Bộ trưởng Y tế: 'Mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ sức khoẻ nhân dân'

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ, trong cuộc chiến chống COVID-19, mục tiêu trên hết, trước hết của ngành y tế là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
bo-truong-bo-y-te-nguyen-thanh-long-khang-dinh-trong-cuoc-chien-chong-covid-19-muc-tieu-tren-het-truoc-het-cua-nganh-y-te-la-bao-ve-suc-khoe-tinh-mang-cua-nhan-dan-1643688598.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, trong cuộc chiến chống COVID-19, mục tiêu trên hết, trước hết của ngành y tế là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân

"Với sự xâm nhập của biến chủng Omicron và có thể sẽ còn xuất hiện thêm những biến chủng mới khác, tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng chống dịch. Ngành Y tế tiếp tục là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng tuyến đầu khác đã, đang và sẽ quyết tâm trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 với mục tiêu trên hết, trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói.

Theo ông Long, cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Nếu như đến cuối năm 2020 cả nước chỉ có 1.456 ca mắc COVID-19 thì cuối năm 2021, con số này đã lên tới hơn 1,6 triệu trường hợp. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đứng trước những thách thức vô cùng lớn, nhiều biện pháp ngăn chặn, kiểm soát dịch quyết liệt "chưa từng có tiền lệ" được triển khai nhằm nhanh chóng đưa cuộc sống dần trở lại bình thường.

Do đó, ông Long nhận định, dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022. Thậm chí COVID-19 có thể xuất hiện các biến chủng mới làm cho dịch diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn với số mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vaccine.

Đứng trước thử thách trên, trong năm 2022, ngành y tế xác định nhiệm vụ đầu tiên, trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch COVID-19, thực hiện thành công chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022 - 2023), góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, trong năm 2022, ngành y tế sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng và trình các dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật Dược sửa đổi và tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo và triển khai hoạt động. "Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế…", ông Long nhấn mạnh.

Đồng thời Y tế Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở; nâng cao chất lượng chuyên môn, tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân; đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe; cải thiện và nâng cao chất lượng chuyên môn y tế, chủ trọng tại vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, vùng khó khăn.

"Xác định chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng, ngành y tế đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến; có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp. Bộ Y tế cũng triển khai kết luận của Bộ Chính trị về tăng phụ cấp của nhân viên y tế dự phòng, y tế cơ sở lên 100% và sắp xếp bộ máy nhất là y tế cơ sở phù hợp theo quy mô dân số không theo địa giới hành chính", ông Long nói.

Chia sẻ thêm về nhiệm vụ sắp tới, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trên tất cả các lĩnh vực chuyên môn, qua đó đổi mới phương thức quản lý trong lĩnh vực y tế, tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, trang thiết bị, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường kỷ cương, kỷ luật quản lý Nhà nước trong các hoạt động của ngành…

Đồng thời, ngành y tế cũng đẩy mạnh, triển khai mạnh mẽ hơn các chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phòng chống bệnh không lây nhiễm, cũng như các chương trình nâng cao sức khỏe của bà mẹ, trẻ em để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững…