Trưa 8/3, chuyến bay mang số hiệu VN88 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) khởi hành từ Thủ đô Bucharest của Romania, chở 287 người Việt tại Ukraine sơ tán qua Romania đã hạ cánh an toàn xuống Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Đây là chuyến bay bảo hộ công dân đầu tiên của Việt Nam sơ tán kiều bào khỏi vùng chiến sự tại Ukraine, do Nhà nước chi trả toàn bộ kinh phí.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu, đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành liên quan đã đón, thăm hỏi bà con khi xuống máy bay.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu đã có những chia sẻ với báo chí về công tác bảo hộ công dân và đưa người Việt sơ tán từ vùng chiến sự ở Ukraine về nước.
*Phóng viên: Xin Thứ trưởng chia sẻ cảm xúc của mình khi thay mặt lãnh đạo Bộ Ngoại giao cùng đại diện các bộ, ngành và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Sân bay quốc tế Nội Bài đón chuyến bay đầu tiên đưa công dân Việt Nam sơ tán khỏi Ukraine về nước?
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Hôm nay, tôi cùng các lãnh đạo bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hết sức xúc động được đón chuyến bay đầu tiên sơ tán bà con từ vùng chiến sự về tới quê hương. Cảm xúc của tôi vừa vui mừng, vừa bồi hồi xúc động, đây là chuyến bay đặc biệt được tổ chức trong thời gian ngắn với 287 hành khách, trong đó có nhiều trẻ em.
Tôi đã đứng ở chân máy bay đón bà con về, cơ bản nhận thấy bà con đều khỏe mạnh, vui mừng biết ơn đến Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã nhanh chóng, kịp thời tổ chức được chuyến bay đưa bà con về nước an toàn.
*Phóng viên: Xin Thứ trưởng chia sẻ thêm về kế hoạch bảo hộ công dân và đưa người Việt sơ tán khỏi vùng chiến sự ở Ukraine về nước?
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Từ khi chiến sự xảy ra ở Ukraine, một trong những chủ trương ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đảm bảo an toàn tính mạng, bảo hộ hợp pháp công dân và doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài; chỉ đạo các bộ, ban, ngành coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất vào thời điểm hiện nay.
Chính phủ đã thành lập một Tổ công tác đặc biệt để sơ tán bà con khỏi vùng chiến sự và hộ trợ bà con trên tinh thần tự nguyện được về nước an toàn. Bộ Ngoại giao với tư cách là cơ quan đầu mối đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine và các nước bên cạnh như Ba Lan, Romania, Hungary, Slovakia... phối hợp với các hội đoàn sơ tán ngay bà con ở những vùng chiến sự ác liệt nhất.
Chúng tôi đã lên phương án cụ thể đón bà con tại các khu vực biên giới. Từ khi chiến sự xảy ra, các Đại sứ của ta ở các nước đã xây dựng kế hoạch cùng với các hội đoàn ra tận biên giới hỗ trợ bà con, cố gắng đảm bảo được chu đáo, không để ai bị đói, rét, thiếu thốn lương thực. Trên cơ sở nguyện vọng của bà con, chúng tôi đã cung cấp số điện thoại, trang web cần thiết để đăng ký về nước.
Chỉ trong 2-3 ngày, chúng ta đã tổ chức được chuyến bay đầu tiên. Chúng tôi cảm ơn các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, xung quanh Ukraine đã tích cực hỗ trợ, tổ chức thành công nhiệm vụ này.
Trong những ngày tới, chúng tôi nhận định chiến sự vẫn diễn ra. Theo báo cáo của các cơ quan đại diện, cơ bản những bà con ở khu vực chiến sự đã được sơ tán an toàn. Chúng tôi tiếp tục đón tiếp công dân ở các nước và ghi nhận những yêu cầu của bà con để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Thời gian tới, trên cơ sở đăng ký nguyện vọng của bà con, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành kiến nghị lên Chính phủ, Tổ công tác để tổ chức thêm các chuyến bay sơ tán công dân.
*Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết, công tác đón các chuyến bay đưa kiều bào về nước diễn ra thế nào trong bối cảnh đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19?
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Tối hôm qua, Bộ Y tế đã có công văn thông báo cơ bản bà con đã khai báo y tế qua ứng dụng PC-Covid có thể về nơi cư trú không phải cách ly tập trung.
Bộ Giao thông Vận tải ngoài việc bố trí chuyến bay, cũng tổ chức các phương tiện để bà con di chuyển về nơi cư trú. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có công văn gửi tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho bà con ổn định cuộc sống, hòa nhập.
*Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, Chiến dịch bảo hộ công dân lần này có gì đặc biệt so với các đợt bảo hộ, sơ tán công dân Việt Nam ở nước ngoài trước đây?
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Chiến dịch bảo hộ, sơ tán công dân lần này có những nét riêng và đặc biệt. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta tổ chức chuyến bay sơ tán bà con với quy mô lớn. Hồi khủng hoảng ở Libya, chúng ta cũng đã tổ chức, tuy nhiên lần này có nét đặc thù.
Bởi lẽ phần lớn bà con ta đã sống ở Ukraine trong thời gian dài, cũng đã có nhiều gắn bó với nước sở tại. Có người đang sinh sống, làm việc kinh doanh lâu dài, có tài sản, sự gắn bó nhất định với đất nước Ukraine. Khi chiến sự xảy ra rất nhiều người cũng nghĩ là chưa chắc chiến sự ác liệt như thế. Tuy nhiên, với sự chủ động của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi đã liên tục khuyến cáo bà con; đưa ra thông báo, vận động bà con thông qua các hội đoàn, cho nên quyết định sơ tán của bà con thường vào các phút cuối.
Khi chiến sự ác liệt, chia cắt nhiều nơi, chúng tôi phải nỗ lực hết sức, trao đổi với chính quyền sở tại ở Ukraine và Nga tạo ra hành lang an toàn cho bà con di chuyển. Có một số rất ít bà con hiện nay vẫn ở lại trông coi tài sản, chúng tôi vẫn tiếp tục giữ liên lạc để hỗ trợ thêm.
Hiện nay, về cơ bản đã sơ tán bà con khỏi vùng chiến sự ác liệt nhất. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan để có các phương án phù hợp.
Chiến dịch bảo hộ công dân lần này có những thuận lợi cơ bản sau. Đó là, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao ngay từ đầu; các cơ quan liên quan đã phát huy tinh thần chủ động tích cực; chúng ta có kinh nghiệm trong sơ tán, xử lý khủng hoảng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, vẫn phải tiếp tục nhiều công việc khác phải làm.
*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!