Vì sao gióng chuông, bắn pháo hoa vào giao thừa?

Lương Đàm
Tiếng chuông và việc bắn pháo hoa được coi là để tiễn những cái xui xẻo, đón cái mới may mắn.

Do tình hình dịch bệnh căng thẳng, người dân và khách du lịch khắp thế giới không thể tham gia những sự kiện đón năm mới 2022 ngoài trời như bình thường. Tuy nhiên, một điều không thay đổi bất chấp Covid-19 chính là tiếng chuông vang lên từ các nhà thờ trên khắp thế giới vào thời khắc chuyển giao năm mới và cũ.

Tại sao nhà thờ lại gióng chuông vào đêm giao thừa? Người phương Tây có cụm từ "to ring out the old and ring in the new", nghĩa là rung chuông để tiễn cái cũ, đón cái mới. Tiễn cái cũ là tiễn những cái xui xẻo và đón cái mới may mắn đến cuộc đời của mỗi người.

Truyền thống này có thể khởi nguồn từ tiếng chuông tiễn biệt một người đã khuất, hay tiếng chuông đánh dấu một khởi đầu mới như trong đám cưới. Nam tước, nhà thơ người Anh Alfred Tennyson (1809-1892) từng nhắc đến tục lệ này trong bài thơ In Memoriam A.H.H vào năm 1833.

nguoi-nepal-rung-chuong-don-tet-1640962119.jpg
Người Nepal rung chuông đón Tết "Bisket Jatra"

Trong Thiên chúa giáo hay Phật giáo, chuông thường được kết nối với năm mới. Catholic Culture giải thích rằng "chuông là một biểu tượng đẹp, gợi về một năm mới sum vầy, hạnh phúc". Mỗi năm, khi những thời khắc cuối cùng của năm cũ chuẩn bị trôi qua, các ngôi chùa trên khắp Nhật Bản sẽ rung chuông 108 lần. Sự kiện này được gọi là Joya no Kane (Khai chuông giao thừa). Theo niềm tin của Phật giáo, 108 là con số đại diện cho những ước muốn trần tục dẫn đến khổ đau của con người, và một phật tử phải cố gắng vượt qua tất cả.

Bên cạnh tiếng chuông giao thừa, các quốc gia trên thế giới cũng tổ chức bắn pháo hoa. Trước Covid-19, rất nhiều nơi tổ chức sự kiện đón năm mới với màn bắn pháo hoa hoành tráng, thu hút hàng triệu du khách tham gia. Pháo hoa ra đời từ nhiều thế kỷ trước, những quả pháo thô sơ được cho là do người Trung Quốc phát minh. Từ xa xưa, người Trung Quốc bắn pháo hoa trong đêm giao thừa để xua đuổi tà ma, mang lại may mắn.

ngay-nay-man-thap-sang-bau-troi-duoi-su-co-vu-vui-mung-cua-hang-ty-nguoi-dan-khap-the-gioi-duoc-coi-la-mot-cach-hoan-hao-de-bat-dau-nam-moi-1640962119.jpg
Ngày nay, màn thắp sáng bầu trời dưới sự cổ vũ, vui mừng của hàng tỷ người dân khắp thế giới được coi là một cách hoàn hảo để bắt đầu năm mới

Bên cạnh đó, người ta tin rằng dân Babylon cổ đại chính là những người đầu tiên đặt ra các mục tiêu tích cực mà họ sẽ phấn đấu hoàn thành trong năm mới. Họ làm điều này để thể hiện lòng thành tâm tới các vị thần, cũng như hy vọng sẽ được chấp thuận, giúp đỡ.