacon và công nghệ định danh địa lí mới; các nghiên cứu cũng đề xuất phương pháp Promethee để xếp hạng các rủi ro về an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp liên quan đến điều kiện làm việc trong các nhà máy dệt may; sử dụng các loại vật liệu sợi đa dạng để cải thiện tính toàn vẹn của cấu trúc bê tông cốt thép.
TS. Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng ĐH Đông Á cho biết, biến đổi khí hậu là một vấn đề nghiêm trọng và cấp bách, đặc biệt đối với Việt Nam, một quốc gia có bờ biển dài, đồng bằng sông ngòi phì nhiêu và nền kinh tế nông nghiệp. Biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ, giảm lượng mưa, dâng mực cao nước biển, và tăng tần suất và cường độ của các thiên tai như bão, lũ, hạn hán, sóng nhiệt, triều cường. Điều này gây ra những thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch, sức khỏe và an ninh lương thực của người dân, đặc biệt là những cư dân sống ở các vùng ven biển, đồng bằng và hải đảo.
“Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến tới một triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030. Biến đổi khí hậu cũng sẽ ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, như giáo dục, y tế, bình đẳng giới. Đòi hỏi Việt Nam phải chuyển đổi mô hình phát triển, từ một nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tài nguyên thiên nhiên, sang một nền kinh tế xanh, giảm phát thải carbon để thích ứng với biến đổi khí hậu”, TS Nguyễn Thị Anh Đào cho hay.
Cũng theo TS. Nguyễn Thị Anh Đào, để đạt được mục tiêu này cần sự thay đổi trong các chính sách, chiến lược, công nghệ, đầu tư và hành vi người dân, và do đó cần có nhiều nghiên cứu đánh giá thực trạng, đề xuất mô hình và giải pháp giúp sức cho chính phủ có những chính sách, giải pháp mang tính khoa học, thực tiễn và hiệu quả.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của các giải pháp đồng bộ chống biến đổi khí hậu, TS. Nguyễn Thị Anh Đào hy vọng các giải pháp và mô hình nghiên cứu sẽ mang lại những giá trị cho địa phương, cụ thể là Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam). Bên cạnh đó, những nỗ lực này sẽ góp phần quan trọng vào sự hiểu biết và chia sẻ kinh nghiệm trên quy mô toàn cầu.
Tại hội thảo, hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu cũng được ký kết giữa Đại học Đông Á với Viện công nghệ Kirirom, Campuchia. Theo đó, các bên thúc đẩy để cùng phát triển hợp tác về học thuật, nghiên cứu và trình bày kết quả nghiên cứu, trao đổi giảng viên, trao đổi học liệu, ấn phẩm và các thông tin khoa học khác cũng như đồng tổ chức các hội thảo quốc tế ở các chủ đề khác nhau hằng năm.
Dịp này, GS. Hidetoshi Nishimura - Viện các vấn đề toàn cầu Musashino (MIGA), Nhật Bản cũng chính thức trở thành Cố vấn danh dự trường Đại học Đông Á. Theo đó, GS. Hidetoshi Nishimura sẽ là “cầu nối” thúc đẩy hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Giáo dục Đại học Đông Á (ISSER) và Viện MIGA trong nghiên cứu và tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học; kết nối Đại học Đông Á với các đối tác Nhật Bản là các trường đại học, các tổ chức về nghiên cứu khoa học và đào tạo hàn lâm.
Được biết, hội thảo khoa học quốc tế chủ đề “Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu” lần thứ nhất cũng được diễn ra vào tháng 12/2023 với sự tham dự của các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản.