Bế mạc tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023

Sau khoảng thời gian hai tuần, khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) năm 2023 đã bế mạc chiều 30/8 tại Hà Nội.
nlntv-dsc-7216-1693452154.jpg
Một tiết mục văn nghệ do các giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài tham gia tập huấn biểu diễn tại lễ bế mạc.

Khóa tập huấn, do Ủy ban Nhà nước về NVNONN (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức, là một trong những hoạt động gắn với công tác cộng đồng, có đóng góp tích cực trong việc xây dựng, củng cố, phát triển các tổ chức và các hoạt động về tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN. Kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2013, các khóa tập huấn này cho đến nay đã thu hút sự tham gia của hơn 800 giáo viên NVNONN.

nlntv-dsc-7261-1693452276.jpg
Trao chứng nhận hoàn thành khóa tập huấn cho các giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu bế mạc, ông Mai Phan Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN nhấn mạnh ngôn ngữ là công cụ truyền tải văn hóa, tri thức, truyền thống. Trong bối cảnh cộng đồng NVNONN ngày càng phát triển mạnh mẽ, công tác giữ gìn, lan tỏa tiếng mẹ đẻ trở nên vô cùng cấp thiết, luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm, coi trọng.

Ông Mai Phan Dũng ghi nhận, đánh giá cao và bày tỏ sự trân trọng đối với các thế hệ cộng đồng NVNONN đã tích cực tình nguyện tham gia giữ gìn, lan tỏa tiếng Việt trong những năm qua. Đánh giá khóa tập huấn đã thành công toàn diện về mọi mặt, ông Mai Phan Dũng bày tỏ tin tưởng khóa tập huấn sẽ góp phần giúp các giáo viên nâng cao thêm trình độ, qua đó đóng góp vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng NVNONN trong thời gian tới.

nlntv-dsc-7270-1693452333.jpg
Các đại biểu tham dự lễ bế mạc khoá tập huấn chụp ảnh chung.

Là một trong hơn 60 giáo viên NVNONN tham gia khóa tập huấn năm nay, cô Trần Thị Hồng Hạnh, kiều bào tại Đài Loan (Trung Quốc) cho biết đã gặt hái được những kiến thức bổ ích sau hai tuần tập huấn. “Chúng tôi nhận thức được trọng trách của mình là truyền đạt cho con cháu chúng ta tại nước ngoài những kiến thức đó. Giữ gìn tiếng Việt chính là giữ gìn hồn cốt, bản sắc văn hóa dân tộc. Yêu tiếng Việt chính là yêu văn hóa Việt Nam, yêu đất nước Việt Nam. Chúng tôi nguyện sẽ cố gắng hết sức mình hoàn thành trọng trách này”, cô Hạnh bày tỏ.

Tham gia khóa tập huấn năm nay, được tận mắt chứng kiến một Việt Nam ngày càng phát triển, cô Phạm Thị Việt, kiều bào tại Thái Lan chia sẻ bản thân càng thêm tự hào về quê hương, đất nước mình. “Giữ gìn, lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN là điều rất quan trọng. Tiếng Việt còn thì người Việt còn”, cô Việt nhấn mạnh.