Nghệ thuật cảnh quan kiến trúc Đình làng Bắc Bộ

Huyền Văn
Cảnh quan di tích cổ thông thường vừa là những phong cảnh đẹp đẽ vừa được lựa chọn phù hợp với đất đai phong thủy. Cùng với những điều tín ngưỡng, ta vẫn thấy nổi lên một nét lớn là địa điểm được chọn lựa luôn luôn hài hoà với cảnh quan môi trường xung quanh.
nlntv-7a6e067e4085ddab7fe98a5c77d83405-1651535753.jpg
 

Đặc điểm kiến trúc đình làng Bắc Bộ
Đình làng ở thôn quê xưa tiêu biểu cho nét độc đáo của kiến trúc và điêu khắc Việt Nam, qua nhiều thế kỷ đã mang dấu ấn riêng của kiến trúc người Việt vùng đồng bằng Bắc bộ. Về cơ bản qui mô kiến trúc đình làng không lớn như chùa, yếu tố thờ cúng tôn giáo cũng không mạnh như chùa. Đình là nơi hội họp của làng, tổ chức lễ hội hàng năm vui chơi múa hát, nơi thờ cúng thành Hoàng làng.

nlntv-89a014e0a2fd63a33aec-1651535837.jpg
Ảnh: Đình Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng  Ninh), đầu TK 20

Một số dạng đình khác nhau tuỳ theo mỗi nơi xây dựng, thường là mấy dạng mặt bằng kiến trúc như: đình có mặt bằng kiến trúc một toà nhà chữ Nhất (quy mô chỉ có một tòa đại đình), đình mặt bằng kiến trúc nhà chữ Đinh và đình mặt bằng kiến trúc nhà chữ Công. Tổng thể một đình làng có nhiều thành phần kiến trúc chữ Nhất thường là: ngoài cùng là hồ nước, ao làng hoặc giếng làng; tiếp đến có hàng cột làm nghi môn; sân đình rộng, hai bên sân đặt nhà tả mạc và hữu mạc, trên sân xây nhà phương đình hoặc bình phong; tiếp đến là nhà tiền tế; kiến trúc chính là toà nhà đại đình; nối với đại đình là chuôi vồ hậu cung thờ Thành hoàng làng, thành kiến trúc chữ Đinh. Đôi khi mở rộng Hậu cung nối liền với đại đình thành hình chữ Công. Đình làng tuy ít thành phần kiến trúc hơn chùa làng, không có hệ thống tượng phức tạp như chùa, nhưng đình làng thường có khoảng sân rộng phía trước để tổ chức lễ hội, tụ họp đông người. Đồng thời đình còn là nơi thể hiện vai vế, chức vị của cánh đàn ông trong làng sắp xếp sẵn chỗ cao thấp trong dịp Lễ hội. Không gian nội thất đình làng “mở”, không gian chùa “ đóng”, vì chùa thờ Phật cần những khoảng tối mờ tỏ tăng thêm không khí linh thiêng. Đình là nơi thế tục, mạnh về yếu tố sinh hoạt náo nhiệt, ngôi nhà chung của làng nên cần thoáng đãng, nhiều ánh sáng, tất nhiên gian giữa là “cung cấm” thờ Thành hoàng nên đóng kín.

nlntv-d335203feec1e0f6355592f8eaf52ef4-1651535915.jpg
Ảnh: Đình Thụy Phiêu (Ba Vì, Hà Nội), TK 16.

Cho đến nay ngôi đình sớm nhất có ghi rõ niên đại là đình Thụy Phiêu (Ba Vì, Hà Nội) năm 1531 thời Mạc kết cấu tòa đại đình 3 gian, các đình thế kỷ 16 khác cũng như đình Thụy Phiêu thường dựng 3 gian hai chái như đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa, Bắc Giang), đình Phù Lưu (Từ Sơn, Bắc Ninh) đều quy mô nhỏ và không còn dấu vết sàn đình như thời mới khởi dựng. Phong trào dựng đình, cũng như hoạt động làng xã khởi sắc mạnh mẽ từ nửa cuối thế kỷ 17, khoảng 1672 khi cuộc giao tranh Trịnh - Nguyễn hưu chiến, lấy sông Giang (Quảng Bình) làm giới tuyến. Giai đoạn Chính Hòa (1680-1705) được coi là đỉnh cao về nghệ thuật đình làng, vì số lượng dựng đình nhiều nhất và cũng thể hiện rõ giá trị nghệ thuật nhất, các thời sau khó có thể so sánh bằng. Từ thế kỷ 18 đến hết thời Nguyễn (nửa đầu thế kỷ 20) kiến trúc đình làng dần dần phát triển lớn hơn về quy mô kiến trúc, như thêm hạng mục công trình. Chẳng hạn nhà giải vũ hai bên sân đình, nhà phương đình, cột trụ nghi môn, nhà hậu cung nối với đại đình, nhà tiền tế trước đại đình và hồ nước.

Cảnh quan kiến trúc đình làng trong không gian làng xã
Cảnh quan di tích cổ thông thường vừa là những phong cảnh đẹp đẽ vừa được lựa chọn phù hợp với đất đai phong thủy. Cùng với những điều tín ngưỡng, ta vẫn thấy nổi lên một nét lớn là địa điểm được chọn lựa luôn luôn hài hoà với cảnh quan môi trường xung quanh. Tùy địa hình địa mạo của mặt bằng phẳng rộng hay kết hợp núi đồi, hồ ao, sông suối, tức là kiểu đất, thế đất để quyết định phuơng án xây cất các công trình kiến trúc.

nlntv-682e478a7ea3365f08730c3c7e60eae6-1651535993.jpg
Ảnh: Đình An Hòa (Hà Nam), TK 17.

Không gian bên ngoài của quần thể di tích, hay còn gọi cảnh quan - thẩm mỹ môi trường vừa có ý nghĩa về quy hoạch tổng thể, vừa có ý nghĩa trang trí làm đẹp cho toàn bộ di tích. Vì vậy công trình tôn giáo thường phải thoả mãn nhiều điều kiện khi xây cất như hướng nhìn của công trình, chọn thế đất theo phong thuỷ, chọn vùng đất phù hợp với chức năng tôn giáo, chọn phong cảnh tô điểm kiến trúc trở nên hài hoà với thiên nhiên.
Câu ca dao:
Toét mắt là tại hướng đình
Cả làng toét mắt, riêng mình em đâu
Cho thấy việc chọn thế đất là điều tối quan trọng ảnh hưởng về lâu dài đến cả cộng đồng làng xã. Dựa vào thầy địa lý và cơ sở dịch học, người ta tính toán tìm địa điểm sao cho hội tụ được nhiều mạch đất dòng khí tươi tốt bổ trợ kiến trúc tôn giáo mãi mãi hưng thịnh. Người xưa quen gọi phương pháp chọn đất dựng nhà là thuyết “phong thuỷ”. Địa điểm mà các thầy địa lí chọn thì hết sức phong phú, như “tiền tam thai, hậu thất tinh” (trước có ba gò cao như ba cái đài, sau có bẩy ngọn đồi như bẩy ngôi sao quí), hoặc “tiền án, hậu chẩm” (trước có vật để che chắn, sau có vật để gối tựa); nào là “sơn triều thuỷ tụ”, “chi lưu huyền thuỷ” (nước chảy vòng vèo hội tụ, có núi chầu về bao bọc); thế đất có hình “tay ngai”, hình “tả thanh long, hữu bạch hổ” (có núi vòng hai bên như hình tay ngai của ngai thờ, biểu tượng của rồng chầu hổ phục). Làng Đồng Kỵ (Hà Nội) con gái trong làng rất hay xảy ra trường hợp lấy chồng thiên hạ, thầy phán phải xoay lại hướng đình.

nlntv-2fb167436a788075a87da8631c53f18e-1651536049.jpg
 Ảnh: Đình Diềm (Bắc Giang), TK 17.
nlntv-fb0f8de16596f0745e03401374adaab1-1651536125.jpg
Ảnh: Đình Cổ Mễ (Đáp Cầu, Bắc Ninh), TK 17

Không gian chung của chùa và đền luôn tạo nên vẻ trang trọng thâm nghiêm bởi yêu cầu thờ cúng và tu hành đạo pháp cần yên tĩnh. Cảnh quan môi trường đình làng không xa lánh với dân chúng, luôn gắn kết vào đời sống thế tục, hoà vào sinh hoạt chung của một làng thành một thể thống nhất. ý tưởng xây dựng của đình làng là một công trình kiến trúc công cộng, sản phẩm chung của cả làng. Nó được tất cả các thành viên trong cộng đồng có mối giao cảm chung để tạo nên mối gắn kết nhân ái của tình làng nghĩa xóm.

nlntv-43c599adc334eee9c0101abcb8265b4e-1651536166.jpg
Ảnh: Đình Trà Cổ(Móng Cái, Quảng Ninh) TK 18.

Tuỳ theo địa lí mỗi làng mà không gian của ngôi đình có sự khác biệt. Theo Nguyễn Du Chi, nói chung trong môi trường nông thôn Việt Nam xưa, với những lớp nhà tranh vách đất nhỏ bé và lụp xụp thì ngôi đình làng với dáng bệ vệ nổi lên như một kiến trúc hoành tráng, hoàn chỉnh và đầy vẻ cao nhã với không gian trải rộng lớn. Sự đồ sộ này dẫn đến những đột biến lí thú trong không gian chung làng xóm Việt Nam, tạo nên cho nông thôn xưa những cảnh quan đẹp đẽ, thu hút sự chú ý của mọi người, nhất là các khách qua đường. Tuy bề thế khác thường nhưng không gian kiến trúc ở đây không mang tính chất khoe khoang, doạ nạt ai mà vẫn gắn bó với xóm làng. Bởi vậy, trong lúc các kiến trúc thờ cúng phải rào dậu một cách kín đáo, biệt lập thì khuôn viên đình làng lại được rào dậu sơ sài. Dường như nó sẵn sàng dang cánh tay rộng lớn ra để nhận tất cả mọi người đến với mình từ mọi phía của khuôn viên, mặc dù đình cũng có cổng vào hẳn hoi. Nói theo thuật ngữ của các nhà kiến trúc thì không gian của đình là “không gian mở”. Nó hoà nhập với không gian chung của làng, một số ngôi đình ít nhiều còn giữ lại được không khí xưa như đình Đồng Kỵ (Bắc Ninh), đình Thổ Hà (Bắc Giang), đình Xốm (Phú Thọ), đình Thổ Tang (Vĩnh Phúc), đình Tích Giang, đình Chu Quyến (Hà Nội).

nlntv-9c9a231dbbe9afbbe86b7fdde6a585c8-1651536234.jpg
Ảnh: Đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), TK 16.

Cảnh quan đình Tây Đằng (Hà Nội), là “không gian mở” rất rộng về ba phía: mặt trước và hai bên. Toàn bộ công trình kiến trúc toạ lạc trên một bãi đất rộng, cao ráo và bằng phẳng án ngữ ngay trước làng, nơi ngã ba các đường giao thông quanh làng. Bãi đất này xưa cũng là nơi hàng năm làng tổ chức các lễ hội đông vui. Tuy có một không gian rộng lớn riêng biệt nhưng chung quanh đình không hề có hàng rào che chắn. Người ta có thể đến đình từ nhiều phía. Không gian bao quanh đình hoà chung vào không gian xóm làng, một phần bởi ao phía trước đình cũng là giếng làng, cung cấp nước ăn cho cả làng.

nlntv-503237cb0929a30a281617919da3477e-1651744864.jpg
 
nlntv-6853c9b43c8c333045e3c1d3e00e9ca0-1651536450.jpg
Ảnh: Bên ngoài và khuôn viên bên trong đình Hoàng xá (Ứng Hòa,Hà Nội), TK 17 

Những ngôi đình có hồ nước rộng bao quanh hoặc ít ra cũng án ngữ trước lối vào công trình. Mặt nước phẳng lặng, trong suốt của hồ, ao đã góp phần không nhỏ vào việc tạo nên một vẻ lung linh vô hình làm cho cuộc sống sôi động trần tục bên ngoài trở nên tĩnh lặng hơn, giúp con người trở về với thế giới của tâm linh, của niềm kính trọng vị thần Thành hoàng làng. Các nhà xây dựng đã biết lợi dụng ao hồ tự nhiên hoặc cho đào những ao hồ mới, góp phần tạo cho công trình đạt hiệu quả thẩm mỹ. Mặt nước của ao hồ lung linh càng làm tăng thêm vẻ đẹp của công trình. Kiến trúc soi bóng xuống nước như được nhân lên qui mô lớn hơn nhiều lần. Chúng tạo cho môi trường thẩm mỹ kiến trúc càng thêm đa dạng, đầy vẻ thơ mộng. Một số công trình ngày nay còn để lại dấu tích giúp ta nhận ra sự thành công của cha ông xưa trong việc tạo không gian thẩm mỹ bằng các hồ nước gắn bó với kiến trúc như: đình Tây Đằng, đình Chu Quyến (Hà Nội) .v.v. Cảnh quan hồ nước đình Tây Đằng, đình Chu Quyến là một giải pháp hết sức rõ ràng về ý tưởng kết hợp kiến trúc và hồ nước ăn nhập với nhau thành tổng thể hài hòa.

nlntv-3869f456ad347c60c691045fc1ef65fb-1651805215.jpg
Một phần mặt bên đình Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang), TK 17.

Đình làng gắn kết tâm linh làng xã
Ngày nay khi làng xã nông thôn đã biến đổi rất nhiều về đời sống văn minh so với vài trăm năm về trước. Làng nước thủa xưa với “bờ tre, bến nước, con thuyền”, làng bao bọc bởi lũy tre xanh cũng dần vắng bóng, thay vào đó là đường bê tông và nhà cao tầng như những khối hình cứng rắn nên không còn nhà mái rạ và mái ngói âm dương, ngói vảy cá. Mỗi con người, mỗi cộng đồng làng xã xưa và nay cũng khác rất nhiều về thẩm mỹ và quan hệ xã hội. Nhưng những ngôi đình làng cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị về tâm linh và truyền thống văn hóa, bởi trong tâm khảm người dân làng xã quan niệm rằng còn ngôi đình, còn ngôi chùa, còn miếu, đền ở làng là vẫn còn truyền thống của “Lễ” và còn “Hội Làng”, tức là triết lý tinh thần từ ngàn xưa luôn lưu giữ cho đến nay và mai sau.


Nguyễn Hải Phong - Trường Thọ