Tìm giải pháp để đồng bào ổn định cuộc sống, tránh du canh, du cư

Đinh Thảo
Hiện nay, mặc dù có nhiều chính sách định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi đã được thực hiện rất lâu nhưng vẫn còn một bộ phận người dân chủ yếu là người dân tộc Mông vẫn du canh du cư từ nơi này sang nơi khác để phát nương, làm rẫy.
bthau2-1686734135.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Đó là nhận định của đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái) khi đề cập đến việc có tình trạng nhiều người dân mang theo cả gia đình, con cái sinh sống tại các nhà chòi, nhà tạm, điều kiện về ăn ở khó khăn, giáo dục cho con em không được đảm bảo.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 trước Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số.

Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển rõ rệt, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, qua quá trình đánh giá và khảo sát thấy rằng hiện tượng đồng bào di cư không theo kế hoạch và từ địa phương này sang địa phương khác trong phạm vi cả nước, đặc biệt là khu vực phía Bắc di cư vào khu vực Tây Nguyên thì không phải chỉ một mình đồng bào dân tộc Mông. Thậm chí có những địa phương, đồng bào dân tộc Mông chỉ là số ít hơn một số dân tộc khác.

Nhưng về tập tục, tập quán thì từ trước đến nay là đồng bào dân tộc Mông di cư nhiều hơn, thường xuyên hơn và có những trường hợp di cư đến nhiều địa bàn, nhiều tỉnh khác nhau. Có những hộ gia đình hiện nay chưa có hộ khẩu ổn định nhưng đã di cư đến 3 - 4 tỉnh, đây là những thực trạng xảy ra.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, bản thân ông cũng có nghiên cứu vấn đề này, đồng bào dân tộc Mông thì có một tập quán là nhiều khi anh em ở đâu hoặc điều kiện tốt hơn, chỉ nghe thế thôi là họ đã có thể đi rồi. Nhưng bởi tính kết cố cộng đồng rất cao, cho nên khi đi là thường đi theo cả gia đình hoặc theo cả cộng đồng dòng họ và có dòng họ ở đâu nghe ở đây tốt hơn, điều kiện tốt hơn là người ta sẵn sàng đi đến những nơi đấy. Đó là tập quán.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giải thích, điều kiện kinh tế - xã hội ở những vùng nơi người dân tộc đang ở và so sánh với những vùng nơi đến có những thuận lợi hơn để canh tác, để sản xuất và trong thực tiễn đã chứng minh đồng bào Mông cũng như nhiều dân tộc khác di chuyển đến những địa bàn có điều kiện hơn thì điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, làm giàu cũng tốt hơn. Đó là điểm hấp dẫn người dân di chuyển đến.

Cũng có trường hợp tại nơi người dân tộc sinh sống xảy ra thiên tai, bão lũ, địch họa khiến họ cảm thấy không an lòng và đi tìm được nơi tốt đẹp hơn, họ chủ động đi từ địa phương này sang địa phương khác và đến nơi nào ở ổn định thì ở lại. Đây là sự di cư hết sức tự phát, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho hay.

Về giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, tất cả công dân Việt Nam đều có quyền về cư trú ở bất cứ nơi đâu theo Luật Cư trú. Nhưng trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, chúng ta phải phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật để làm sao người dân hiểu được các quy định pháp luật. Công tác tăng cường giáo dục, phổ biến, tuyên truyền, vận động bà con nhân dân là một việc hết sức quan trọng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, cần kịp thời nắm bắt và giải quyết những vướng mắc của các hộ gia đình, của nhóm cộng đồng dân cư để làm sao người dân thấy an lòng, cảm thấy được giải quyết ngay tức khắc, và cảm thấy ở đâu trên đất nước Việt Nam đều có sự quan tâm của chung của Đảng, Nhà nước, của các cấp, chính quyền địa phương thì họ sẽ an tâm để sinh sống.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, chúng ta cũng cần phải có những giải pháp để giải quyết những tập tục không còn phù hợp bằng biện pháp tổng hợp, để người dân nhận thức được vấn đề và không tiếp tục thực hiện việc di cư một cách tự phát, làm khó cho công tác quản lý.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Ủy ban Dân tộc sẽ cùng phối hợp với các bộ, ngành để đánh giá, rà soát, đề xuất cấp thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những chính sách bất cập, đồng thời có những chính sách mới trong giai đoạn mới đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.