Bài 2: Những vướng mắc từ thực tiễn sinh động
Sắp xếp các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng và bố trí chức danh kiêm nhiệm là công việc mới, chưa có tiền lệ; các địa phương thực hiện trên cơ sở hiện thực hóa chủ trương chứ chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể cho nên không ít cấp ủy lúng túng. Nhìn tổng thể, việc hợp nhất mang lại kết quả nổi bật là giúp giảm đầu mối cơ quan nhưng hiệu lực, hiệu quả hoạt động lại chưa thật sự có sự khác biệt so với trước khi hợp nhất bởi mới chỉ là tiến hành gộp một cách cơ học các cơ quan, nhiều vấn đề bất cập chưa được giải quyết.
Bất cập về cơ chế vận hành tổ chức, quan hệ công tác
Hà Giang là địa phương tích cực triển khai thí điểm hợp nhất cơ quan tham mưu của Đảng và cơ quan chuyên môn chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Trong số các đề án, kế hoạch được ban hành theo tinh thần thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, có Đề án số 25-ĐA/TU, ngày 24/9/2018, hợp nhất cơ quan Thanh tra tỉnh với cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thành cơ quan Ủy ban Kiểm tra-Thanh tra tỉnh Hà Giang. Sau khi hợp nhất, số lượng lãnh đạo cấp sở giảm bốn người, lãnh đạo cấp phòng giảm 15 người; giảm số lượng tổ chức cấp sở là một và cấp phòng là bốn. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thôi thí điểm hợp nhất hai cơ quan này.
Theo đánh giá của Thường trực Tỉnh ủy, việc thí điểm hợp nhất còn mang tính cơ học, tuy giảm được lãnh đạo, đầu mối tổ chức, trụ sở làm việc nhưng chưa giảm được biên chế và kinh phí hoạt động. Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của cơ quan sau khi hợp nhất chưa được cấp có thẩm quyền ở Trung ương quy định, hướng dẫn cụ thể dẫn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ gặp khó khăn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không tránh khỏi những bất cập. Cơ quan sau hợp nhất vẫn sử dụng hai con dấu cũ.
Quy trình nghiệp vụ về công tác kiểm tra, thanh tra chưa được quy định rõ, đồng bộ, nên trong một cơ quan nhưng chế độ báo cáo về công tác kiểm tra, giám sát thực hiện riêng và công tác thanh tra thực hiện riêng. Cùng một công việc, nhưng vừa thực hiện chức năng tham mưu, vừa tiến hành thẩm định, sau đó lại tham mưu triển khai tổ chức thực hiện cho đến khi kết thúc công việc, lập lưu hồ sơ, như vậy chưa bảo đảm tính khách quan, độc lập giữa tham mưu và thẩm định. Công tác quản lý tài chính cơ quan khối Đảng thực hiện chi theo lệnh, còn cơ quan khối chính quyền chi theo Luật Ngân sách…
Tiến sĩ Phạm Thị Huệ, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) khi bàn về việc thí điểm hợp nhất hai cơ quan nêu trên cũng nêu những bất cập cần khắc phục của mô hình tổ chức mới. Ở những địa phương tiến hành thí điểm cấp huyện (như Yên Bái), cấp tỉnh (như Hà Giang) thì cơ quan thanh tra không còn, nhưng chức năng của cơ quan vẫn được thực hiện. Hệ quả là, mối liên hệ giữa Thanh tra Chính phủ và hoạt động thanh tra ở Hà Giang gặp khó khăn do không còn cơ quan thanh tra cấp tỉnh. Vướng mắc này cũng xảy ra với Yên Bái khi cơ quan thanh tra cấp tỉnh rất khó giữ mối liên hệ với hoạt động thanh tra cấp huyện.
Cơ quan Ủy ban Kiểm tra-Thanh tra hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Huyện ủy với tư cách là cơ quan tham mưu cho cấp ủy. Vậy quá trình thực hiện chức năng thanh tra của cơ quan này chịu sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND hay bí thư? Ai có thẩm quyền ban hành chương trình, kế hoạch thanh tra, quyết định thành lập đoàn thanh tra, ban hành kết luận thanh tra, quyết định thu hồi sau thanh tra? Các báo cáo, văn bản phải gửi, trình cả chủ tịch UBND và bí thư, nếu có sự bất đồng ý kiến chỉ đạo thì ý kiến của ai có vai trò quyết định…
Cả nước chỉ có hai tỉnh Quảng Ninh và Bình Phước thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội. Cơ quan sau khi thành lập nhanh chóng kiện toàn bộ máy, chủ động xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, nỗ lực thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định và đã đạt được những kết quả nhất định. Song quá trình hoạt động gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công việc. Cụ thể như theo quyết định là cơ quan tham mưu, giúp việc nhưng trong thực tế hoạt động lại đóng vai trò là cơ quan lãnh đạo, đứng trên các tổ chức hội, đoàn thể.
Các bộ phận trong cơ quan hoạt động không đồng đều, một số quá nhiều việc, số khác lại ít việc do chức năng, nhiệm vụ khác nhau, các tổ chức hội trong Khối vẫn hoạt động theo điều lệ riêng… Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh, Vũ Quyết Tiến, những khó khăn, vướng mắc đặt ra trong thực tiễn cần được giải quyết, tháo gỡ ở tầm vĩ mô, có chủ trương từ Trung ương để các mô hình phát huy hiệu quả cao nhất trong thực tiễn. Cần bổ sung quy định về đối tượng, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, thể thức văn bản, mẫu dấu và mối quan hệ công tác đối với mô hình tổ chức mới để triển khai mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội bảo đảm sự phối hợp và thống nhất hành động của các tổ chức theo quy định.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Toản, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, để mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội hoạt động hiệu quả, cần phân định rõ chức năng chính trị chung của các tổ chức này tham gia nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, tuyên truyền thực hiện đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chức năng, nhiệm vụ hoạt động xã hội, xã hội-nghề nghiệp riêng của từng tổ chức vì lợi ích của các thành viên theo cơ chế tự nguyện, tự chủ, tự quản. Vì vậy, nghiên cứu tích hợp chức năng, nhiệm vụ chính trị chung của các tổ chức này (tích hợp tổ chức bộ máy) trong hệ thống chính trị từ cấp tỉnh xuống cơ sở. Còn chức năng hoạt động mang tính xã hội, xã hội-nghề nghiệp tổ chức theo cơ chế tự nguyện, tự chủ hoàn toàn theo luật và theo điều lệ của từng tổ chức.
Khó khăn, vướng mắc về nhân sự
Kiêm nhiệm chức danh (nhất thể hóa chức danh) người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng là chủ trương đúng đắn nhằm góp phần tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm biên chế. Thực tế thí điểm tại các địa phương thời gian qua cho thấy, việc kiêm nhiệm chức danh có những ưu điểm như giảm các cấp trung gian không cần thiết, tạo sự thống nhất, thông suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo. Người đứng đầu có thông tin đầy đủ và cái nhìn bao quát hơn về công việc, từ đó phát huy tính chủ động, sáng tạo, quyết đoán, quyết liệt, nhất là trong xử lý các vấn đề nảy sinh.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao lựa chọn được cán bộ có đủ trình độ, năng lực đảm nhiệm chức danh kiêm nhiệm. Nhập hai “vai” vào một, giảm được đầu mối nhưng khối lượng công việc, cách thức làm việc, sự phối hợp công tác giữa các bộ phận không thay đổi dễ dẫn đến sự quá tải đối với người đứng đầu, gây lẫn lộn trách nhiệm với nhau, thậm chí xảy ra tình trạng quan liêu, bỏ sót nhiệm vụ được giao. Đối với những cơ quan sau khi hợp nhất, thì trong hai người đứng đầu sẽ có một người làm trưởng, một người làm phó.
Người đứng đầu lúc này chịu áp lực rất lớn khi phải lãnh đạo, chỉ đạo những nội dung công việc mà mình không rành về chuyên môn. Ghi nhận tình hình tại các địa phương cho thấy, hầu như địa phương nào cũng gặp phải vấn đề nhân sự. Các tỉnh ủy, thành ủy đều gặp khó khăn trong việc tìm cán bộ có đủ các điều kiện và trình độ, năng lực, uy tín để đảm đương chức vụ lãnh đạo, quản lý vốn thuộc nhiều người. Các trường đào tạo cán bộ chưa xây dựng được những bài giảng cần thiết để bồi dưỡng, tập huấn cho những vị trí nhân sự còn rất mới này.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương, Lê Văn Hiệu cho biết, việc kiêm nhiệm chức danh trên địa bàn tỉnh có những hạn chế, vướng mắc như: Khối lượng công việc tăng lên gấp đôi đối với người đứng đầu nên thời gian dành cho việc nắm bắt tình hình thực tiễn ở cơ sở hạn chế. Người được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm mất nhiều thời gian tham dự hội nghị, cuộc họp, ảnh hưởng đến thời gian công tác chuyên môn, việc triển khai nhiệm vụ đôi lúc chậm. Đối với một số công việc, người kiêm nhiệm vừa là người tham mưu cho ban thường vụ cấp ủy, cấp huyện chỉ đạo triển khai, đồng thời là người trực tiếp thực hiện, không có người giám sát, kiểm tra; hoặc người đứng đầu vừa đi thanh tra, vừa tham mưu xử lý kỷ luật người vi phạm dẫn đến có việc thiếu khách quan…
Ở các địa phương, vấn đề tinh giản biên chế được đặt ra ở hầu hết các cơ quan sau khi tiến hành hợp nhất do số lượng cán bộ, công chức tăng nhưng chỉ tiêu biên chế không tăng. Đơn cử như cơ quan Kiểm tra-Thanh tra, chủ yếu tinh giản công chức thuộc biên chế của cơ quan thanh tra. Cấp huyện, công chức thanh tra được luân chuyển, bổ nhiệm vị trí khác hoặc điều động xuống xã. Thực tế ở nhiều huyện của các tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Trà Vinh, chỉ còn duy nhất đồng chí chánh thanh tra công tác ở cơ quan sau hợp nhất.
Cơ quan Kiểm tra-Thanh tra vẫn phải thực hiện chức năng thanh tra nhưng công chức thanh tra lại không còn và sẽ giao cho công chức của cơ quan ủy ban kiểm tra trước đây thực hiện. Do đó, việc bảo đảm chất lượng, hoạt động thanh tra là vấn đề còn nhiều trăn trở. Theo Ban Tổ chức Trung ương, một số địa phương sau khi thí điểm đã xin “rút” vì nhân sự không đáp ứng được yêu cầu. Thực tiễn này đòi hỏi phải vừa tiến hành việc thí điểm, vừa đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, lý luận chính trị để xây dựng chương trình bồi dưỡng, đào tạo nhân sự cho các vị trí nhân sự mới.
Làm sao kiểm soát được quyền lực
Một người đồng thời giữ chức vụ đứng đầu tổ chức đảng và tổ chức chính quyền không chỉ giảm chức vụ lãnh đạo, mà còn cho phép sử dụng hiệu quả hơn bộ máy tham mưu của Đảng và bộ máy của Nhà nước để vừa thực hiện được vai trò cầm quyền của Đảng vừa đề cao vai trò, vị trí của cơ quan nhà nước. Việc này tạo cơ hội, điều kiện cấu trúc lại mối quan hệ giữa tổ chức đảng và tổ chức chính quyền, khắc phục được sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tạo sự liên thông giữa cơ quan đảng và cơ quan nhà nước, làm cho quá trình triển khai thực hiện chủ trương của tổ chức đảng được nhanh hơn, thuận lợi hơn. Đó là về mặt lý luận, khi mà người đứng đầu thật sự có năng lực, phẩm chất và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực tế có những sự việc phát sinh tác động tới tư tưởng, hành động của người đứng đầu mà không phải lúc nào cũng giữ được công tâm, minh bạch. Điều này đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu.
Quyền lực của người đứng đầu mô hình kiêm nhiệm chức danh rất lớn, nhất là khi người ấy đồng thời vừa giữ chức vụ đứng đầu cấp ủy vừa giữ chức vụ đứng đầu chính quyền cùng cấp (bí thư đồng thời là chủ tịch UBND). Nhưng hiện nay lại chưa có cơ quan, cá nhân nào ngang tầm để phản biện, kiểm soát. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trên cương vị người đứng đầu cả hai chức danh này, nếu tính đảng và trách nhiệm công vụ không cao, càng có điều kiện để độc đoán, chuyên quyền và hạn chế dân chủ trong bàn định, phản biện các quyết sách dù lãnh đạo hay quản lý.
Những quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được cụ thể hóa một cách thống nhất và đồng bộ. Từ đó, có thể nảy sinh tình trạng vừa dựa dẫm hoặc “núp” vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm... Và, những việc làm tắc trách, trì trệ, lạm dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm” có môi trường, điều kiện nảy sinh. Do đó, việc kiểm soát quyền lực trong các mô hình này vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm, làm rõ cả về lý luận và thực tiễn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, Trưởng Ban Xây dựng Đảng, Tạp Chí Cộng sản đặt vấn đề: Cơ chế kiểm soát như thế nào để một cá nhân dù có nhiều quyền lực hơn nhưng không trở nên độc đoán, chuyên quyền, lạm dụng quyền lực được giao, đồng thời còn là để việc nhất thể hóa và hợp nhất không phải chỉ trong thời gian ngắn, mà phải duy trì được một cách lâu dài, ổn định, bền vững. Đây là những vấn đề hết sức “nóng”, rất quan trọng cần được làm rõ cả về lý luận và thực tiễn thực hiện mô hình nhất thể hóa để có câu trả lời thuyết phục, thấu đáo hơn; từ đó mới đủ cơ sở để tạo ra quyết tâm và thống nhất cao trong hành động, đem lại hiệu quả thiết thực.