Tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN Phạm Mạnh Hùng khẳng định, VOV là cơ quan báo chí quốc gia, được quy hoạch là 1 trong 6 cơ quan báo chí chủ lực, với số lượng công chúng theo dõi đông đảo và đặt nhiều tin cậy.
Trong chiến dịch tuyên truyền phòng, chống đại dịch COVID-19, VOV có những tuyến tin bài hàng đầu thông tin, tuyên truyền về chiến lược chống dịch, diễn biến dịch căng thẳng tại TP.HCM, chiến lược tiêm vaccine... Đồng thời, có những tin bài ban đầu các vụ việc lớn liên quan đến chuyến bay giải cứu và kit xét nghiệm Việt Á...
Trong bối cảnh khó khăn, đội ngũ lãnh đạo, nhân viên, đặc biệt là các phóng viên, biên tập viên của VOV vẫn làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, giữ được tinh thần "dấn thân" và đã giành được giải thưởng báo chí lớn trong nước và quốc tế. Đặc biệt là giải thưởng ABU hằng năm, sẽ trao giải trong tháng 11 này, trong đó phóng viên Báo Điện tử VOV có tác phẩm đoạt giải sẽ vinh dự tới Ấn Độ nhận giải.
Phó Tổng Giám đốc Phạm Mạnh Hùng cũng cho biết, VOV cũng như nhiều cơ quan báo chí đang đối mặt với những khó khăn, thử thách chưa từng có. Hiện nay, công chúng trong kỷ nguyên số và mạng xã hội bùng nổ đã thay đổi xu hướng đọc và tiếp cận thông tin. Trong đó, nhiều nguồn tin đăng tải trên các nền tảng "xuyên biên giới" và có tốc độ chia sẻ, phổ biến nhanh chóng trên mạng xã hội... khiến việc kiểm soát thông tin, lọc tin xấu, tin độc gặp nhiều khó khăn.
Theo Nghị định mới của Chính phủ, VOV hiện có 6 cơ quan thường trú tại 6 khu vực trong nước, tương đương cấp Ban, cùng 13 cơ quan thường trú ở nước ngoài tại các khu vực, châu lục, tương đương cấp Phòng. Các đơn vị này vừa làm nhiệm vụ chính trị, vừa đáp ứng cung cấp và cập nhật thông tin cho khán thính giả cả trong và ngoài nước.
"Trên cơ sở Luật Báo chí, quy định của Đảng, quy định của Hội Nhà báo về phát ngôn, về đạo đức báo chí, chúng tôi đang xây dựng một quy chế quản lý về sản xuất nội dung của VOV. Quy chế này sẽ cụ thể hóa Luật Báo chí, các văn bản thi hành Luật Báo chí cho các quy trình sản xuất để khi có sự cố có thể truy được trách nhiệm cho từng khâu, từng cá nhân trong dây chuyền sản xuất. Có những nội dung Luật Báo chí chưa quy định, nhưng Đài cũng nghiên cứu để đưa vào quy chế... Đây cũng là vấn đề chúng tôi cho rằng khi sửa đổi Luật Báo chí cũng nên đặt ra", ông Phạm Mạnh Hùng cho biết.
Phó Tổng Giám đốc VOV tin tưởng, quy chế mới này sẽ giúp các cán bộ, nhân viên, phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Đài thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động báo chí, nhưng đồng thời tạo hành lang tác nghiệp hiệu quả.
Về khía cạnh "kinh tế báo chí", lãnh đạo VOV cho rằng đang có khó khăn, thách thức chung cho các cơ quan báo chí khi công chúng tiếp cận thông tin trên các nền tảng số của nước ngoài. Công chúng đi theo xu hướng đọc tin và giải trí trên các nền tảng số, mạng xã hội xuyên biên giới.
Theo đó, các doanh nghiệp đang chuyển nguồn quảng cáo sang các nền tảng trực tuyến, gây khó khăn và giảm thu nhập cho các cơ quan báo chí, tạo môi trường không bình đẳng cho các cơ quan báo chí trong nước.
"Để đáp ứng công chúng, bên cạnh các nền tảng truyền thống, các kênh phát thanh, truyền hình của VOV trong những năm gần đây cũng phát triển mạnh nền tảng OTT và các ứng dụng (APP) để tranh thủ các nền tảng xuyên biên giới như Spotify, Podcast, Facebook, Tiktok... Có thời điểm, người nghe, người xem các kênh của VOV trên các nền tảng này nhiều hơn so với nền tảng truyền thống. Do vậy, có thể tận dụng các nền tảng này và sản xuất theo phương thức mới để đưa tiếng nói, dòng thông tin chủ lưu, chính thống tới công chúng. Còn khía cạnh kiếm nguồn thu thì chưa thể đạt được", ông Phạm Mạnh Hùng cho biết thêm.
Hiện nay, VOV đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, theo đó tập trung tạo "kỹ năng số" cho toàn bộ hệ thống các phóng viên, biên tập viên để tiến tới sản xuất trên nền tảng số và tạo thương hiệu số của riêng mình và cho ngành phát thanh.
Để đáp ứng nhu cầu công chúng, Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng thẳng thắn nêu những bất cập của Nghị định 60, cho rằng không thể xếp báo chí vào cùng cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập với ngành giáo dục, ngành y tế... Nghị định 60 khiến các cơ quan báo chí bị vướng và cần xây dựng chính sách tài chính chuyên biệt cho từng nhóm, từng loại hình báo chí, để cho báo chí phát triển.
"Báo chí là sáng tạo. Định mức hiện nay đang được Bộ TT&TT xây dựng vẫn không đáp ứng được chi phí và đảm bảo yêu cầu sản xuất ở mức trung bình của VOV và các Đài PT-TH địa phương. Nếu quy định định mức kinh tế, kỹ thuật cho báo chí cũng cần cân nhắc tính đặc thù của cơ quan báo chí và phải có biên độ cho những sản phẩm báo chí đạt yêu cầu đăng tải, phát sóng và những sản phẩm báo chí đặc biệt tạo ra dư luận và hấp dẫn công chúng", ông Phạm Mạnh Hùng nói.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị của VOV cũng cho biết những vấn đề cạnh tranh, khó khăn nguồn thu, vấn đề lương, nhuận bút thấp... sẽ là lý do không giữ chân được nhân viên. Các ý kiến cho rằng, để báo chí có môi trường phát triển cần sự đầu tư chính của Nhà nước về cơ sở vật chất kỹ thuật và chất lượng sản xuất.
Ghi nhận những ý kiến từ các lãnh đạo VOV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương cũng đồng quan điểm rằng, nhiệm vụ chính trị là ưu tiên số 1 của báo chí. Dù là giải trí, báo chí vẫn phải thể hiện đường lối của Đảng và Nhà nước và vẫn là thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Bên cạnh đó, vấn đề báo chí làm kinh tế là một câu chuyện rất dài. Ông Đặng Xuân Phương cho rằng: "Vấn đề của chúng ta ở đây là cơ chế cho báo chí đã đầy đủ và hoàn thiện chưa? Quy định của Luật Báo chí mang tính chất chuyên sâu, chuyên ngành cao.
Từ thực tiễn, chúng ta có thể thấy sau một thời gian ban hành rất ngắn, quy định của luật báo chí đã không còn phù hợp và theo kịp thực tiễn. Trong khi đó, những quy định về tài chính, nguồn thu, nhân sự của các cơ quan báo chí cần phải có cơ chế đặc thù và cần xác định ngay ở trong luật. Do đó, đây là vấn đề chúng ta phải bàn bạc kỹ lưỡng và thấu đáo".