"Cú hích" nào cho ra đời những tác phẩm lý luận phê bình văn học xuất sắc?

Với tư cách một hình thái tiếp nhận-điều kiện để tác phẩm tồn tại trong lịch sử văn chương, phê bình là một thành tố tất yếu của gia đình văn học.

Để có điểm tựa vững vàng, phê bình cần đến lý luận. Để cho ý kiến sâu sắc, thuyết phục, phê bình cần đến nghiên cứu. Do vậy, nói đến phê bình là đã bao hàm cả lý luận, nghiên cứu.

Thu hái những thành quả nhất định

Một bài phê bình chỉ dựa vào ấn tượng chủ quan cảm tính, thiếu lý luận, không nghiên cứu thì “nhạt” là đương nhiên. Ở nước ta, phê bình của Hoài Thanh đã chinh phục người đọc vì đó là một tài năng đã vượt qua cái ngưỡng thông thường để “lạ thường”. Phải huy động hiểu biết lý luận đông-tây xưa nay, phải hệ thống, khảo sát, đối sánh nghiên cứu hơn cả vạn bài thơ ông mới chọn ra được một “Thi nhân Việt Nam”. Dấu ấn lý luận, nghiên cứu hằn rõ trong từng con chữ mang tính khái quát cao, cô đọng, đậm chất thơ tài hoa để lấp lánh phát sáng.

nlntv-tacphamvanhoc-1641190895.jpg

Các tác giả nhận tặng thưởng của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương trao cho công trình xuất bản năm 2020 (ảnh chụp tháng 11-2021). Ảnh: HÀM ĐAN

Nhờ công cuộc đổi mới mà sự tiếp xúc với văn chương thế giới cởi mở và đa dạng lên rất nhiều, là cơ hội lý luận phê bình văn học tiếp thu tinh hoa lý luận nước ngoài để tạo ra sự đa diện, đa sắc cần khẳng định. Trước năm 1986, lý luận hướng về các giá trị cổ điển (Nghệ thuật thi ca của Aristote, Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp, mỹ học cổ điển Đức, triết học Chủ nghĩa Mác...). Những năm gần đây, hầu hết các tên tuổi lớn đều được giới thiệu như: V.I.Propp, M.Bakhtin, R.Jakobson, M.Lotman, M.Foucault, R.Barthes, J.Derrida, G.Genette, S.Freud, C.G.Jung, M.Heidegger... Nhìn chung, cả 8 khuynh hướng, trường phái lý thuyết: Hình thức Nga, Phê bình mác-xít, Phê bình mới, Chủ nghĩa cấu trúc và ký hiệu học, Chủ nghĩa hậu cấu trúc, Chủ nghĩa hậu hiện đại, Phê bình phân tâm học, Phê bình hiện tượng luận đã có mặt ở nước ta và ảnh hưởng một cách cụ thể trong một số nghiên cứu, rõ nhất là ở các luận án tiến sĩ.

Các hướng nghiên cứu ưu trội trên thế giới như thi pháp học, tự sự học, phân tâm học, mỹ học tiếp nhận, so sánh văn học, ký hiệu học và lý thuyết diễn ngôn, phê bình sinh thái... đang được ứng dụng rộng rãi. Đã có những thành tựu trong việc tiếp thu lý thuyết nước ngoài để nghiên cứu các hiện tượng văn học trong nước được đánh giá cao như thi pháp học với Đỗ Đức Hiểu, Phan Ngọc, Trần Đình Sử; phân tâm học với Đỗ Lai Thúy; ký hiệu học với Lã Nguyên... Nhờ tài năng cá nhân nhà văn, kế thừa thành quả ngôn ngữ văn hóa dân tộc cùng với tiếp thu cách viết mới từ nước ngoài mà chúng ta có các tác phẩm xuất sắc như tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp...

Lý luận phê bình chưa làm tròn chức năng “bà đỡ” cho văn học

Tuy nhiên, nhìn chung thì lý luận phê bình vẫn còn như là một cái ao nhà bình lặng. Trên mặt báo chủ yếu là phê bình điểm sách, giới thiệu, bình phẩm, khen một tí, chê một tí... vì mục đích quảng cáo lại bị khống chế lượng con chữ nên không thể chuyên sâu. Nhiều nhà phê bình trẻ tài năng nhưng ít có “đất dụng võ”. Lại cũng có “nhà phê bình” chưa phân biệt được câu thơ nào hay, câu văn nào dở, càng không biết đến lý luận, nghiên cứu nhưng có khi vẫn được giải này giải nọ... Một vài công trình tâm huyết nhưng hàm lượng khoa học chưa cao vì hoặc đơn giản là sự cụ thể hóa đường lối, hoặc do lý thuyết không tương ứng nên nhàn nhạt, chung chung. Có tập sách viết hay như được “thơ hóa”, chỉ ra được thực trạng nhưng giải pháp chưa có hoặc thiếu thuyết phục vì không có nền móng nghiên cứu...

Một quan niệm phiến diện có ở ta từ lâu coi đối tượng của phê bình hướng đến là văn chương đương đại, thời sự (còn gọi là “phê bình trực chiến”). Hội Nhà văn Việt Nam chỉ trao giải thường niên cho tác phẩm xuất sắc trong năm nếu làm tốt nhiệm vụ này. Trong khi đó, văn học là một dòng chảy, những phù sa tinh hoa ở mạch nguồn văn học dân gian, văn học cổ trung đại không được chào đón nên không lắng đọng nơi hạ nguồn đương đại. Đang thừa những “nhà phê bình trực chiến” nói lại (tác phẩm), nói dựa (dư luận) nhưng thiếu hẳn những chuyên gia văn học dân gian và cổ trung đại. Văn học là quá trình kiến tạo mã và giải mã. Có những hạt cổ mẫu từ cây văn hóa ngàn xưa rụng vào miền văn chương đương đại rồi “nở” ra mã mới. Nhiều giải Nobel thế giới cho thấy rất rõ điều này. Thiếu vốn cổ không thể tạo mã và giải được mã! Bác Hồ dạy: “Những người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần Chủ nghĩa Mác-Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông”(1). Đấy là lý luận, thậm chí là lý luận kinh điển nhưng đã được mềm mại hóa thành hình tượng. Ý của Bác Hồ rất rõ: Phải xây dựng một nền văn hóa tiến bộ, trong đó có lý luận, phê bình văn học nghệ thuật bắt nguồn từ truyền thống, dựa vào truyền thống. Cũng chính Bác Hồ từng căn dặn nhà điện ảnh Phạm Văn Khoa, cũng là căn dặn các văn nghệ sĩ: “Làm công tác văn nghệ mà không tìm hiểu sâu vốn của dân tộc thì không làm được đâu”(2). Cần thấy rõ hơn sự uyên thâm của quan niệm này ở chỗ gặp gỡ với triết học văn hóa thời đại 4.0 đang có xu hướng đào sâu vào quá khứ với quan niệm văn chương như cây xanh có gốc truyền thống, cành lá quang hợp ánh sáng lý tưởng hiện đại, nhân loại để cho hoa trái tác phẩm mang đặc trưng hương vị tư tưởng, bản sắc dân tộc. Bác Hồ đi trước thời đại là như vậy!

Tiếp nhận thiếu chọn lọc lý thuyết, khuynh hướng hậu hiện đại

Chúng ta đã và đang tiếp thu các lý thuyết nước ngoài hiện đại, phù hợp để làm giàu có thêm gia tài văn hóa. Các hướng nghiên cứu tiến bộ, phù hợp, do tương thích với cơ sở xã hội và văn học đã tạo ra những dấu ấn mới mẻ, tích cực ở cả sáng tác và nghiên cứu. Nhưng cũng có những khuynh hướng không lành mạnh, thiếu kiểm chứng chặt chẽ nên tạo ra những hiệu ứng không như mong đợi. Ví như khuynh hướng hậu hiện đại ảnh hưởng vào ta đã mấy chục năm, tạo ra nhiều cuộc tranh luận nhưng vẫn chưa có kết luận rốt ráo nhất về tích cực và hạn chế, cái được và chưa được trong sáng tác, nghiên cứu và tiếp nhận.

Hậu hiện đại không phải là một “thành tựu” (như một quan niệm) mà chỉ là một đặc điểm của văn học phương Tây hiện đại. Đó là một thế giới đa cực, phi trung tâm, bế tắc, mất phương hướng nên tất nhiên dẫn tới quan niệm “cái chết của chủ thể”, “cái chết của hiện thực”, “cái chết của đại tự sự” (vì phân mảnh mất rồi), “cái chết của văn học”... Do vậy, hậu hiện đại hay đi vào những “dị biệt” với điên dại, hoang tưởng, vô thức, dục tính, trầm cảm, tự hành xác... Đóng góp của hậu hiện đại chỉ nên tiếp thu ở phía những thành quả nghệ thuật như thủ pháp giễu nhại, phi tuyến tính hóa không gian, thời gian, lối trần thuật ghép mảnh tạo cho văn bản tính chất đa điểm nhìn, nhiều tầng nghĩa. Nhưng nghệ thuật như một sinh mệnh thống nhất hữu cơ nội dung và hình thức, tiếp thu hình thức cũng đã bao hàm tính nội dung rồi. Thế nên có những văn bản mới mẻ về hình thức nhưng lại mang một nội dung thiếu lành mạnh.

“Hoàn cảnh hậu hiện đại” ở phương Tây khác hẳn so với cơ sở xã hội nước ta, chưa nói tới sự không phù hợp với bản sắc Việt từ ngàn năm nay với chủ nghĩa yêu nước “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”; tình thương, trân trọng, quý mến con người “Một mặt người bằng mười mặt của”; tinh thần lạc quan “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Nó cũng không phù hợp với tính cách Việt ý nhị, tinh tế, kín đáo. Do vậy, ứng dụng không chọn lọc dứt khoát sẽ có sự khập khiễng. Không phủ nhận khuynh hướng này đã làm “lạ hóa” (nhưng có thể chưa mới) và đa dạng sắc màu của bức tranh văn học. Đến hôm nay nhìn lại quả là “hậu hiện đại” hay có mà dở cũng nhiều. Tiếp thu để làm giàu văn hóa nước mình chứ không thể chạy theo thiên hạ. Ở phương Tây, hậu hiện đại đã lạc hậu, nhường chỗ cho siêu hiện đại (metamodernism) hay còn gọi là hậu-hậu hiện đại (post-post modernism). Chạy theo thì mãi đi sau, phải có cái gì của riêng mình. Tiếp thu bên ngoài chỉ là cành lá, bản sắc dân tộc mới là gốc. Gốc vững thì cành lá mới có điều kiện quang hợp ánh sáng của bầu trời văn hóa nhân loại để kết trái thơm tác phẩm.

Lý giải sự trầm lắng, thiếu những cuộc tranh luận học thuật, người này cho rằng các nhà phê bình ngại va chạm, người kia nói họ thiếu kiến thức, lại có người mỉa “đốt đuốc” tìm người còn chả thấy, nói gì đến tranh luận... Đó mới chỉ nhìn ở bề nổi, sâu xa hơn là do chúng ta chưa có những trường phái phê bình. Mà trường phái bao giờ cũng chỉ có được chủ yếu từ sức mạnh nội sinh, trong khi đó, chúng ta còn dựa nhiều vào lý thuyết bên ngoài!

Để có những tác phẩm lý luận phê bình văn học tầm cỡ

Từ những vấn đề trình bày, có thể nêu ra các giải pháp sau để có tác phẩm lý luận phê bình văn học tầm cỡ, tương xứng với sự mong đợi, kỳ vọng của công chúng.

1. Bên cạnh việc tiếp thu lý luận văn nghệ nước ngoài, cơ bản hơn cần có chiến lược nghiên cứu tiếp thu, kế thừa, phát triển lý luận văn nghệ của cha ông. Xin nhắc lại lời Bác Hồ, sáng suốt, sâu sắc, tinh tế vô cùng: “Muốn thấy hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta, thì phải đừng bị trói buộc bởi những tiêu chuẩn này nọ của nghệ thuật phương Tây... phải dựa trên tiêu chuẩn của ta. Tiêu chuẩn ấy là gì? Đó là nền mỹ học ẩn chứa trong thực tiễn truyền thống nghệ thuật dân gian, dân tộc”(3). Lý thuyết nước ngoài bao giờ cũng có độ vênh lệch, chưa nói đến có sự áp đặt, khiên cưỡng. Mỹ học của cả một nền văn học dân gian rồi văn học cổ trung đại là một kho vàng tư tưởng, theo phong tục và tư duy truyền thống của nước “thi ca chi bang” (đất nước của thơ) nên còn chìm ẩn trong các sáng tác văn chương. Phải bỏ công sức, phải học chữ Hán Nôm, suy ngẫm, tìm tòi chất vàng ấy còn đang ẩn sâu trong các hình tượng thẩm mỹ.

Chỉ với một Nguyễn Trãi mà chúng tôi tìm hiểu đã thấy ở nhà tư tưởng lớn này có hẳn một hệ mỹ học riêng với: Tư tưởng mỹ học về con người văn hóa; về thiên nhiên; về phạm trù cái đẹp; một quan niệm sứ mệnh nghệ thuật vì con người; quan niệm hiện đại về quy luật vận động đặc thù của nghệ thuật; một mỹ học chủ thể; một mỹ học tiếp nhận. Có cả một nền mỹ học mà cha ông ta, theo con đường “liên văn hóa” (intercultural) đã học tập, tiếp thu, kế thừa, kết tinh, phát triển và nâng cao một cách tuyệt vời còn đang nằm trong nhiều trước tác. Truyền thống lý luận của ta ít khi hiển ngôn mà thường thể hiện dưới dạng tác phẩm, ở thời hiện đại cũng nhiều, như một câu thơ của Phạm Tiến Duật: “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay”. Đó là quan niệm về chủ thể: Nghệ sĩ phải quên mình, làm mới mình để sáng tạo cái đẹp. Tác phẩm nghệ thuật phải có chức năng làm đẹp và nuôi dưỡng sự sống văn hóa tinh thần con người.

2. Bác Hồ nói: “Phải mở rộng kiến thức của mình về văn hóa thế giới... nhưng đồng thời lại phải tránh nguy cơ trở thành những kẻ bắt chước. Văn hóa của các dân tộc khác cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hóa của chính mình”(4). Ở đây toát lên mấy vấn đề lý luận: Cần tiếp thu đa dạng các nền văn hóa khác nhau, nhưng là tiếp thu cái tiến bộ; phải chủ động, không bắt chước, biết tiếp thu cái gì là đặc sắc mà mình còn thiếu. Muốn thế phải nghiên cứu nền văn hóa mình cần tiếp thu một cách toàn diện, hệ thống. Cần thấm thía hơn lời dạy của Người về tính chỉnh thể của văn hóa, phải nắm bắt cái chỉnh thể tìm ra cái đặc sắc cá thể để tiếp nhận.

3. Vai trò tổ chức của các hội chuyên ngành rất quan trọng, cơ bản nhất là tổ chức ra các khuynh hướng, các trường phái sáng tạo phù hợp với sự phát triển, từ đó mới có thể tạo ra các tranh luận học thuật làm nảy ra những tư tưởng nghệ thuật mới. Các nền văn học lớn đều có nhiều trường phái vừa thống nhất, kế thừa, giao thoa, vừa tranh biện, bổ sung, loại trừ để cùng phát triển. Các tổ chức hội phải vừa là "cánh tay nối dài" của Đảng, vừa là ngôi nhà chung, là điểm tựa về tư tưởng, tình cảm, nghiệp vụ, đồng thời là sự khẳng định có trọng lượng học thuật cao nhất về các hiện tượng. Ví dụ về lý thuyết hậu hiện đại mới manh nha ở nước ta thì có ngay một hội thảo quốc gia làm rõ cái hay-cái dở, tích cực-hạn chế. Trách nhiệm định hướng của các hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật cần được đề cao hơn nữa. Quyền lực thẩm định của các viện nghiên cứu cần được coi trọng.

4. Là một mỹ học vận động, là sự tự ý thức của văn học, của thời đại, lý luận phê bình càng cần đến tư tưởng. Ngôi lầu tư tưởng của nhà phê bình có nền móng là kiến thức triết mỹ đông tây kim cổ, có cửa chính đón độc giả chiêm ngưỡng, có nhiều cửa sổ ngoại ngữ để đón gió và ánh sáng văn hóa từ khắp nơi. Không chỉ đọc để tiếp thu, nhà phê bình phải viết bằng nhiều ngoại ngữ để giới thiệu văn chương nước mình ra với thế giới, mà nếu đối sánh sòng phẳng, chúng ta không thua kém họ!

5. Các nhà nghiên cứu văn học dân gian có tổ chức của họ là hội văn nghệ dân gian nhưng các nhà nghiên cứu văn học cổ trung đại thì chưa có tổ chức riêng và họ cũng ít thiết tha với hội đoàn vì không được quan tâm. Hội Nhà văn Việt Nam nên mở rộng đối tượng trao giải về phía mảng văn học cổ trung đại và mời các chuyên gia vào hội.