Có thể bạn chưa biết: Rắn là biểu tượng của ngành y dược vì lý do bất ngờ?

Nhìn vào logo của Bộ Y tế, hay Tổ chức Y tế thế giới WHO, chúng ta dễ dàng nhận ra hình ảnh một con rắn quấn quanh cái gậy. Sở dĩ loài rắn trở thành biểu tượng của ngành y dược xuất phát từ một vị thần trong thần thoại Hy Lạp.
ran-1-1738254041.jpg
Logo của Tổ chức Y tế thế giới WHO

Theo WHO, hình ảnh con rắn quấn quanh cây gậy từ lâu đã là biểu tượng của y học và nghề y, bắt nguồn từ câu chuyện về vị thần Asclepius trong thần thoại Hy Lạp. Được biết, thần Asclepius là con trai của thần mặt trời Apollo, được xem là ông tổ của ngành y vì không những có khả năng chữa bệnh mà còn có cả biệt tài làm cho người chết sống lại. 

Asclepius thường được miêu tả là một người đàn ông có bộ râu rậm, cầm một cây gậy nặng với một con rắn quấn quanh. Theo truyền thuyết, trong một lần tình cờ đi trên đường, Asclepius đã bắt gặp một con rắn bò lên quấn quanh cây gậy của ông. Asclepius sau đó đã đã cầm cây gậy đập xuống đất để giết chết con rắn. Nhưng khi ông chuẩn bị bước tiếp, một con rắn khác lại bò đến, miệng ngậm một loại thảo dược và giúp con rắn đã chết được hồi sinh. Từ đó, Asclepius bắt đầu chú ý và tìm kiếm các loại cây cỏ trong núi để chữa bệnh cho con người.

Về sau, thần Asclepius lấy vợ là Lampetie và sinh được 2 con gái là Hygieia và Panacée, 3 con trai là Telesphorus, Machaon và Podalire. Gia đình ông được xem là một gia đình có “truyền thống y dược”, khi những người con sau này đều là những vị thần liên quan đến sức khỏe và trị bệnh.

Một trong số những người con nổi bật nhất của thần Asclepius là nữ thần sức khỏe và vệ sinh Hygeia. Trong khi cha bà có chủ yếu chữa bệnh cứu người thì nữ thần Hygeia thiên về việc ngăn ngừa bệnh tật và nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, còn có truyền thuyết nói rằng Hygeia đã nuôi rắn thần để chữa bệnh cho loài người. Đó cũng là nguồn gốc cho biểu tượng của ngành dược. 

ran-2-1738254022.png
Tượng thần Asclepius cầm cây trượng có rắn quấn quanh (trái) và huy chương của Hiệp hội Dược phẩm Paris với hình ảnh nữ thần Hygeia cùng chiếc bát có con rắn

Nếu biểu tượng ngành y là hình ảnh con rắn quấn quanh cây gậy, thì ngành dược lại là con rắn quấn quanh một chiếc chén, được gọi là “chén Hygeia”. Chiếc chén này được cho là vật dùng để đựng thuốc của nữ thần sức khỏe và vệ sinh. Từ đó, chén Hygeia đã được sử dụng như một biểu tượng cho những nhà chế thuốc trong ngành dược.

Trong văn hóa, rắn cũng là một trong những biểu tượng thần thoại lâu đời nhất và phổ biến nhất của thế giới loài người. Loài vật này mang sự huyền bí, cũng đồng thời biểu hiện cho hai mặt thiện và ác. Mối liên hệ giữa rắn và y học chủ yếu là do khả năng lột da của loài vật này. Hình ảnh rắn lột da trở thành biểu tượng của sự sống, tái sinh và đổi mới. 

Dù có vẻ ngoài đáng sợ, nhưng đây lại là loài vật có tác dụng chữa bệnh và dùng để điều chế các phương thuốc. Khả năng chữa bệnh của nọc rắn đã được biết đến từ thời cổ đại, điều này cũng góp phần khiến rắn trở thành biểu tượng của dược phẩm và y học. Ngày nay, nọc rắn vẫn được xem là thành phần tiềm năng được khai thác cho mục đích y tế trong quá trình phát triển nhiều vị thuốc. Bên cạnh đó, nhiều bộ phận khác của rắn như: Mật rắn, da rắn, huyết rắn… cũng được nghiên cứu để sử dụng trong các bài thuốc Đông y và Tây y.  

Hương Trà (TH)