Chuyển từ kinh tế dựa vào tài nguyên sang kinh tế dựa vào tri thức

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thừa nhận về những tồn tại trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, để giải quyết cần đổi mới tư duy, cách thức quản lý, gia tăng áp lực đổi mới cho các doanh nghiệp theo hướng chuyển từ kinh tế dựa vào tài nguyên sang kinh tế dựa vào tri thức...
nlntv-6-7-khcn-cover-1686182723.jpg
 

Ngân sách dành cho nghiên cứu KHCN chưa hiệu quả

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, KH&ĐT tham gia giải trình các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN), tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, chiều 07/6/2023, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Giải trình chất vấn của các ĐBQH, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, lĩnh vực khoa học công nghệ là lĩnh vực khá thuận lợi, có hành lang pháp lý và các văn bản quy phạm pháp luật quy định khá đầy đủ. Hiện nay, Bộ KH&CN đang rất bận rộn để tổng kết, đánh giá và đề xuất đổi mới trong lĩnh vực này…

nlntv-6-7-khcn-ptt-tran-hong-ha-1686182778.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giải trình chất vấn của ĐBQH.

Thời gian qua, lĩnh vực KH&CN đã có những đóng góp cụ thể, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, tốc độ đổi mới đạt mục tiêu đề ra. Nước ta là nước đứng thứ 5 trên thế giới làm chủ được công nghệ 5G.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng thừa nhận những tồn tại trong lĩnh vực này: Ngân sách đầu tư cho KH&CN chưa hiệu quả, mức đầu tư đang ở mức thấp nhất... Do vậy, cần gia tăng áp lực đổi mới cho các doanh nghiệp theo hướng chuyển từ kinh tế dựa vào tài nguyên sang kinh tế dựa vào tri thức.

Liên quan đến vấn đề quản lý các Quỹ hỗ trợ phát triển KHCN, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần phải đổi mới cách thức quản lý tài chính, tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, đáp ứng cân bằng giữa cung và cầu, đảm bảo tính ổn định, bền vững của các Quỹ…

Đồng thời, hoàn thiện các quy định và có chính sách đặc thù bảo vệ quyền sở hữu, quyền tác giả khi chuyển giao sản phẩm KHCN…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, Chính phủ đang chỉ đạo tổng kết các chính sách lớn trong lĩnh vực KH&CN.

Có địa phương không bố trí vốn hoặc bố trí tỷ lệ rất thấp

Cùng tham gia giải trình các vấn đề liên quan đến lĩnh vực KH&CN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình thêm các vấn đề liên quan đến bố trí vốn cho lĩnh vực này.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trách niệm của Trung ương đã chi theo đúng quy định theo Nghị quyết của Quốc hội và Luật Đầu tư công, việc bố trí có trọng tâm, trọng điểm.

nlntv-6-7-khcn-bt-nguyen-chi-dung-1686182842.jpg
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình các vấn đề liên quan đến bố trí vốn.

Tuy nhiên, từ năm 2017-2023, tỷ lệ chi giảm dần, chỉ đạt 1,1-1,18%, riêng năm 2023 là 0,83%. Trong khi đó, Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị quy định đảm bảo chi từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho KHCN, đổi mới sáng tạo và tăng dần lên theo các năm.

Điều này cho thấy, các bộ, ngành và địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa có đề án đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn, có địa phương không bố trí vốn hoặc bố trí tỷ lệ rất thấp cho hoạt động này.

Còn theo giải trình của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, năm 2023, tổng chi ngân sách chiếm 0,82%, chi đầu tư là 0,23%, chi thường xuyên là 0,58%. Năm 2022, tỷ lệ chi ngân sách là 1,01%.

6-7-khcn-bt-ho-duc-phoc-1686182848.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình các vấn đề liên quan đến bố trí vốn.

Về quyết toán chi ngân sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2023 quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN, Bộ Tài chính và Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước, theo hướng thiết kế căn cứ vào hiệu quả, kết quả đầu ra để chi ngân sách.

Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC giao quyền chủ động cho đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài được điều chỉnh các mục chi, nội dung chi, định mức kinh phí được giao khoán. Với kinh phí không giao khoán thì thực hiện theo đề xuất của tổ chức chủ trì và cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, việc kiểm soát chi chuyển từ khoản chi theo hóa đơn chứng từ hồ sơ sang chi theo bảng kê công việc. Điều đó cho thấy, cơ chế mở trong thực hiện khoán chi trong KHCN.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những tồn tại trong quá trình tuyển chọn, giao đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, nên kinh phí giao muộn.  

Bên cạnh đó, việc thực hiện giao khoán lại theo hướng hồ sơ chứng từ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học.  

Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ chủ trì, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành sửa Nghị định số 95/2014/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC trên cơ sở lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhân dân để sửa các quy định của pháp luật bảo đảm thông thoáng, chủ động, căn cứ vào kết quả đầu ra của công việc, để thực hiện hiệu quả.

Về cơ chế quản lý KHCN, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, cần thiết hoàn thiện lại để phù hợp hơn. Đối với nhà nước, nên đặt hàng và thanh toán theo sản phẩm đặt hàng, việc đặt hàng có thể thực hiện đấu thầu, có thể chỉ định thầu, qua đó lập dự toán, từ đó chọn những tổ chức nghiên cứu đảm bảo được sản phẩm đầu ra, giúp việc thanh toán được thuận lợi hơn.

Cùng với đó, cần quy định việc chuyển giao, ứng dụng đề tài nghiên cứu vào thực tiễn để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.