Công nghệ xác thực sinh trắc học phát hiện gian lận, giả mạo hưởng chế độ BHXH

Nhằm phát hiện các trường hợp gian lận, giả mạo hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc học để phát hiện gian lận, giả mạo hưởng chế độ BHXH.
bhxh-1702261472.png
Quét vân tay khám bệnh Bảo hiểm y tế (Ảnh: Báo Kinh tế đô thị)

Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên căn cước công dân (CCCD) gắn chíp và trên dữ liệu của cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia về dân cư để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Theo đó, BHXH Việt Nam đã nâng cấp, điều chỉnh Phần mềm Tiếp nhận và quản lý hồ sơ để tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc, triển khai xác thực sinh trắc trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận “Một cửa” của BHXH tỉnh Bình Dương và BHXH quận Đống Đa, Hà Nội.

Khi triển khai thí điểm xác thực sinh trắc, tại các cơ quan triển khai thí điểm, Văn phòng BHXH tỉnh Bình Dương, và BHXH quận Đống Đa, Hà Nội đã bố trí riêng quầy thực hiện sinh trắc khi người dân đến nộp hồ sơ trực tiếp (hưởng BHXH một lần, cấp lại sổ, điều chỉnh sổ, gộp sổ...).

Cụ thể, khi đến nộp hồ sơ thì người dân sẽ được cán bộ Bộ phận “Một cửa” hướng dẫn đến quầy sinh trắc trước khi thực hiện quy trình nộp hồ sơ. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ (TNHS) sẽ thực hiện đối chiếu hồ sơ và sinh trắc vân tay với CCCD gắn chip. Trường hợp sinh trắc thành công, cán bộ TNHS thực hiện lưu lại thông tin để đảm bảo trong quá trình xử lý hồ sơ và tra cứu hồ sơ sau này, tiếp nhận hồ sơ theo quy định.

Trong quá trình thí điểm, các cơ quan BHXH đã thực hiện sinh trắc cho trên 16.000 người đến nộp hồ sơ, qua đó đã phát hiện 3 trường hợp nghi ngờ sử dụng thẻ CCCD giả để làm hồ sơ hưởng BHXH một lần (tại Bình Dương). 

Việc triển khai ứng dụng xác thực sinh trắc trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải giúp người dân giảm tối đa thời gian cung cấp các loại giấy tờ, giúp các thông tin được nhập nhanh chóng, chính xác. 

Với cơ quan bảo hiểm xã hội, việc này giúp bảo đảm xác thực được thẻ CCCD thật/giả, xác thực danh tính của người dân khi đến nộp và giải quyết hồ sơ để phát hiện kịp thời và hạn chế tình trạng gian lận, giả mạo giấy tờ tùy thân để trục lợi quỹ BHXH, BHYT.

Trước đây, cán bộ tại bộ phận "Một cửa" phải tự kiểm tra xem CCCD thật hay giả và không có cơ sở gì để xác định chính xác; tự kiểm tra người xuất trình CCCD và thông tin trên CCCD có phải là một hay không.

 

Phương Thảo - TH